Người cựu binh mong được khôi phục chế độ thương tật để có tiền nuôi con gái

(PLO) - Mang trong phổi mảnh đạn từ thời quân ngũ, 29 năm nuôi hai con gái tâm thần, đó là nỗi đau không kể xiết của ông. Đi 2/3 cuộc đời, ông hiểu ra rằng, không nỗi đau nào bằng nỗi đau tinh thần, không kiêu hãnh nào hơn được cầm súng chiến đấu hi sinh cho Tổ quốc. Dù đã “giã từ vũ khí” và cuộc sống thường nhật vô cùng khó khăn nhưng ông vẫn mỉm cười làm chủ cuộc sống. Tất cả là nhờ bản lĩnh người lính. Người lính ấy là cựu binh Trương Phi Hùng, sinh năm 1956 ở xóm 3 xã Nga Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Ba bố con cựu binh Trương Phi Hùng.
Ba bố con cựu binh Trương Phi Hùng.

Tuổi trẻ cầm súng trên đất Chăm-Pa

Trong căn nhà tình nghĩa xuống cấp tàn tạ, ông Trương Phi Hùng kiêu hãnh ngồi xuống chiếc ghế cũ kỹ kể cho tôi nghe một thời hoa lửa mà ông và đồng đội đã vượt dưới mưa bom bão đạn. Tuy cách đây đã 39 năm, nhưng những ngày chiến đấu ở cao điểm số 2 ở tỉnh Sa-mát (Cam-pu-chia) thì ông không bao giờ quên. 

“Không phải thời bình ông không có mất mát đau thương, ngay cả khi đất nước lặng im tiếng súng, nhiều người lính vẫn kiêu hãnh ra chiến trường. Tuổi trẻ mình cống hiến, hi sinh cho đất nước, vinh dự lắm chứ”, ông Hùng chia sẻ.

Ngày 30/6/1977, ông Hùng xung phong đi bộ đội. Đơn vị đầu tiên ông nhập ngũ là Đại đội 2 thuộc Trung đoàn 148, Sư đoàn 316B, Quân khu 4 đóng quân ở Nghệ An. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, ông được biên chế vào Đại đội 11 thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 đóng quân ở Tây Ninh.

Cũng như bao người lính Việt Nam thời ấy, hạ sĩ Trương Phi Hùng hăng hái hành quân sang Cam-pu-chia chiến đấu theo tiếng gọi của nước bạn và sứ mệnh của người lính Việt Nam tình nguyện. Trong một trận chiến đấu vượt cửa mở tiêu diệt địch tại cao điểm số 2 thuộc tỉnh Sa-mát, ông Hùng bị trúng đạn địch. Một mảnh đạn găm vào phổi phải.

“Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình đã chết. Tôi ôm quả bộc phá lao lên, cách cửa mở khoảng 2 mét thì thấy ngực mình đau buốt. Tôi kịp ngoái lại phía sau thì thấy ba đồng chí đang ôm bộc phá chạy lên theo mình, rồi không biết gì nữa”, ông Hùng hồi tưởng lại.

Sau khi bị thương ở ngực, ông Hùng được y tá vận chuyển về tuyến sau. Ông được chuyển đến bệnh viện Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3. Tại đây, các bác sĩ kết luận ông bị thương tật vĩnh viễn, mất 18% sức khỏe. Vết thương lành, ông Hùng lại ra trận chiến đấu cùng đồng đội. Đến giữa năm 1982, ông Hùng được xuất ngũ về địa phương.

Ông Hùng đăm chiêu nhìn ra khoảng trống trước nhà. Ông lục lại ký ức thời tuổi trẻ cầm súng trên đất bạn Cam-pu-chia. Câu chuyện thời hoa lửa phải đứt đoạn bở ông phải lau nước mắt vì xúc động: “Tôi không nghĩ là mình còn sống. Ở nơi chiến trường khốc liệt, được sống trở về là điều may mắn. Đạn dày như mưa, biết đường nào mà tránh. Lúc đó chiến đấu theo tiếng gọi của trái tim. Vào trận là cầm súng xông lên chứ ai nghĩ sống chết thế nào”.

