"Những kẻ khốn nạn"

(PLO) - Tác phẩm “Les Misérables” của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Tên cuốn sách từng được dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch là “Những kẻ khốn nạn”. Tác phẩm “Les Misérables” của đại văn hào Pháp Victor Hugo ra đời năm 1862. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19.
"Những kẻ khốn nạn"

Thưa bạn đọc, câu chuyện “Tàu vỏ thép cho ngư dân” được báo chí phanh phui gần đây sẽ được làm rõ nhưng nếu gian dối là có thực thì đúng thật, những kẻ đó đúng là “Những kẻ khốn nạn”. Xin lưu ý, bước đầu qua kiểm tra Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết sau khi nhận được 10 đơn kiến nghị của ngư dân đã xác thực tàu nào cũng hỏng.

Những đơn vị tham gia đóng tàu cho ngư dân có Cty TNHH Đại Nguyên Dương - Nam Định, Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu - Hải Phòng;  Cty Cổ phần Đầu tư phát triển thủy sản Đông Á và Cty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng - Hải Phòng…

Hợp đồng ngư dân ký với doanh nghiệp là vỏ tàu bằng thép nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã bị Đại Nguyên Dương đánh tráo thành thép Trung Quốc. Còn Công ty Đóng tàu Nam Triệu thì nhặt máy nơi này, hộp số nơi khác ghép lại với nhau, đã thế còn giảm cấp hộp số từ năm xuống ba khiến tàu không thể chạy khi có tải trọng lớn. Ngư dân còn phải trả tiền thiết kế từ 130 triệu đến 240 triệu đồng cho bản thiết kế mỗi tàu cho dù chế độ thì họ được miễn. Nếu đóng một loạt 5 tàu giống nhau cho các chủ tàu khác nhau nghĩa là cùng bản thiết kế, người ta đút túi ngon ơ từ 500 triệu đến một tỷ đồng! 

Thưa bạn đọc, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 nhằm mục đích “quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản”. Theo đó “chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm…”. Hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản không chỉ nhằm giúp người dân sinh kế mà còn nhằm mục đích sâu xa hơn đó là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của công pháp quốc tế.

Đây là một chủ trương không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa về an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền đối với biển, đảo Việt Nam. Không phải tự nhiên có Nghị định số 67/2014/NĐ-CP nhất là khi tình hình biển Đông phức tạp như những năm vừa qua.

Không có từ nào để có thể nói hết bức xúc, căm phẫn. Gây thiệt hại cho ngư dân bằng cách đóng những con tàu “rởm” chính là hại dân, hại nước. Tất nhiên các đơn vị quản lý dự án, đăng kiểm, tư vấn… không thể không liên quan. Rõ ràng Chính phủ phải ra tay khi chính chủ trương quan trọng của mình bị các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp một thành viên của Nhà nước “phản bội”, “bóc lột” trên lưng nhưng người ngư dân đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đối với biển đảo Việt Nam.

Đọc thêm