Quyền tự chủ thân thể của phụ nữ - Có mà như không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần một nửa phụ nữ ở 57 nước đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể - con số này được đưa ra trong Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2021 vừa được Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố. Việc không có quyền tự chủ thân thể không chỉ dừng lại ở những tổn hại sâu sắc tới từng cá nhân phụ nữ và trẻ em gái mà còn làm giảm năng suất kinh tế, suy giảm kỹ năng, gia tăng chi phí cho hệ thống y tế và tư pháp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều quyền tự chủ thân thể bị xâm phạm

Quyền tự chủ cơ thể được đo lường thông qua 2 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) là chỉ số 5.6.1 và 5.6.2. Trong số 75 quốc gia có số liệu trong báo cáo, để đo lường chỉ số SDG 5.6.2 về sự sẵn có của hệ thống luật pháp, các văn bản quy định hoặc chính sách đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và nam giới từ 15 tuổi trở lên trong việc tiếp cận thông tin và giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục.

Với chủ đề “Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết”, Báo cáo cho thấy, chỉ 55% phụ nữ hoàn toàn có quyền lựa chọn về dịch vụ y tế, sử dụng biện pháp tránh thai và quan hệ tình dục; chỉ 71% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận gói dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể; chỉ 75% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai một cách hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng; chỉ 80% quốc gia có luật hỗ trợ sức khỏe tình dục và hạnh phúc cho người dân; chỉ 56% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giáo dục giới tính toàn diện.

Đặc biệt, Báo cáo cũng nêu lên những cách thức khác nhau liên quan tới quyền tự chủ thân thể của phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Theo đó, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật “cưới kẻ cưỡng hiếp”, trong đó nam giới phạm tội cưỡng hiếp có thể không bị truy tố hình sự nếu kết hôn với phụ nữ và trẻ em gái bị anh ta cưỡng hiếp. 43 quốc gia không có quy định pháp luật giải quyết vấn nạn hiếp dâm trong hôn nhân (bị vợ hoặc chồng cưỡng hiếp). Hơn 30 quốc gia hạn chế quyền đi lại của phụ nữ bên ngoài nhà ở của họ. Trẻ em trai và trẻ em gái khuyết tật có khả năng bị bạo lực tình dục cao gần gấp ba lần, trong đó trẻ em gái dễ gặp nguy cơ hơn.

Cưỡng bức tình dục trong hôn nhân – vô tội hay không?

Khi bản Báo cáo được công bố, nhiều chuyên gia xã hội và pháp lý rất lưu ý đến thông tin về 43 quốc gia không có quy định pháp luật giải quyết vấn nạn hiếp dâm trong hôn nhân (bị vợ hoặc chồng cưỡng hiếp). Sở dĩ vậy vì ở Việt Nam đây cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. 

Năm 2020, Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang về tội Hiếp dâm theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự. Đối tượng Lý Văn Quang (35 tuổi, thường trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) có vợ là chị N.T.V. (31 tuổi, thường trú tại xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình). Do mâu thuẫn gia đình, tháng 8/2019, chị V. viết đơn ly hôn gửi tòa án huyện và về nhà bố mẹ đẻ sinh sống. Để muốn vợ từ bỏ ý định ly hôn quay về chung sống, Lý Văn Quang đã nhiều lần đến nhà vợ để níu kéo nhưng bất thành. Hồi 18h ngày 5/2/2020, Quang điều khiển xe mô tô đến gặp vợ, thấy chị V. ở nhà một mình, Quang đã dùng dao đe dọa và dùng vũ lực khống chế giao cấu trái ý muốn với chị V. Ngay sau khi nhận được đơn trình báo của gia đình bị hại, Công an huyện Lộc Bình đã xác minh làm rõ và ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lý Văn Quang. 

