Quốc Oai, Hà Nội: Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú mắc nhiều sai phạm

(PLVN) - Vô hiệu hóa vai trò của kế toán, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Quốc Oai, Hà Nội) đã chỉ đạo lập khống nhiều văn bản thu, chi tài chính không đúng quy định, sử dụng tài sản công sai mục đích, “cắt xén” tiền dạy thêm của giáo viên, xử phạt học sinh vi phạm trái quy định.
Hiệu trưởng đã cho Công ty CP kinh doanh và xây dựng VTN Việt Nam cải tạo và sử dụng khu tập nhảy cao và nhảy xa của học sinh thành 2 sân bóng để kinh doanh dịch vụ.
Hiệu trưởng đã cho Công ty CP kinh doanh và xây dựng VTN Việt Nam cải tạo và sử dụng khu tập nhảy cao và nhảy xa của học sinh thành 2 sân bóng để kinh doanh dịch vụ.

Vô hiệu hóa vai trò của kế toán

Theo Kết luận số: 3041/KL-SGDĐT, ngày 17/9/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2018 - 2019 đến hết tháng 6/2020 ông Nguyễn Thanh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Quốc Oai, Hà Nội) không phân công kế toán trường tham gia các hoạt động thu, chi tài chính của nhà trường từ đầu năm 2018 - 2019 đến hết tháng 6/2020.

Thay vào đó, Hiệu trưởng đã giao việc thu, chi cho những người không có quyền hạn, chuyên môn, nghiệp vụ là ông Nguyễn Quang Hào và bà Lý Thị Thanh Mai.

Việc này dẫn đến, các khoản thu, chi trong nhà trường khá mập mờ. Cụ thể, năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 Trường THPT Phan Huy Chú tổ chức thu tiền sổ liên lạc điện tử, tuy nhiên khoản thu này không báo cáo về Sở. Số tiền thu sổ liên lạc điện tử là hơn 170 triệu đồng.

Các khoản tiền thu được từ quà tặng nhân dịp các ngày lễ như ngày thành lập trường, ngày Nhà giáo Việt Nam đều không được thống kê, không có biên bản giao nhận. Tất cả các khoản tiền trao tặng đều do bà Lý Thị Thanh Mai bóc ra, ghi sổ tổng hợp dưới sự chứng kiến của Hiệu trưởng. Điều đáng nói, các khoản tiền này đã được chi và không có sổ theo dõi.

Thu, chi nhiều khoản bất minh

Cũng theo kết luận, năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú không thực hiện quy trình đối với các khoản thu thỏa thuận, thu tự nguyện.

Cụ thể, năm học 2018 - 2019, trường THPT Phan Huy Chú không bàn bạc, họp thông báo với các giáo viên chủ nhiệm đối với các khoản thu tiền sổ liên lạc điện tử, tiền nước uống, tiền dạy thêm học thêm trong nhà trường. Năm học 2018 - 2019 và 2019 - 2020 trường không có văn bản thỏa thuận về mức thu tiền dạy thêm, học thêm, tiền nước uống giữa đại diện CMHS với nhà trường.

Thêm nữa, các khoản thu học phí, tiền học thêm, nhà trường thu được đều không nộp về Kho bạc Nhà nước. Thay vào đó, các khoản tiền này đều do thủ quỹ trường tự cất giữ. 

Cụ thể, từ đầu năm học 2018 – 2019, tại cuộc họp Hội đồng nhà trường, Hiệu trưởng đã giao cho bà Lý Thị Thanh Mai thực hiện việc thu tiền học thêm của tất cả các lớp trong 2 năm học. Sau khi thu tiền, bà Mai tự cất giữ và chuyển dần cho thủ quỹ phát tiền theo danh sách do ông Nguyễn Qúy Hào lập theo từng đợt. Các lần chuyển tiền cho thủ quỹ không được lập phiếu giao nhận.

Tại thời điểm đoàn xác minh của Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra, tiền mặt tại trường chỉ có 300 triệu đồng. Sau đó ít phút, thủ quỹ trường về nhà lấy thêm 99,7 triệu đồng mang đến. Tuy nhiên, nhà trường không xuất trình được sổ quỹ và sổ kế toán về việc theo dõi số liệu để kiểm tra, đối chiếu với số liệu kiểm kê quỹ thực tế.

Không chỉ vậy, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú còn chỉ đạo thực hiện các khoản thu không đúng quy định như tiền xã hội hóa với mức thu 50.000đ/ học sinh/ năm học; tiền thực tập quân đội với mức thu 650.000đ/ học sinh

Theo kết luận kiểm tra, việc nhà trường thu tiền xã hội hóa nhằm mục địch mua bàn ghế trang cấp cho phòng học, tuy nhiên khoản tiền thu trên thực tế không thực hiện mua bàn ghế mà được chi vào việc khác.

Ngoài ra, trong năm học 2019 - 2020 Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú còn phân công văn thư kiêm thủ quỹ thu và viết phiếu thu trả lại các khoản thu của trường không đúng quy định. Các phiếu thu do nhân viên văn thư - thủ quỹ viết chỉ có dấu treo của trường, có chữ ký của người lập và người lập nhưng không có xác nhận của kế toán và thủ trưởng đơn vị. Phiếu thu được lập thành quyền nhưng không đánh số quyển và số phiếu thu.

