Oan khiên vụ hứa thưởng bị hình sự hóa 15 năm tù: Trả lời mâu thuẫn giữa TAND Cấp cao và TAND Tối cao

(PLVN) - Từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020, TAND Tối cao nhiều lần có thông báo đã chuyển đơn thư của ông Ngọc đến TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, sau đó ông  nhận được thông báo của TAND Cấp cao tại Hà Nội, trong đó có nêu rằng “sau khi nghiên cứu, TAND Cấp cao tại Hà Nội chuyển đơn đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.
Ông Ngọc hơn 10 năm nay vẫn kiên quyết kêu oan.
Ông Ngọc hơn 10 năm nay vẫn kiên quyết kêu oan.

Đoạn trường kêu oan

Từ lúc bị bắt giữ cho đến khi ra tòa, ông Ngọc nhất quyết không nhận tội, một mực kêu oan. Vừa chuyển về trại giam ông đã viết đơn kêu oan gửi giám thị. Ông soạn đơn gửi đến các cơ quan TW nhưng phần lớn chỉ nhận được phiếu chuyển đơn. Riêng TAND Tối cao ngày 31/10/2011 có Văn bản số 751/TA-HS trả lời việc kết tội ông Ngọc là “có căn cứ, không oan”. Ngày 22/10/2015, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội cũng có Văn bản số 57/VC1-V1 trả lời vợ ông Ngọc rằng việc kết tội chồng bà là “đúng pháp luật, không oan”. 

Không nhụt chí, ông Ngọc vẫn kêu oan cho đến một ngày được một cán bộ trong trại giam khuyên: “Ông hãy cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án, sớm ra tù thì kêu oan vẫn chưa muộn”. Nhiều đêm thức trắng, câu hỏi dằn vặt ông Ngọc là “tiếp tục hay dừng lại”. Cuối cùng ông tự nhủ nhất định phải khỏe mạnh để ra tù kêu oan.

Cởi bỏ phần nào gánh nặng tâm lý, ông Ngọc tập trung cải tạo. Đêm xuống ông vẫn viết tất cả những gì liên quan đến vụ án ra giấy để lưu lại làm tư liệu. Người đàn ông hơn 10 năm kêu oan nhớ lại: “Có thời gian tôi lại xem báo, nhất là những bài báo viết về án oan sai, đọc báo về pháp luật để so sánh, đối chiếu với vụ án của mình. Mấy bạn tù biết hoàn cảnh của tôi cũng hay sưu tầm cho những mẩu báo như thế…”. Nhờ chăm chỉ cải tạo, ông Ngọc được giảm án nhiều lần, đến ngày 29/1/2019 được trả tự do, tổng thời gian ngồi tù 9,5 năm.

Ngay sau khi ra tù, ông Ngọc liền thu thập toàn bộ hồ sơ vụ án, các chứng cứ liên quan rồi tự nhốt mình trong phòng cùng chiếc máy tính, tập giấy và hộp bút. Ông nhớ như in chặng đường kêu oan mới của mình bắt đầu từ ngày 7/6/2019, ngày chính thức gửi đơn đến các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa kết tối ông 15 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Môi giới hối lộ.

“Từ tháng 11/2019 đến tháng 3/2020, TAND Tối cao nhiều lần có thông báo đã chuyển đơn thư của tôi đến TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết. Tuy nhiên sau đó tôi nhận được thông báo của TAND Cấp cao tại Hà Nội, trong đó có nêu rằng vụ án của tôi, TAND Tối cao đã có văn bản trả lời đơn số 751/TA-HS ngày 31/10/20100. Sau khi nghiên cứu, TAND Cấp cao tại Hà Nội chuyển đơn đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Do đó tôi hoang mang không biết cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giải quyết sự việc”.

Mới đây nhất, ngày 10/7/2020, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội có Văn bản số 166/VC1-HS trả lời ông Ngọc rằng việc TAND tỉnh Thanh Hóa kết tội ông là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan nên không kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngay sau khi ra tù, ông Nguyễn Văn Ngọc cũng đã gửi đơn kêu oan đến Công an tỉnh Thanh Hóa, TAND tỉnh Thanh Hóa nhưng đều được hồi âm hướng dẫn gửi đơn tới  Chánh án TAND Tối cao hoặc Viện trưởng VKSND Tối cao để được giải quyết.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tháng 9/2019 cũng đã chuyển đơn kêu oan của ông Ngọc tới Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chỉ đạo kiểm tra, rà soát, trả lời công dân. Tuy nhiên theo văn bản hồi đáp sau đó của TAND tỉnh Thanh Hóa, nội dung đơn của ông Ngọc thuộc thẩm quyền xem xét của TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Thông báo có nội dung mâu thuẫn giữa TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội.
Thông báo có nội dung mâu thuẫn giữa TAND Tối cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội. 

Luật sư: “Vụ việc có dấu hiệu oan sai rõ ràng”

Sau khi PLVN đăng tải loạt bài “Oan khiên vụ hứa thưởng bị hình sự hóa 15 năm tù”,  nhiều chuyên gia pháp lý đều cho rằng vụ việc có dấu hiệu oan sai rõ ràng.

Luật sư (LS) Đặng Văn Cường (VPLS Chính Pháp, Đoàn LS Hà Nội) phân tích: “Giao dịch giữa ông Ngọc với các khách hàng là quan hệ dân sự thuần tuý, không có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản nên không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.  

Trong hồ sơ vụ án, ông Ngọc bị kết tội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tuy nhiên lại không có bị hại, người được cho là bị hại kháng cáo và không cho mình là bị hại. Trong vụ án này cơ quan tố tụng chưa xác định được bị hại, không chứng minh được người nào đã bị bị cáo thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản nên việc kết tội ông Ngọc là không có căn cứ pháp lý. 

Với hành vi đưa hối lộ và môi giới hối lộ, để buộc tội các bị cáo về tội danh này thì phải thu thập được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng các bị cáo có chung một ý chí là sử dụng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để tác động đến người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu họ thực hiện một công việc theo mong muốn của mình. Và tội phạm hoàn thành tại thời điểm các bên đã thỏa thuận được với nhau về thực hiện một công việc theo yêu cầu và có thanh toán bằng lợi ích vật chất hoặc phi vật chất. Trong vụ án, các tài liệu chứng cứ để chứng minh rằng người nhận tiền là người có chức vụ, quyền hạn là chưa rõ ràng, chứng minh hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa đủ pháp lý.

LS Cường cho hay, theo Điều 371 BLTTHS thì các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi xuất hiện một trong các trường hợp sau đây: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. 

BLTTHS cũng quy định: Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị. Việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào.

“Dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhiều năm nhưng có căn cứ cho thấy việc xét xử của tòa án chưa đúng pháp luật thì ông Ngọc có quyền làm văn bản đến người có thẩm quyền kháng nghị để được xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm”, LS Cường nói. 

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM), trong vụ này, có 4 người có quyền ra kháng nghị là Chánh án TAND Cấp cao (theo khu vực), TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao (theo khu vực), VKSND Tối cao. Còn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì tùy vào đánh giá của các cơ quan chức năng. Nếu thấy trong hồ sơ vụ án có tình tiết, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án thì họ sẽ thực hiện theo thủ tục tái thẩm, còn nếu xét thấy trong quá trình xét xử hai bản án có nhiều vi phạm tố tụng, đánh giá chứng cứ không phù hợp thì họ sẽ giám đốc thẩm. Luật không quy định về thời hạn giám đốc thẩm, tái thẩm nên bất cứ lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Đọc thêm