Quận Hà Đông (Hà Nội): Ruộng bị vùi lấp, hoang hóa vì phế thải xây dựng đổ trộm

(PLO) - Từ cuối năm 2013, nhiều cánh đồng thuộc phường Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) bị các đối tượng lén lút đổ trộm phế thải xây dựng. Bờ xôi ruộng mật của những người nông dân một nắng hai sương ấy đã bị vùi lấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động. Điều đáng buồn là chính quyền địa phương dù biết rõ nhưng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết…
Các thửa ruộng màu mỡ giở trở nên hoang tàn trước nạn đổ thải hoành hành
Các thửa ruộng màu mỡ giở trở nên hoang tàn trước nạn đổ thải hoành hành

Màn đêm buông xuống, tại các khu vực Đìa Lão, Hàng Bè, khu đất tiếp giáp cầu Thanh Hà cả chục chiếc xe “hổ vồ” nối đuôi nhau chở đất, phế thải xây dựng từ các công trình xây dựng về trút ben tại đây. Lượng đất phế thải với khối lượng lớn được đổ tứ tung, tràn lan trên khắp các thửa ruộng.

Sau nhiều ngày, những đống thải chất thành từng đống to cao ngập đầu người lớn. Sau những trận mưa, bùn đất nhão nhoét chảy ra ruộng, làm ngập tắc kênh mương tưới tiêu ảnh hưởng đến gieo trồng, rồi mùi hôi thối bốc lên từ các bãi thải làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân…

Để kiểm chứng những thông tin trê, PV đã đã lần theo con đường đất từ khu đô thị Kiến Hưng để đi ra tận những khu ruộng bị vùi lấp. Tại đây, chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng cả nghìn mét vuông đất nông nghiệp đang bị san lấp. Những vạt lúa non xanh, cây lúa chết dần chết mòn vì không được tưới nước đầy đủ và bị chất bẩn phế thải vùi lấp.

Quan sát thực tế, tại khu đất ruộng sát với chân đường tàu sắt chạy qua khu vực cho thấy, ngoài những đống phế thải đổ ven đường tàu thì cả một khu đất rộng đến nghìn mét vuông có những chỗ đã được san khá bằng phẳng. Những vết bánh xe máy ủi, san gạt phế thải hướng ra cánh đồng lúa vẫn hằn rõ. Điều này thể hiện việc các đối tượng đổ trộm phế thải đã dùng máy móc thiết bị để san lấp và hành vi này không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Theo thông tin của người dân sống tại đây, việc đổ trộm phế thải, vật liệu xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm trước nhưng chỉ là tự phát, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm trở lại đây vấn nạn này trở nên có tổ chức và rất bài bản, xuất hiện các đối tượng “hoa tiêu” cho những tài xế chở phế thải.

Ban đêm, các đối tượng này lượn quanh khu vực dẫn đường cho xe vào đổ và thu “phế”. Thậm chí phân chia địa phận, khi lượng phế thải nhiều, chúng cho máy ủi vào san lấp tạo mặt bằng. Chính bởi có các đối tượng “xã hội” đứng sau việc này nên những người dân chân lấm tay bùn chỉ còn cách đứng nhìn những thửa ruộng mình một nắng hai sương trồng lúa đành “ngậm bồ hòn” không dám ra mặt lên tiếng!?

Để nắm rõ hơn vụ việc, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Uyển, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng. Ông Uyển thừa nhận thời gian qua có hiện tượng đổ trộm phế thải, UBND phường đã họp và thành lập tổ công tác và chỉ đạo công an phường kết hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Công an phường đã bắt được 4 - 5 trường hợp, lập biên bản và xử phạt.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng hàng chục nghìm mét vuông đất ruộng, đất 5% bị vùi lấp trong phế thải xây dựng. Việc đổ phế thải diễn ra trong từ nhiều năm nay, thậm chí có dấu hiệu những đối tượng xăm trổ đứng ra bảo kê cho việc đổ thải.

Vậy nhưng, thực tế là chính quyền phường Kiến Hưng mới chỉ xử lý được một vài trường hợp, khiến những người nông dân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến những thửa ruộng kia đang hết sức lo lắng.

Câu hỏi đặt ra ở đây phải chăng chính quyền địa phương đang “vướng” nên buông lỏng quản lý đất nông nghiệp? Việc xử lý vi phạm vẫn chỉ dừng ở mức độ đối phó? Rõ ràng chính quyền UBND phường Kiến Hưng đang nợ những người nông dân châm lấm tay bùn ở mảnh đất này một câu trả lời thỏa đáng.

Đọc thêm