Lập khống bảng kê, cắt xén tiền dạy thêm

Ngày 26/11/2018, trường THPT Phan Huy Chú có tờ trình xin cấp phép dạy thêm, nhưng hoạt động dạy thêm đã tiến hành từ tháng 10/2018.

Hồ sơ xin cấp phép dạy thêm năm học 2018 - 2019, trường Phan Huy Chú lập danh sách 17 giáo viên, nhưng thực tế: Học kỳ I có 34 giáo viên tham gia giảng dạy nhưng danh sách phân công chỉ có 22; Học kỳ II có 36 giáo viên tham gia giảng dạy nhưng danh sách phân công chỉ có 23 người.

Hồ sơ để thanh toán cho giáo viên dạy do ông Nguyễn Quý Hào lập có đủ tên 34 giáo viên trong học kỳ I và 36 giáo viên trong học kỳ II. Tuy nhiên, hồ sơ hoàn thiện dùng để báo cáo tài chính, ông Hào lại lập danh sách thanh toán học kỳ I là 22 giáo viên và học kỳ II là 23 giáo viên?!

Điều đáng nói, việc chi trả tiền cho giáo viên giảng dạy là 70% tổng số tiền thu được, nhưng các giáo viên dạy thêm chỉ nhận được 49%, còn 21% hiệu trưởng phân bổ cho các trợ giảng. Thế nhưng, các trợ giảng chỉ được ký xác nhận chứ không thực lĩnh, bởi, số tiền này được nhập vào quỹ riêng. Theo lý giải của hiệu trưởng, 21% này được nhập vào quỹ giáo viên thỉnh giảng.

Điểm bất hợp lý là, trong sổ ghi đầu bài các lớp học thêm không có thông tin về giáo viên trợ giảng?!

Chưa dừng lại đó, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú còn chỉ đạo lập khống biên bản bàn giao tiền cho Ban đại diện CMHS.

Cụ thể, ngày 6/10/2019, Hiệu trưởng đã mời đại diện CMHS đến họp thống nhất các khoản thu và phương án thu năm học 2019 -2020 nhưng không có nội dung trả lại các khoản thu tự nguyện (đã thu trước đó) cho đại diện CMHS các lớp. Thế nhưng ngày 8/10/2019, nhà trường lại lập biên bản bàn giao các khoản thu tự nguyện (343.657.000 đ) cho Ban đại diện CMHS trường năm học 2019 – 2020. Tuy nhiên, thực tế, số tiền này vẫn do nhà trường giữ và tự chi.

Theo kết luận, số tiền nhà trường đã thu là 380.148.000đ cho quỹ Ban đại diện CMHS trường năm học 2019 – 2020. Hiệu trưởng đã chi 317.437.500đ cho 35 nội dung chi, trong đó có những khoản chi không đúng quy định, không có chứng từ kế toán hợp lệ.

Sử dụng tài sản công và kỷ luật học sinh trái quy định

Không chỉ bất minh trong các vấn đề thu chi, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú còn sử dụng các tài sản của nhà trường sai mục đích bằng việc cho doanh nghiệp kinh doanh.

Theo đó, Hiệu trưởng đã cho Công ty CP kinh doanh và xây dựng VTN Việt Nam cải tạo và sử dụng khu tập nhảy cao và nhảy xa của học sinh thành 2 sân bóng. Sau khi cải tạo thành sân bóng, hiệu trưởng bắt tay với Công ty VTN tiến hành thu phí dịch vụ 300 - 350 nghìn đồng/ trận đấu. Các khoản thu, chi từ sân bóng không được theo dõi trên hệ thống sổ sách kế toán.

Theo phản ánh của một số cán bộ, giáo viên, hoạt động kinh doanh sân bóng đã sử dụng điện nước của nhà trường, nhưng không thanh toán tiền điện nước cho nhà trường. “Việc này là tận dụng của công để phục vụ lợi ích cá nhân”, một giáo viên nhận định.

Ngoài ra, trong quá trình đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng, ông Nguyễn Thanh Tuấn còn tiến hành kỷ luật 2 học sinh trái quy định, không có tính giác dục, gây bất bình đối với phụ huynh học sinh.

Cụ thể, ông Tuấn đã kỷ luật 2 học sinh: Đỗ Mạnh Đ và Nguyễn Thương H bằng hình thức đình chỉ học tập 1 tháng. Trong thời gian bị kỷ luật, 2 học sinh này phải đến trường để lao động công ích trong 1 tiết, sau đó mới được mượn vở của các bạn để chép bài.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cán bộ, giáo viên, 2 học sinh này không chỉ bị bắt lao động công ích mà còn bị yêu cầu ngồi trong  phòng Hội đồng sư phạm trong suốt thời gian bị kỷ luật. 

Để làm rõ việc xử lý, khắc phục các sai phạm này, Báo PLVN đã liên hệ làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội, tuy nhiên, Sở này vẫn chưa có phản hồi.

Đọc thêm