Nhiều vi phạm tại Cục Điện ảnh: Cục trưởng kém năng lực, phải chăng là vì được bổ nhiệm sai quy trình?

(PLVN) - Những ngày gần đây, dư luận đang dậy sóng trước việc Cục Điện ảnh cấp duyệt cho phép công chiếu bộ phim hoạt hình có cài hình ảnh công nhận “đường lưỡi bò”. Không những vậy, bà Nguyễn Thu Hà lãnh đạo Cục này còn đang bị tố được bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện, sai quy trình. Ngoài ra, bà Hà còn bị tố trong công tác quản lý, do chưa đủ năng lực đảm nhiệm chức vụ dẫn đến hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. 
Bà Nguyễn Thu Hà – Q. Cục trưởng Cục Điện ảnh đang bị tố cáo về vi phạm trong quá trình bổ nhiệm và quản lý
Bà Nguyễn Thu Hà – Q. Cục trưởng Cục Điện ảnh đang bị tố cáo về vi phạm trong quá trình bổ nhiệm và quản lý

Hàng loạt sai phạm bị tố giác

Báo PLVN nhận được đơn thư của đại diện đông đảo nghệ sĩ và người lao động tại các hãng phim tại Việt Nam tố cáo về các sai phạm tại Cục Điện ảnh, mà hầu hết nguyên nhân từ các sai phạm này đều xuất phát từ trách nhiệm của lãnh đạo Cục này – bà Nguyễn Thu Hà.

Theo tố cáo, lãnh đạo Cục Điện ảnh đã chậm trễ trong việc triển khai kế hoạch đặt hàng sản xuất phim trong giai đoạn 2018 - 2019 theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt. Theo Công văn số 600/VPCP-KGVX ngày 22/1/2019 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký yêu cầu Cục Điện ảnh sớm hoàn thành việc định hướng sáng tác và tổ chức đặt hàng sản xuất phim với các Hãng phim được giao sản xuất phim thực hiện nhiệm vụ chính trị để trình Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch sản xuất phim giai đoạn 2018-2019, các hãng phim được giao đã xây dựng kế hoạch và gửi đến Cục Điện ảnh từ ngay tháng 1/2019. Thế nhưng, 10 tháng đã trôi qua, đến nay việc triển khai kế hoạch vẫn đang bị trì trễ mà không biết đến bao giờ mới có kết quả.

Thậm chí, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch (Bộ VHTTDL), lãnh đạo các hãng phim đã góp ý kiến thẳng thắn về vấn đề này với Q. Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thu Hà. Lãnh đạo Cục này cũng đã hứa sẽ thúc đẩy hoàn thiện báo cáo để Chính phủ phê duyệt và Bộ Tài chính cấp ngân sách để đặt hàng sản xuất phim. Thế nhưng, đến này lời hứa của bà Hà vẫn chưa được thực hiện.

Bức xúc về việc chậm trễ thực hiện kế hoạch, một lãnh đạo hàng phim nói: “Các hãng phim chúng tôi trong suốt năm 2018 đến nay gần hết năm 2019, dù đã cố gắng ứng nguồn vốn của đơn vị để chủ động sản xuất phim. Nhưng đến thời điểm này, do chưa được duyệt kinh phí nên chúng tôi không còn kinh phí sản xuất, số phận của hàng chục bộ phim không biết sẽ đi đâu về đâu?”

Theo đại diện các hãng phim, mặc dù họ đã nhiều lần yêu cầu bà Nguyễn Thu Hà trả lời về việc Cục Điện ảnh đã báo cáo Bộ VHTTDL về sản xuất phim hay chưa? Nếu báo cáo thì đề nghị cung cấp văn bản rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay, đại diện các hãng phim vẫn chưa được vị lãnh đạo Cục này trả lời rõ ràng.

Cũng theo chia sẽ của đại diện hãng phim, một phần lý do của việc chẫm trễ là do trước đó Cục Điện ảnh đã có báo cáo đăng ký kế hoạch đặt hàng sản xuất phim gửi Bộ VHTTDL. Nhưng do làm trái nguyên tắc và quy định, nên báo cáo này đã bị Bộ này huỷ bỏ. Cụ thể, theo Công văn số 2384/VHTTDL-KHTC ngày 20/6/2019 của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký về việc rà soát lại kế hoạch đặt hàng, nhu cầu kinh phí sản xuất phim ghi rõ: Kết quả họp của Hội đồng do Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện năm 2018 phải bị huỷ bỏ bởi không hợp lệ.”

Trong báo cáo đăng ký mà bị huỷ bỏ này đáng chú ý có liên quan tới kinh phí bất thường cho một bộ phim đề nghị rót Hãng phim Hội Điên ảnh Việt Nam do ông Nguyễn Thanh Vân làm Giám đốc, đồng thời là anh trai của bà Cục trưởng với con số lên tới 30 tỉ đồng - con số lớn chưa từng có trong các phim đặt hàng của nhà nước từ trước tới nay. Hơn nữa, Hội đồng có 3/9 thành viên dự và bỏ phiếu, trong 3 thành viên đó thì một người là chị dâu bà Hà!

Sau đó, bà Hà tổ chức để một số thành phần của Cục Điện ảnh bỏ phiếu kín bầu chọn kịch bản đưa vào Báo cáo đặt hàng sản xuất phim, thành phần bỏ phiếu có cả những người không có chuyên môn, không phải thẩm quyền. Việc này đã gây ra sự hoài nghi: có hay không việc lợi dụng chức quyền để làm sai quy định?, Được biết, kết quả lựa chọn kịch bản này vẫn được cục điện ảnh gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đưa vào kế hoạch. 

