Nhọc nhằn nghề gánh cá thuê

(PLO) -Giữa khuya, khi tàu vừa cập bến, những người phụ nữ gánh cá thuê tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) lại gồng mình “chạy” với những gánh cá nặng trĩu trên vai. 
Những người phụ nữ gánh cá thuê ở cảng cá Thọ Quang
Những người phụ nữ gánh cá thuê ở cảng cá Thọ Quang

Gánh cá đêm khuya

Đầu tháng 12 âm lịch, trong tiết trời se lạnh, những người phụ nữ gánh cá thuê ở cảng cá Thọ Quang áo quần phong phanh, thân hình gầy gò với những gánh cá trên lưng đang rảo bước đi trong mệt nhọc. Phần lớn họ đều quê ở Quảng Nam. 

Chị Nguyễn Thị Thúy (42 tuổi, trú xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) kể, ở quê gia đình không có đất sản xuất nên mới tìm ra Đà Nẵng kiếm việc làm. Tìm mãi không được việc, một người bạn cùng quê giới thiệu chị vào làm nghề gánh cá ở cảng Thọ Quang. Mới bắt đầu làm, chị tưởng mình không thể trụ được vì công việc quá vất vả, sau dần quen nên ở lại làm hơn 10 năm qua. 

Đêm, khi nhìn đồng hồ đã 12 giờ khuya, nghe tiếng còi tàu “toa toa”, những phụ nữ gánh cá thuê như chị Thúy lại tỉnh giấc, mang đôi gánh đi về phía cảng cá. Chị Thúy vừa rảo bước vừa nói: “Hôm nào cũng 12 giờ khuya là tôi ra cảng, có khi ngồi chờ mãi đến 3 - 4 giờ đồng hồ mới gánh được một gánh, nhưng mình không đi sớm thì có khi ra hết cá mất rồi, lấy đâu mà gánh. Mùa này dù lạnh lắm nhưng cũng phải dậy, làm riết rồi quen, lạnh cũng phải chịu. Vì mưa sinh…”. 

Suốt đêm ròng, dù sương gió hay mùa đông lạnh giá, họ vẫn đôi gánh trên vai vững bước đi đến 7 - 8 giờ sáng mới về. Ngày lại gánh từ 12 giờ trưa đến 3 - 4 giờ chiều. Dù làm cật lực như vậy nhưng mỗi gánh cá trĩu nặng chỉ được công từ 5 - 7 nghìn đồng.

Chị Trần Thị Thu Trang (39 tuổi, trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Gánh nặng gánh nhẹ gì cũng vậy. May mắn lắm thì có người thương họ cho mình thêm, nhưng mà không dễ gì có. Một hôm trung bình tôi gánh được khoảng 140 nghìn, có hôm hơn, nhưng có hôm lại không có. Thường thì mùa nắng mình mới gánh được nhiều, chứ mùa này ít lắm. Có hôm ra ngồi chờ hoài gánh được có mấy gánh”. 

Chịu thương chịu khó theo nghề

Trong  căn phòng trọ ẩm mốc, chật chội chưa đầy 15m2 nhưng có khoảng trên 10 con người cùng sống qua ngày. Chị Trang tâm sự: “Tôi sống trong căn phòng này cùng với các chị ở Bình Phú, Bình Quế, Bình Định (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) và các chị ở Núi Thành, có khi một phòng trọ nhỏ này lên tới gần 20 người. Phòng trọ đông người nhưng các chị em cùng chung hoàn cảnh nên thấu hiểu cho nhau. Mỗi ngày mỗi người trả 15 ngàn, ở bao nhiêu trả bấy nhiêu”. 

Cuộc sống nơi gác trọ thiếu thốn, những người phụ nữ ấy xem nhau như gia đình thứ hai của mình. Chị Tâm (cùng phòng với chị Trang) cho biết, mỗi bữa ăn hằng ngày các chị chỉ mua thêm khoảng 4-5 nghìn rau, còn cá thì xin của thương lái. Nấu ăn từ những bếp củi đơn sơ nơi góc trọ vì muốn tiết kiệm tiền, dành dụm gửi về trang trải phần nào cuộc sống cho gia đình. 

“Cái nghề này chật vật lắm, mùa có, mùa không, mình phải làm thời vụ. Lúc mới ra làm khó khăn lắm, người lạ mặt chủ buôn không thuê, họ chỉ thuê những người quen. Lúc đầu mới ra chưa có việc, nhiều chị phải đi nhặt ve chai để sống qua ngày.

Nay còn có mấy người không có việc phải đi mò sò bán. Nhiều người cũng không trụ được ở đây lâu vì thức đêm không quen, cuộc sống thì khốn khó mà tiền thì lại ít. Có người mới ra có 2 đến 3 ngày thì bỏ về. Nghề này phải kiên nhẫn và chịu đựng mới được”, chị Tâm chia sẻ.

Khi những gánh cá được giao đến nơi, hết hàng để gánh, những người phụ nữ mang gánh về phòng trọ rồi cùng nhau nấu ăn, chia sẻ những tâm sự của cuộc sống. Mỗi người một niềm tâm sự riêng, nhưng tất cả đều chung một nỗi lo toan cuộc sống. “Họ ra đây cố bám trụ lấy nghề, ráng chịu cực chịu khó, không thì con ở nhà lấy gì mà ăn học”, chị Tâm nói. 

Cũng giống như những người phụ nữ khác ở chung căn trọ gánh cá thuê, chị Trần Thị Thủy (45 tuổi, trú xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, chị có ba người con, nhỏ nhất đang ăn học, đứa giữa thì nghỉ học sớm đi làm nhưng chỉ đủ tiền ăn và sắm sửa thêm cho bản thân, còn đứa con gái lớn thì chậm nói, chỉ biết nấu cơm, quét nhà. Năm nay, mùa màng ở nhà đang thất thu, chị không muốn con mình phải chịu khổ nên ráng ở lại đây làm. Dù ít tiền nhưng vẫn dành dụm để gửi về chăm lo cho các con.

Nghề gánh cá thuê nhọc nhằn, nhưng là nơi mưu sinh của những người phụ nữ trên. Trên mỗi đôi vai họ còn là tương lai của cả gia đình và cuộc sống học tập của con em nơi quê nhà. 

Đọc thêm