Phẫn nộ trước bọn côn đồ đòi “bảo kê” cả ruộng dưa hấu của “dân đen”

(PLO) - Cứ đến vụ thu hoạch, những người trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Gia Lai lại phải đối mặt với nạn bảo kê, ăn chặn tiền bán sản phẩm của các đối tượng giang hồ. 
Sau 3 tháng gieo trồng, người trồng dưa bắt đầu lo sợ trước nạn bảo kê
Sau 3 tháng gieo trồng, người trồng dưa bắt đầu lo sợ trước nạn bảo kê

Tình trạng này diễn ra hàng năm, nạn nhân đa phần là người nơi khác đến thuê đất canh tác nên không ai dám lên tiếng. Mới đây, một vài nhóm đối tượng bảo kê đã bị lực lượng chức năng bắt giữ nhưng chỉ là con số nhỏ nhoi.

Bắt quả tang hàng loạt vụ đòi tiền bảo kê

Công an huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) vừa ra quyết định khởi tố 2 vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 2 đối tượng là Nguyễn Quốc Trọng (SN 1987, ngụ thôn 4, xã Hòa Phú) và Đinh Hoàng Nam (SN 1988, ngụ thôn 9, xã Nghĩa Hưng, cùng huyện Chư Pah) về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 1/3, Trọng cùng Nam đến vườn dưa của doanh nghiệp Kim Nguyên (ở thôn 2 và thôn 3, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) để gặp người quản lý nhân công của doanh nghiệp này là anh Lưu Trung Việt (SN 1993), với mục đích lấy tiền bảo kê dưa.

Hai đối tượng Trọng và Nam tại cơ quan điều tra
Hai đối tượng Trọng và Nam tại cơ quan điều tra

Tại đây, không gặp được anh Việt, Trọng liền gọi điện cho chị Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1980) là người của doanh nghiệp Kim Nguyên đòi 15 triệu đồng với lời nhắn, nếu không đưa tiền, các đối tượng sẽ ngăn cản không cho nhân công thu hái, cản trở xe vận chuyển.

Khoảng 11h ngày 2/3, khi Trọng đang nhận 10 triệu đồng từ anh Việt tại thôn 3 (xã Hòa Phú) nhận 10 triệu đồng từ Việt thì bị lực lượng cảnh sát hình sự Công an huyện Chư Pah ập đến bắt quả tang. Tại cơ quan điều tra, Trọng khai nhận, trước đó đã đe dọa và nhận 2 lần tiền từ anh Việt, với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Đến 16h cùng ngày, biết không thể chạy trốn, Nam đến Công an huyện Chư Pưh đầu thú về hành vi cưỡng đoạt 15 triệu đồng của doanh nghiệp Kim Nguyên. 

Qua điều tra, xác minh, Công an huyện Chư Păh xác định, đầu tháng 3/2018, Nam cùng 7 người khác đến uy hiếp không cho công nhân hái dưa, buộc anh Việt đưa cho các đối tượng 15 triệu đồng. Nhận được tiền, các đối tượng đã chia chác rồi bỏ đi.

Đại tá Dương Văn Tuấn - Trưởng Công an huyện Chư Pah, cho biết: “Chiều ngày 11/3, đơn vị đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị can là Trọng và Nam để phục vụ công tác điều tra. Hiện chúng tôi đang mở rộng điều tra những đối tượng còn lại liên quan tới các vụ án”.

Cũng liên quan đến nạn bảo kê dưa hấu, ngày 7/3, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro cũng bắt quả tang Võ Văn Toàn (SN 2001, ngụ thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) và Phạm Tấn Mỹ (SN 1991, ngụ thôn Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có hành vi đe dọa và đang nhận 4 triệu đồng của anh Trần Hải Nam (ngụ thôn 6, xã An Trung, huyện Kông Chro), là người buôn dưa hấu trên địa bàn huyện. Các đối tượng này cũng đang bị tạm giam, phục vụ công tác điều tra.