“Cuộc chiến đấu ở cao điểm Sa-mát năm ấy, hơn một nửa đồng đội hi sinh. Nhưng đó là sự hi sinh cao đẹp cho cho đất nước của bạn. Nếu ngày ấy, không có lính tình nguyện Việt Nam sang giúp, thì người dân Cam-puchia khó thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn-Pốt và đất nước họ cũng chìm trong máu lửa thời gian dài. Mặc dù mang trong phổi mảnh đạn chưa lấy ra được nhưng tôi luôn tự hào về những ngày chiến đấu ấy. Đó là quãng thời gian đẹp nhất của tôi”, ông Hùng kiêu hãnh nhớ lại.

Vết thương không mảnh đạn

Mang trong phổi mảnh đạn từ trận chiến đấu trên đất nước Chăm-Pa, mỗi khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời, vết thương lại hành hạ ông nhói buốt. Nhưng có một nỗi buồn không bao giờ vơi cạn, một vết thương không bao giờ chữa lành, đó là hai con gái ông mắc bệnh tâm thần. Vết thương ấy không mảnh đạn, nhưng nó làm tim ông luôn quặn thắt, làm cho cuộc sống của ông có lúc bế tắc, bần cùng.

Ông Hùng rời quân ngũ năm 1982 thì đến giữa năm 1987 lấy vợ. Niềm an ủi của người cựu binh mất 18% sức khỏe và còn mảnh đạn trong phổi là hai cô con gái lần lượt ra đời.

Nhưng niềm vui ấy dần dần lịm tắt khi hai con gái ông nuôi mãi không lớn, chân tay oặt nhão như rễ khoai, lên 10 tuổi mà không biết đọc, biết viết. Ông Hùng nghi ngờ con nhiễm chất độc đi-ô-xin, ông vay tiền hàng xóm bắt xe đò đưa hai con ra Hà Nội khám. Tại đây, bác sĩ kết luận, cả hai con gái ông bị tâm thần do nhiễm chất độc da cam từ ông. Trên đường từ Hà Nội về, ngồi trên xe, ông ôm hai con âm thầm khóc.

29 năm qua, ông Hùng không nhớ bao lần ông ôm chặt con gái vào lòng mỗi lần chúng lên cơn điên, bao lần ông chạy ra cánh đồng cói khóc một mình cho lòng nhẹ nhõm. Nhưng nhẹ làm sao được khi hàng ngày, hàng giờ nhìn hai con ông dại khờ chơi với đất, vớ gì ăn nấy. 

“Những lúc nó lên cơn điên là khổ nhất. Nó la hét, chạy ra vườn, phá cây cối, đập đồ đạc, thậm chí ăn cả phân. Gia đình có một đưa điên đã là khổ lắm rồi, đằng này cả hai chị em đều tâm thần, thật là bất hạnh”, ông Hùng nói, mắt lưng tròng nhìn hai con gái mà ông yêu hơn máu thịt ông.

Hỏi về chế độ, ông Hùng cho biết, hai con gái ông được hỗ trợ theo “chế độ 67”, tức là được 270.000 đồng/ tháng. “Với số tiền ít ỏi đó, chưa đủ xăng xe, lộ phí mỗi lần bắt xe đò lên bệnh viện lãnh thuốc tâm thần về cho con uống, lấy gì mà ăn anh. Lúc nó bình tĩnh, nịnh mãi nó cũng biết xe lõi, quét nhà. Có ai đến chơi, bảo nó đi rửa mặt là nó cười. Bảo nó quét nhà, có khi nó cầm chổi ném cả vào bố. Những lúc đó, tôi càng thương nó hơn. Dù sao nó cũng là con mình đẻ ra”, ông Hùng chia sẻ. 

Dù đã “giã từ vũ khí” và cuộc sống thường nhật vô cùng khó khăn, nhưng ông vẫn mỉm cười làm chủ cuộc sống.

Dù đã “giã từ vũ khí” và cuộc sống thường nhật vô cùng khó khăn, nhưng ông vẫn mỉm cười làm chủ cuộc sống.

Đứng dậy từ nỗi đau

Buồn đau mãi cũng chẳng thay đổi được cuộc sống. Muốn có bát cơm ăn, có tiền mua cân thịt, không còn cách nào khác là phải làm, phải kiếm cơm từ đôi bàn tay và làm chủ cuộc sống. Bản lĩnh người lính chiến trường đã thức tỉnh ông phải thoát đói, khắc phục khó khăn. Nhưng thoát đói cách nào, khi hai con gái tâm thần, vợ bị khiếm thị đau ốm liên miên? Bao đêm trằn trọc, cuối cùng cũng tìm ra lối thoát. 

