Rừng gỗ quý Trường Sơn bị “tàn sát”: UBND tỉnh Quảng Bình lập đoàn kiểm tra liên ngành và sẽ xử lý nghiêm

(PLVN) - Sau phản ánh của PLVN về nạn lâm tặc ngang nhiên tàn phá ồ ạt rừng gỗ quý Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc và chỉ đạo điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo pháp luật.
Bãi gỗ lim ngổn ngang như chiến trường sau những đường cưa lâm tặc.
Bãi gỗ lim ngổn ngang như chiến trường sau những đường cưa lâm tặc.

Những ngày qua, Báo PLVN có nhiều bài viết phản ánh nạn gỗ quý (mà chủ yếu là gõ và lim) ở rừng Trường Sơn ở tỉnh Quảng Bình bị khai thác trái phép tràn lan trong suốt thời gian dài. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc cả một vùng rừng rộng lớn, giàu gỗ quý hàng đầu ở Việt Nam đã bị tàn sát không thương tiếc và đặt ra nghi vấn lớn về việc chủ rừng, kiểm lâm đã “tiếp tay” cho lâm tặc tung hoành.

Lập đoàn kiểm tra thực địa

Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định thành lập đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc trong lâm phần của Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại – gọi tắt là Cty LCN Long Đại).

Gốc gỗ gõ đường kính lớn bị triệt hạ trong khu vực rừng Xà Biên, vùng rừng Trường Sơn.
Gốc gỗ gõ đường kính lớn bị triệt hạ trong khu vực rừng Xà Biên, vùng rừng Trường Sơn. 

Theo nắm bắt của phóng viên, đoàn công tác liên ngành này gồm 33 người thuộc các đơn vị ở tỉnh Quảng Bình là: Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cty LCN Long Đại, UBND huyện Quảng Ninh (gồm Công an huyện, Phòng NN-PTNT, UBND xã Trường Sơn và Công an xã này). Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Đặng Minh Hùng làm trưởng đoàn.

UBND tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ cho đoàn công tác liên ngành phải kiểm tra hiện trường, xác định khu vực rừng bị xâm hại, thống kê số lượng gốc chặt, loại cây, mức độ thiệt hại; đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phần do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn quản lý, bảo vệ. Đoàn công tác này đã vào rừng kiểm tra hiện trường rừng bị phá từ hơn 10 ngày trước và đang triển khai báo cáo tình hình cụ thể cho UBND tỉnh này.

Một cây gỗ lim cổ thụ chỉ còn lại ngọn nằm chắn chắn ngang giữa rừng.
 Một cây gỗ lim cổ thụ chỉ còn lại ngọn nằm chắn chắn ngang giữa rừng.

Trước đó, trong văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT khẩn trương tham mưu để tỉnh thành lập đoàn liên ngành, UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, báo chí đã phản ánh về tình trạng khai thác rừng trái phép ở Trương Sơn và UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý. Tuy nhiên, tình trạng nêu trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Lãnh đạo UBND tỉnh này khẳng định, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng tiến hành làm rõ việc rừng bị xâm hại và sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng bị phá.

Vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng

Ông Lương Sỹ Trình - Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty LCN Long Đại cho biết: “Cá nhân tôi rất buồn khi rừng bị mất. Cty đã giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng đối với Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn và cá nhân ông Châu Ngọc Dương – Giám đốc Lâm trường. Đến hiện tại, Cty đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như nhiều cuộc họp với Lâm trường để xem xét việc rừng bị khai thác trái phép”.

Một bãi khai thác gỗ gõ ngổn ngang với một số hộp gỗ mà lâm tặc chưa kịp đưa ra ngoài.
 Một bãi khai thác gỗ gõ ngổn ngang với một số hộp gỗ mà lâm tặc chưa kịp đưa ra ngoài.

Theo ông Trình, phía Cty này đã xử lý cách chức Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 8 thuộc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn và đình chỉ công tác toàn bộ nhân viên Trạm này. Cùng với đó, ông Châu Ngọc Dương đã bị đưa ra khỏi danh sách tái cử Ban chấp hành Đảng ủy để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Cty LCN Long Đại sắp tới. Hiện Cty này đang tiếp tục xem xét xử lý kỷ luật về mặt chuyên môn đối với ông Dương vì đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc, ông Nguyễn Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Chi cục ghi nhận những thông tin kịp thời mà Báo PLVN đã phản ánh và sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ quy trình công tác của các đơn vị liên quan đến việc để rừng bị phá tại Lâm trường Trường Sơn. Tôi sẽ có văn bản yêu cầu Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng số 1 và Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh có báo cáo, giải trình về quá trình tuần tra, kiểm soát lâm sản tại vùng rừng trong khoảng 1 năm qua. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu sai phạm, tiếp tay cho lâm tặc thì sẽ xử lý nghiêm”.

Những lô gỗ gõ Trường Sơn giá cao đã được đưa ra miền Bắc tiêu thụ.
Những lô gỗ gõ Trường Sơn giá cao đã được đưa ra miền Bắc tiêu thụ. 

Còn ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Đoàn liên ngành đi kiểm tra thực địa, xác định mức độ thiệt hại ngang đâu thì xử lý ngang đó, thậm chí là khởi tố. Quan điểm của ngành như vậy là đã hết sức tích cực”.

Ông Minh khẳng định, đây là vụ việc nghiêm trọng.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cũng cho biết, vùng rừng Trường Sơn bị lâm tặc khai thác gỗ lậu trái phép nằm trên khu vực biên giới Việt – Lào, với nhiệm vụ chuyên trách quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự trên khu vực biên giới, đơn vị này đã cử nhiều lực lượng chuyên trách trực tiếp vào các khu vực rừng bị phá để điều tra, nắm bắt tình hình.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm