Phúc thẩm nguyên giám đốc Vinacafe Quy Nhơn: Bị cáo mong tòa xem xét vụ án khách quan, toàn diện

(PLO) - Tiếp tục khẳng định khoản tiền vốn nhà nước không hề bị thất thoát, bị cáo Nguyễn Nhật (nguyên Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn) mong muốn lời kêu oan của mình sẽ được HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM cứu xét trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới.  
Phúc thẩm nguyên giám đốc Vinacafe Quy Nhơn: Bị cáo mong tòa xem xét vụ án khách quan, toàn diện

Cho rằng mình bị oan sai, bị cáo Nguyễn Nhật kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 118/2018 ngày 18/4/2018 của TAND TP HCM tuyên bị cáo mức án 11 năm tù, buộc bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền gần 24 tỷ đồng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Pháp luật Việt Nam kèm theo các tài liệu, chứng cứ, bị cáo Nguyễn Nhật khẳng định: Bị cáo không hề có hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết và Tổng Công ty Vinacafe (gọi tắt là TCty) cũng không hề bị thất thoát. Toàn bộ số tiền mà bị cáo buộc là “cố ý làm trái” gây thất thoát thực tế được sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, phương án đã được TCty phê duyệt và hiện tại còn nằm trong các khoản nợ phải trả giữa các công ty hạch toán phụ thuộc của TCty. 

Bị cáo Nhật cho rằng hành vi của bị cáo không làm thất thoát vốn nhà nước tại TCty Vinacafe. Quá trình giải quyết vụ án, diễn biến phiên tòa sơ thẩm ngày 16-18/4/2018 và những phán quyết trong Bản án hình sự sơ thẩm số 118/2018 của TAND TP HCM thêm một lần nữa tái khẳng định: TCty Vinacafe không hề bị thất thoát.

Vụ án bị khởi tố từ ngày 21/9/2016 trong suốt thời gian từ trước đến sau khi khởi tố vụ án, TCty không có bất cứ thông báo nào gửi đến CQĐT để trình bày về việc bị thất thoát tiền. Mãi đến tận ngày 15/9/2017 (sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm), TCty mới ký đơn yêu cầu hai bị cáo Nguyễn Công Hoàng và Nguyễn Nhật bồi thường thiệt hại số tiền trên 39 tỷ đồng; lý do TCty đưa ra con số này là dựa theo cáo buộc trong bản Cáo trạng của VKSNDTC. 

Tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 16-18/4/2018, VKS luận tội các bị cáo chỉ có nghĩa vụ bồi thường số tiền trên 36 tỷ đồng (trong khi TCty Vinacafe yêu cầu bồi thường 39 tỷ đồng) thì TCty cũng chấp nhận. Đặc biệt, khi Bản án hình sự sơ thẩm số 118/2018/HS-ST ngày 18/4/2018 của TAND TP HCM chỉ tuyên các bị cáo có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho TCty số tiền chỉ trên 24 tỷ đồng thì TCty Vinacafe cũng không kháng cáo dù so với yêu cầu bồi thường ban đầu, số tiền Tòa sơ thẩm tuyên hụt hơn 11 tỷ. 

Theo đơn kêu oan của bị cáo, vấn đề đặt ra là, TCty Vinacafe có thực sự bị thiệt hại hay không? Nếu đúng là TCty bị thất thoát số tiền 36 tỷ thì ai bồi thường số tiền trên 11 tỷ bị “bốc hơi” sau phán quyết của Tòa? Trách nhiệm của TCty Vinacafe trong việc quản lý nguồn vốn nhà nước đến đâu mà lại “thờ ơ” tùy Tòa tuyên được bồi thường bao nhiêu cũng đồng ý.  

Tiếp đến, theo như những lập luận trong Bản án sơ thẩm số 118 ngày 18/4/2018 của TAND TP HCM ghi nhận số tiền gần 9 tỷ đồng mà Trung tâm Xuất nhập khẩu (XNK) đã trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn là khoản tiền bồi thường thiệt hại, chấp nhận cấn trừ vào số tiền bị cáo phải bồi thường. Vậy tại sao các khoản tiền các bị cáo trả nợ thay TCty và khoản tiền cho Vinacafe Đà Lạt nợ gần 16 tỷ đồng lại không được xem xét cấn trừ? Theo lập luận của Cáo trạng, số tiền Vinacafe Đà Lạt hiện đang còn nợ Trung tâm được cơ quan tố tụng xác định là thất thoát vì cho rằng Vinacafe Đà Lạt không có khả năng trả nợ, dù thực tế đến ngày 29/12/2017 Vinacafe Đà Lạt vẫn tiếp tục trả nợ Trung tâm 100 triệu đồng và có Công văn xin khất nợ. 

Ngoài ra, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nhật cũng cho rằng TAND TP HCM xử sơ thẩm đã áp dụng chưa đúng pháp luật khi xác định không chính xác chủ thể có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Vì nếu đã là tiền bồi thường trong vụ án hình sự thì tiền đó phải do chính những người gây ra thiệt hại bồi thường. Nhưng đằng này, Tòa cấp sơ thẩm lại chấp nhận lấy tiền của pháp nhân trả cho pháp nhân trong cùng một vụ việc (Trung tâm XNK trả cho Vinacafe Quy Nhơn) để cấn trừ và công nhận đó là tiền bồi thường thiệt hại là trái pháp luật. 

Các luật sư đặt câu hỏi: Tại sao các khoản tiền này là việc thực hiện trả nợ giữa các chủ thể không có nghĩa vụ “bồi thường thiệt hại” trong vụ án hình sự nhưng vẫn được Tòa cấp sơ thẩm cho là các khoản bồi thường thiệt hại? Và nhận định của HĐXX sơ thẩm có thể được hiểu cơ quan tiến hành tố tụng đã thừa nhận số tiền đó của TCty không hề bị thất thoát, công nhận mối quan hệ tài chính giữa các thành viên trong nội bộ TCty?

Theo các luật sư, thực tế này càng chứng minh tại TCty khi đó, các khoản tiền có nguồn gốc từ Hợp đồng 01 đơn thuần chỉ là sự luân chuyển dòng tiền nội bộ, là giải pháp tình thế, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên thuộc TCty, đó là giải pháp duy nhất khi mà tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về nguồn vốn do hệ lụy của khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2009 – 2010 và khoản tiền đó hoàn toàn có khả năng thu hồi chứ không phải đã thất thoát.

Cũng theo các luật sư phân tích, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chấp nhận những khoản trả nợ trên thì những khoản tiền này có được tiếp tục coi là tiền bồi thường thiệt hại tiếp theo của các bị cáo hay không? Trong khi các bị cáo vẫn bị tuyên bồi thường khoản tiền coi là thất thoát trên. Như vậy, một khoản nợ được thanh toán hai lần là không đúng nguyên tắc tài chính và sai pháp luật: “Điều này chứng tỏ việc kêu oan của bị cáo Nguyễn Nhật là có căn cứ”, một luật sư bào chữa cho bị cáo Nhật nêu quan điểm. 

Trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi trước phiên tòa phúc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày 16/1/2019, bị cáo Nhật và luật sư bào chữa cho mình mong TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm xem xét kỹ lưỡng những bất cập còn tồn tại trong quá trình giải quyết vụ án như trên để đảm bảo khách quan, toàn diện, tránh oan sai. 

Đọc thêm