Làm “luật” trên ruộng dưa

Gia Lai là địa phương có thổ nhưỡng tích hợp với cây dưa hấu. Chính vì vậy, mỗi năm có hàng trăm người dân từ các tỉnh ở Bình Định, Phú Yên kéo đến đây thuê đất trồng dưa. Mỗi vụ dưa như thế, hàng ngàn ha đất ở đây được người dân tứ xứ thuê lại canh tác dưa hấu.

Đối tượng Toàn tại cơ quan điều tra
Đối tượng Toàn tại cơ quan điều tra

Tuy nhiên, từ miền đất lạ đến xứ người làm ăn không phải dễ dàng. Sau 3 tháng gieo trồng, chăm sóc, khi dưa bắt đầu bước vào độ thu hoạch cũng là lúc các hộ trồng dưa bắt đầu cảm thấy lo sợ trước vấn nạn những đối tượng xấu tìm đến với ý đồ bảo kê ruộng dưa nhằm kiếm chác tiền mồ hôi nước mắt của chủ hộ. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau.

Theo những người dân trồng dưa trên địa bàn huyện Chư Pah, các đối tượng này đã theo dõi rất kỹ ruộng dưa của họ. Khi nhận thấy vườn dưa chỉ còn vài ngày nữa là xuất bán thì chúng liền tìm đến lán trại dùng lời lẽ đe dọa yêu cầu chủ vườn phải nộp cho chúng 1 khoản tiền tùy theo diện tích mới cho xe vào bốc dưa. Nếu không thực hiện, các đối tượng sẽ gây khó khăn trong việc thu hoạch dưa của chủ hộ.

Nhiều năm nay anh Nguyễn Văn Nhiên (ngụ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) thường lên huyện Chư Pah thuê đất trồng dưa và hầu như năm nào anh cũng bị các đối tượng giang hồ đến đòi bảo kê, ép giá mua dưa xô (dưa loại 2) để bán ở thị trường nội địa. 

“Năm ngoái, đến thời điểm thu hoạch, ở khu vực quanh ruộng dưa của tôi xuất hiện một nhóm thanh niên chặn không cho xe của thương lái vào mua dưa. Chúng đòi thương lái phải đóng cho từ 1 đến 2 triệu đồng/xe mới được vào. Không những đòi tiền, chúng còn buộc tôi bán dưa loại 2 với giá bèo. Chẳng hạn, nếu mình bán cho thương lái được 20 triệu đồng thì chúng ép mình bán cho chúng với giá khoảng 7 triệu đồng, hên lắm thì bán được nửa giá thị trường. Chúng tôi rất mong ngành chức năng có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, giúp người trồng dưa đỡ khổ”, anh Nhiên cho biết. 

Ở gần ruộng dưa anh Nhiên, ông Hồ Văn Thạnh (ngụ huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bức xúc: “Năm nay vì dưa của tôi chưa đến thời điểm thu hoạch nên chưa biết thế nào. Chứ năm trước, khi vườn dưa đang lúc thu hoạch thì có đối tượng trong địa phương ngang nhiên đi qua vườn nhà tôi rồi vào chòi lấy dao đến bãi tập kết dưa vừa thu hoạch chặt phá. Vì là người phương xa đến nên tôi cũng không dám nói gì. Chứ nhìn thấy công sức, tiền bạc của mình bị chặt phá như thế sao không xót được”.

Theo lực lượng công an, các đối tượng bảo kê ruộng dưa rất tinh ranh và dùng nhiều thủ đoạn để lấy tiền của chủ hộ cũng như thương lái. Không những vậy, nạn nhân trong vụ việc là người ở nơi khác đến, tâm lý không muốn làm lớn chuyện ở nơi đất khách nên đa phần đều nhắm mắt cho qua. Sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn nên họ không dám trình báo cho chính quyền địa phương để cùng nhau phối hợp xử lý.

Đọc thêm