Tận dụng mảnh vườn ông xới đất trồng rau. Mảnh đất đầu đường ông đào ao thả cá. Để có việc làm cho vợ, ông mạnh dạn thế chấp ngân hàng căn nhà tình nghĩa lấy tiền xây chuồng nuôi heo, mua thêm cái máy xe lõi về cho vợ làm tranh thủ buổi tối.

Với ông, một ngày mới bắt đầu từ 4 giờ sáng dậy nấu cám, cắt cỏ cho cá, cho heo ăn rồi đạp xe đi làm hồ. Còn vợ ông ở nhà, ngoài chăm sóc hai con gái tâm thần còn “chăm sóc” bầy heo. Khó có thể nói hết những ngày đầu khó nhọc, nhưng niềm vui cứ nhen nhóm lớn dần. Bầy heo hay ăn chóng lớn, mảnh đất trước nhà mùa nào cây ấy, đàn cá dưới ao năm bán một vụ.

Ước nguyện cuối đời

Đối với ông Hùng, không có gì sung sướng hơn là được gặp lại đồng đội cũ. Một phần muốn tìm lại ký ức một thời hoa lửa, một phần ông muốn đồng đội cũ của ông minh chứng cho ông bị thương tật mất 18% sức khỏe mà 39 năm qua ông không hề được hưởng một chế độ nào.

Ông Hùng cho biết: “Trước khi xuất ngũ về địa phương, tôi nhận được 110 đồng. Lúc đó tương đương 2 tháng phụ cấp. Tôi đếm tất cả giấy tờ thương tật nộp cho huyện đội Trung Sơn (năm 1982, huyện Nga Sơn và Trung Sơn là một, sau này tách ra huyện Nga Sơn và Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa)”.

“Trong suốt 5 năm (1982-1987), tôi chờ đợi chế độ thương tật nhưng không thấy. Tôi đã đạp xe đạp lên Phòng Chính sách Huyện Đội Hà Trung hỏi nhiều lần, họ bảo hồ sơ thất lạc do người tiếp nhận không bàn giao lại, rồi hứa sẽ cố gắng tìm, nhưng chờ mãi chẳng thấy gì” – ông Hùng chia sẻ.

Khi biết được chế độ của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ cho người thương tật, giữa năm 2013, ông Hùng đạp xe lên cơ quan chính sách Huyện Đội Nga Sơn “xin tìm lại hồ sơ”. Tại đây, cán bộ chính sách Huyện Đội Nga Sơn trả lời “Không có hồ sơ của ông”. Cực chẳng đã, ông lại đạp xe ngược lên Huyện Đội huyện Hà Trung để mong tìm kiếm.

Một lần nữa, ông Hùng thất vọng ra về khi cán bộ Huyện Đội Hà Trung trả lời: “Hồ sơ của anh đã chuyển về Huyện Đội Nga Sơn”. “Lúc đó tôi thất vọng lắm, nhưng tôi vẫn cứ đinh ninh hồ sơ còn nằm ở huyện Hà Trung, thế là lại lần mò đến lần nữa. Nhưng cuối cùng, tôi đành ngậm ngùi trở về. Bây giờ tôi không biết hồ sơ thương tật của mình ở đâu nữa”, ông Hùng ngậm ngùi chia sẻ. 

Cuộc sống đã khó khăn, càng cực khổ hơn khi hai con ông ngày càng bệnh nặng, mảnh đạn trong phổi liên tục hành hạ ông khi thời tiết thay đổi. Nhiều lúc ông cùng quẫn, định phó thác cho số phận. Ông Hùng đau khổ cho biết, từ ngày xuất ngũ đến nay, ông không nhận được bất cứ một chế độ thương tật nào. Những lúc hai con lên cơn điên, ông muốn trở lại chiến trường, gặp đồng đội cũ cho khuây khỏa. 

“Nguyện vọng của tôi là khôi phục lại chế độ thương tật cho mình. Tôi lo nhất là khi tôi chết đi, hai con gái tôi sẽ sống ra sao, ai là người nuôi nó”, ông Hùng chia sẻ từ đáy lòng.

Đọc thêm