Nhắm mắt, liều mạng cho phép hoạt động khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu, Lương Sơn, ​Hòa Bình

(PLO) - Xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) là vùng chưa được Bộ Công thương quy hoạt hoạt động khoáng sản. 
Nhắm mắt, liều mạng cho phép hoạt động khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu, Lương Sơn, ​Hòa Bình

Ngày 12/8/2016, UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 924/UBND-NNTN xin ý kiến cơ quan chức năng về địa điểm thực hiện dự án Điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu. Theo đó, sẽ quy hoạch 3 khu đất với diện tích 13ha tại khu vực đồi Băng, xóm Rế và xóm Trong xã Hợp Châu để thực hiện dự án, do Công ty CP chế biến khai thác khoáng sản Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Ngày 3/11/2016 và ngày 15/2/2017, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục có các Công văn số 1461/UBND-NNTN và 144/UBND-NNTN xin ý kiến cơ quan chức năng về địa điểm thực hiện dự án Nhà máy chế biến quặng đa kim Hòa Bình tại đồi Chám và đồi Cổ Cò, thôn Băng Hợp, xã Hợp Châu do Công ty CP chế biến khai thác khoáng sản Hòa Bình làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng đất khoảng 1ha.

Ngày 23/11/2016, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 6208/VPUNBND-NNTN do Chánh văn phòng Nguyễn Văn Thắng ký truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Văn Khánh- Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Hòa Bình giao Sở tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp là Công ty CP khai thác và chế biến  khoáng  sản Hoà Bình lập thủ tục triển khai, thực hiện dự án điều tra đánh giá thăm dò khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Chỉ 5 ngày sau, ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký văn bản số 1973/STNMT-KS gửi Công ty CP khai thác và chế biến  khoáng  sản Hoà Bình  có nội dung “Công ty được đầu tư bằng nguồn vốn tự có để tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò quặng vàng tại xã Hợp Châu”.

Văn bản do ông Đinh Văn Hòa Giám đốc Sở TNMT ký bật đèn xanh cho doanh nghiệp thăm dò vàng
Văn bản do ông Đinh Văn Hòa Giám đốc Sở TNMT ký bật đèn xanh cho doanh nghiệp thăm dò vàng
Các văn bản “cho phép” của tỉnh Hòa Bình là không đúng quy định của pháp luật
Các văn bản “cho phép” của tỉnh Hòa Bình là không đúng quy định của pháp luật 

Đối chiếu theo các quy định của pháp luật thì các văn bản “cho phép” nêu trên của tỉnh Hòa Bình là không đúng quy định của pháp luật và ngay trong các văn bản trên đã thể hiện sự bất bình thường ở chỗ ngày 29-11-2016, Sở TNMT tỉnh Hòa Bình mới đồng ý cho doanh nghiệp “khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt để lựa chọn diện tích lập đề án thăm dò quặng vàng” thì cơ sở nào để đề xuất xây dựng nhà máy chế biến quặng đa kim? Căn cứ nào để UBND tỉnh Hòa Bình gửi công văn tới các bộ, ngành dự kiến lấy 13 ha trong vùng quy hoạch CT229 mang ý nghĩa quốc phòng an ninh quan trọng để khai thác vàng?

Xin nói rõ hơn, theo quy định của Luật khoáng sản thì hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản. Điều kiện để tổ chức, cá nhân được phép tham gia hoạt động thăm dò khoáng sản, đó là: tổ chức, cá nhân đó có đăng ký kinh doanh ngành nghề thăm dò khoáng sản. Để được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp phép thăm dò khoáng sản, tổ chức, cá nhân nêu trên phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản, trong đó Đề án thăm dò phải có trong quy hoạch loại khoáng sản có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% vốn thực hiện Đề án thăm dò tại khu vực đề nghị cấp phép.

Về cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản được quy định tại Điều 82 Luật khoáng sản năm 2010, cụ thể là: (1) Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc trường hợp quy định thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tất cả các loại khoáng sản trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ); (2) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình thăm dò tiến tới khai thác quặng vàng tại xã Hợp Châu là vi phạm pháp luật
Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình thăm dò tiến tới khai thác quặng vàng tại xã Hợp Châu là vi phạm pháp luật

Như vậy, khi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa cấp phép hoạt động khoáng sản ở địa bàn này thì lấy căn cứ nào để UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép (nếu có) cho Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình được tiến hành điều tra, khảo sát thăm dò vàng tại xã Hợp Châu?

Cũng theo Khoản 1 Điều 26 Luật khoáng sản quy định: “Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch loại khoáng sản”. Như vậy, một khu vực chưa có kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản như ở xã Hợp Châu thì chưa đủ điều kiện để khoanh định là khu vực hoạt động khoáng sản để đưa vào quy hoạch khoáng sản. Vậy chính quyền tỉnh Hòa Bình cho phép Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình được tiến hành hoạt động khoáng sản ở đây thì có đúng theo quy định của pháp luật?

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngày 21-7-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3672/BTNMT-ĐCKS do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký gửi UBND tỉnh Hòa Bình nêu rõ: “Bộ TNMT nhận được công văn số 333/UBND-NNTN ngày 28-3-2017 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản vàng tại xã Hợp Châu”. Bộ TNMT cho biết: Các khu vực quặng vàng 1,2,3 nêu tại Công văn số 333/UBND-NNTN không thuộc danh mục các dự án đầu tư, thăm dò quặng vàng mà Bộ Công Thương phê duyệt nên không có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản. Các số liệu thăm dò trước đây cũng chưa được điều tra, đánh giá nên chưa xác định được quy mô, triển vọng khoáng sản. Trường hợp có nhu cầu hoạt động khoáng sản, UBND tỉnh Hòa Bình hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ góp vốn đầu tư điều tra cơ bản địa chất  về khoáng sản đối với khu vực 1 và khu vực 2 theo Thông tư liên tịch số 61/2014/TTLT-BTNMT-BKHĐT-BTC. Sau khi có kết quả điều tra, đánh giá, xác định chất lượng, quy mô khoáng sản, Bộ TNMT sẽ hướng dẫn thủ tục theo quy định…”

Với các quy định chặt chẽ của pháp luật nêu trên cũng như quan điểm của Bộ TNMT thể hiện rõ ràng tại Công văn số 3672/BTNMT-ĐCKS  gửi UBND tỉnh Hòa Bình đã dẫn, thì không hiểu căn cứ vào đâu để các ông Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và ông Đinh Văn Hòa, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cho phép Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Hòa Bình được phép thăm dò tiến tới khai thác quặng vàng tại xã Hợp Châu?

Báo Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.

Đọc thêm