Nghi vấn “ưu ái” chấm thầu công trình tại Quảng Bình

(PLVN) - Dù vắng mặt tại buổi mở thầu công khai cùng mức giá dự thầu công trình so với “đối thủ” cao hơn 400 triệu đồng, nhưng đơn vị Tổ tự quản Cầu Roòng (xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vẫn được Ban Quản lý xã này chấm trúng thầu. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn, liệu Ban Quản lý xã Hồng Hóa có “ưu ái” trong việc chấm thầu, làm lãng phí ngân sách nhà nước?
Công trình đường giao thông nông thôn vào Khu sản xuất Cây Mang
Công trình đường giao thông nông thôn vào Khu sản xuất Cây Mang

Ngày 6/11/2019, Ban Quản lý (BQL) xã Hồng Hóa tổ chức mở thầu công khai hồ sơ của các nhà thầu tham gia gói thầu xây dựng công trình “Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa (giai đoạn 1).

Công trình có chiều dài hơn 2,5km, thuộc loại công trình giao thông nông thôn (cấp IV) do BQL xã làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư cho công trình là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 

BQL xã Hồng Hóa cho rằng sau khi căn cứ theo Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định 161/2016/NĐ-CP liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu cùng các nghị định và một số quy định khác, đã tổ chức mở thầu công khai. Tại thời điểm mở thầu, có 2 đơn vị đủ điều kiện tham gia gói thầu gồm: Tổ tự quản (TTQ) Cầu Roòng và Tổ xây dựng (TXD) Cao Viết Hùng (xã Hồng Hóa).

Thế nhưng, tại buổi mở thầu công khai ngày 6/11/2019 không hề có sự tham gia của đơn vị TTQ Cầu Roòng mà chỉ có sự tham gia của TXD Cao Viết Hùng cùng đại diện đơn vị được tổ này thuê để thực hiện công trình nói trên.

Kết quả mở thầu, TXD Cao Viết Hùng có mức giá dự thầu là 2.144.929.000đ, trong khi đó mức giá dự  thầu của TTQ Cầu Roòng thời điểm mở kết quả thầu theo ông Độ (đại diện đơn vị được TXD Cao Viết Hùng thuê để thực hiện công trình nếu trúng thầu) cao hơn 4.900.000đ. Có nghĩa là, mức giá dự thầu của TTQ Cầu Roòng thời điểm mở thầu ngày 6/11 đó là 2.149.829.000đ. 

“Sau khi có kết quả mở thầu tại UBND xã, hai tổ chúng tôi đem ra so sánh giá thì bên đó (TTQ Cầu Roòng - PV) cao hơn mình (TXD Cao Viết Hùng – PV) là 4.900.000đ”, ông Độ cho biết.

Quyết định chấm thầu công trình của BQL xã Hồng Hóa
Quyết định chấm thầu công trình của BQL xã Hồng Hóa

Dù có mức giá dự thầu thực hiện công trình cao hơn và vắng mặt tại buổi mở thầu công khai, nhưng tại Quyết định số 321/QĐ-BQL ngày 02/12/2019 của BQL xã Hồng Hóa về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nói trên thì đơn vị TTQ Cầu Roòng vẫn… trúng thầu. 

Đáng chú ý hơn, cũng theo Quyết định 321/QĐ-BQL, mức giá trị trúng thầu của TTQ Cầu Roòng lúc này là 2.580.000.000đ. Như vậy, so với mức giá dự thầu của TXD Cao Viết Hùng thì mức giá trị trúng thầu lúc này đã cao hơn lên đến 435.071.000đ (so với 4.900.000đ trước đó, theo ông Độ).

Một công trình giao thông nông thôn do BQL xã làm chủ đầu tư, nhưng việc lựa chọn, quyết định chấm thầu lại được chấm cho đơn vị có mức giá trị cao hơn. Liệu BQL xã Hồng Hóa có “ưu ái” cho đơn vị TTQ Cầu Roòng? Ngân sách có nhất thiết mất thêm 435.071.000đ để thực hiện công trình sau quyết định chấm thầu này hay không?

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Đọc thêm