Dù gây xôn xao dư luận nhưng đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến vấn đề “chồng hiếp dâm vợ”. Trước đó, ngày 10/9/2009 tại xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra sự việc đối tượng Hoàng Sơn Linh cầm dao uy hiếp buộc vợ Linh về nhà để đánh đập và tuyên bố giết vợ rồi tự sát. Khi Cảnh sát 113 và công an xã đến thuyết phục, vận động thì Linh lột quần áo, hiếp dâm vợ ngay giữa nhà. Ngày 21/11/2014, trong chương trình cuộc sống thường nhật của VTV1, một người phụ nữ đã dũng cảm trực tiếp lên sóng truyền hình chia sẻ về câu chuyện cuộc đời đầy bi kịch của mình khi bị chính người chồng bạo hành tình dục ngay cả khi ốm đau, khi sức khoẻ không đảm bảo và bản thân chị không tự nguyện...

Đối diện với những vụ việc này, thường xuyên có hai luồng quan điểm tranh cãi trong xã hội và ngay cả trong giới các nhà làm luật. Một bên cho rằng một khi đã còn quan hệ vợ chồng theo pháp luật thì không thể coi đó là hành vi hiếp dâm. Ngược lại, quan điểm đối lập lại nhấn mạnh tội danh hiếp dâm không quy định chủ thể đặc biệt nên không thể loại trừ trường hợp chủ thể là vợ, chồng mà chỉ quan tâm đến hành vi “giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân”. 

Phủ nhận quyền tự chủ thân thể là vi phạm quyền cơ bản 

Phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới năm 2021, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Sự phủ nhận quyền tự chủ thân thể là hành vi vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính. Việc này không khác gì sự hủy diệt con người về mặt tinh thần và phải được ngăn chặn”. 

Quyền tự chủ cơ thể được đo lường thông qua 2 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) là chỉ số 5.6.1 và 5.6.2. Việt Nam chưa có bộ số liệu đầy đủ cho chỉ số SDG 5.6.1 (tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi tự đưa ra quyết định về quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản) nhưng chỉ số đạt hiện nay của Việt Nam là 54/100%. Việt Nam đang có kế hoạch thực hiện bộ số liệu đầy đủ cho chỉ số SDG 5.6.1 trong những năm tới.

Ở góc độ thanh niên, để đảm bảo quyền tự chủ thân thể, nữ thanh niên cần được giáo dục nhiều hơn có xu hướng tự quyết về việc sử dụng các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như nói không với quan hệ tình dục. Giáo dục giới tính toàn diện, nghĩa là cung cấp thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi về quyền, sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, chương trình này giúp phòng, tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây qua đường tình dục, trang bị cho người trẻ hành trang để có thể lên tiếng bảo vệ chính mình. Bên cạnh đó, chương trình cũng dạy cho người học về sự tôn trọng, đồng thuận và bình đẳng - những yếu tố then chốt để hiện thực hóa quyền tự do thân thể. Ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn bày tỏ mong muốn, công tác giáo dục giới tính toàn diện với trọng tâm là bình đẳng giới sẽ giúp nam, nữ thanh niên có được các kỹ năng giao tiếp tốt hơn, có sự tôn trọng nhau, phát triển toàn diện và có kiến thức kỹ năng để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân.

“Khi được kiểm soát thân thể của chính mình, người phụ nữ có thể làm chủ các khía cạnh khác trong cuộc sống. Phụ nữ không chỉ có thêm quyền tự chủ mà còn được tiếp cận những tiến bộ trong y tế và giáo dục, gia tăng thu nhập và đảm bảo an toàn. Phụ nữ sẽ có cơ hội để phát triển. Gia đình, cộng đồng và quốc gia cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này” - bà Naomi Kitahara nhấn mạnh.

Người Việt Nam thường soi chiếu người phụ nữ bằng thuyết “tam tòng, tứ đức” rằng người vợ trong gia đình phải phục tùng người chồng tuyệt đối ở rất nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh về tình dục.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật về quyền con người nói chung và pháp luật điều chỉnh lĩnh vực hôn nhân gia đình nói riêng thì suy nghĩ này là suy nghĩ hoàn toàn chủ quan, mang tính cá nhân và không đúng với quy định của pháp luật. Với luật pháp, một nguyên tắc rất quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng chứ không phải là quan hệ mệnh lệnh phục tùng.

Bên cạnh những quy định như vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau…, thì một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt các quy định pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau.

Từ đó, có thể thấy, trong cuộc sống vợ chồng, hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau (trong đó có hành vi xâm hại tình dục) là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả xảy ra, mà hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

\

Đọc thêm