Tuy nhiên, cho đến nay, các hãng phim vẫn  khi không được phê duyệt kinh phí, gây sự hoang mang trong giới nghệ sĩ, đồng thời ngành điện ảnh không thể sản xuất phim hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Chính phủ?

Cũng theo tố cáo, đại diện các hãng phim cho rằng Cục trưởng Cục Điện ảnh đã buông lỏng công tác quản lý, không thực hiện những biện pháp ngăn chặn, để bộ phim “Ròm” lọt lưới quản lý, ngang nhiên vi phạm pháp luật, ngang nhiên hiện diện trái phép trên cuộc thi điện ảnh quốc tế. Theo đánh giá của Cục Điện ảnh , nội dung của bộ phim này thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị- xã hội, thể hiện các nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Nếu đúng bộ phim đã trở thành một công cụ cho các thế lực thù địch lợi dụng nhằm xuyên tạc, chống phá chế độ, bôi nhọ hình ảnh đất nước. Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm của Cục Điện ảnh và bà Hà- đứng đầu Cục là không thể phủ nhận, không thể không xử lý. Thế nhưng, bà Hà vẫn thản nhiên nhận định về sai phạm nghiêm trọng này: “Nếu só sánh về mức độ vi phạm mà các nhà làm phim đang mắc phải, thì trường hợp phim “Ròm” vẫn còn nhẹ”.?.

Với nhận xét trên, phải chăng bà Hà không thể nhận ra vấn đề rằng, bộ phim mà bà để “lọt” là thứ vũ khí được các tổ chức thù địch sử dụng nhằm chống phá, bóp méo hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thật đáng quan ngại, khi mà vị có cái nhìn thiếu nhãn quan, nhạy cảm chính trị như vậy lại có thể nắm giữ cương vị lãnh đạo, đứng đầu cả một Cục vô cùng quan trọng.!. Phải chăng, việc bà Hà được bổ nhiệm nắm giữ cương vị này cũng là một sai sót?

Cục trưởng được bổ nhiệm sai nguyên tắc?

Theo tố cáo của đại diện các hãng phim, việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thu Hà nắm giữ cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh là sai nguyên tắc. Họ cũng cho rằng, bà Hà là người không đủ điều kiện, năng lực đảm nhiệm chức vụ này.

Liên quan vấn đề bổ nhiệm bà Hà, các đại diện hãng phim cho rằng bà Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng khi chưa đạt đầy đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 3188/QĐ-BVHTTDL ngày 16/8/2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL (QĐ số 3188).

Cụ thể, Quyết định số 1385/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2019 của Bộ VHTTDL về việc chuyển loại và xếp lại ngạch lương đối với công chức của bà Hà, thì bà này mới được xếp vào ngạch Công chức loại A1. Thế nhưng, trước đó khoảng 3 tháng, vào ngày 15/1/2019, bà Hà đã được điều động bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh. Theo quy định của Nghị định số 06/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/1/2010, vị trí Phó Cục trưởng này chỉ dành cho công chức đảm nhiệm. Và việc bổ nhiệm tại Bộ VHTTDL cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo Điều 10 của QĐ số 3188.

Đại diện các hãng phim cho rằng, việc bà Hà đang là viên chức được chuyển xét tuyển sang công chức đã không thực hiện theo Quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ (NĐ161), có hiệu lực từ ngày 15/1/2019, bởi lẽ khi tổ chức xét tuyển đã không thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Một đại diện hãng phim cho biết: “Đối với trường hợp tuyển “thẳng” vào công chức như trường hợp của bà Hà bắt buộc phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Vì Quyết định bổ nhiệm bà Hà giữ chức Cục phó Cục Điện ảnh (nhưng trển tất cả văn bản chính thức bà Hà ký là Quyền Cục trưởng) cũng được ban hành vào ngày 15/1/2019, cùng ngày NĐ 161 có hiệu lực. Nếu như không có hội đồng kiểm tra, sát hạch, thì việc bổ nhiệm bà Hà là hoàn toàn sai quy định, nguyên tắc. Do vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ vẫn đề này.”

Trước các vấn đề sai phạm xảy ra tại Cục Điện Ảnh, những nội dung tố cáo liên quan tới bà Nguyễn Thu Hà – Q, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ các vi phạm của bà Hà nếu có, cũng như xem xét lại việc bổ nhiệm của bà Hà, nếu có vi phạm cần làm rõ để tránh bức xúc trong dư luận.

Quy định tại khoản 2 – Điều 19 - NĐ 161 về Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức:

“ Điều 19. Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức

2. Quy trình xem xét tiếp nhận công chức:

a) Khi tiếp nhận vào công chức đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Hội đồng kiểm tra, sát hạch có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:

Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức;

Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan quản lý công chức;

Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công chức của bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan quản lý công chức;

Các Ủy viên khác là đại diện một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến vị trí tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định.

b) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra, sát hạch:

Kiểm tra về các điều kiện, tiêu chuẩn, văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

Sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Hình thức và nội dung sát hạch do Hội đồng kiểm tra, sát hạch căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, báo cáo người đứng đầu cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định trước khi tổ chức sát hạch;

Hội đồng kiểm tra, sát hạch làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra, sát hạch. Hội đồng kiểm tra, sát hạch tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.”

Đọc thêm