Sai phạm tại dự án ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng: Chưa kiên quyết trong xử lý?

(PLVN) - Những sai phạm tại hai dự án ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng (VQG) được đánh giá là nghiêm trọng nhưng đến nay việc khắc phục hậu quả rất khó khăn, những cá nhân, tập thể liên quan đến sai phạm cũng chỉ nhận hình thức xử lý kỷ luật ở mức độ “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.
Gói thầu công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính chưa khắc phục nhưng đơn vị thi công đã giải thể.
Gói thầu công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính chưa khắc phục nhưng đơn vị thi công đã giải thể.

Khó khăn trong xử lý, khắc phục hậu quả

Trước đó, quá trình thanh tra của Thanh tra Kiên Giang đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát hơn 4,93 tỷ đồng ở các dự án, khắc phục, bảo tồn, phát triển bền vững VQG U Minh Thượng.  

Từ kết quả sai phạm, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu, Giám đốc VQG thu hồi các khoản nợ phải thu của các tổ chức, cá nhân số tiền hơn 6,7 tỷ đồng ở Dự án đầu tư, khôi phục, bảo vệ và phát triển VQG (Dự án khôi phục). Trong đó, nợ theo phê duyệt quyết toán hơn 1 tỷ đồng, nợ tạm ứng chi phí thiết bị, chi phí giám sát và chi phí xây dựng là hơn 5,7 tỷ đồng. Và hơn 310 triệu ở Dự án Bảo tồn và Phát triển VQG U Minh Thượng (Dự án bảo tồn).

UBND tỉnh Kiên Giang cũng yêu cầu VQG U Minh Thượng, Giám đốc VQG, Ban Giám đốc Sở GTVT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. Giao Sở Nội vụ, phối hợp các ngành chức năng tổ chức kiểm điểm, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà xử lý cho phù hợp với Giám đốc, Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng…  

Liên quan đến việc chỉ đạo thực hiện sau kết luận thanh tra (KLTT), PV đã có buổi làm việc với Thanh tra tỉnh. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đức, Chánh Thanh tra tỉnh xác nhận: Việc thu hồi khoản 6,7 tỷ tiền nợ (nợ theo phê duyệt quyết toán, nợ tạm ứng chi phí thiết bị, chi phí giám sát, chi phí xây dựng) vẫn chưa thực hiện được. 

Về kiến nghị 10 đơn vị phải thu hồi nộp ngân sách số tiền hơn 2,3 tỷ; đến nay vẫn còn hai đơn vị chưa thu hồi và nộp về cho Nhà nước, trong đó Sở GTVT là 273,7 triệu và Cty TNHH Kiến trúc xây dựng Khang Việt 126,1 triệu đồng. 

Ngoài khó khăn trong xử lý vấn đề kinh tế, việc xử lý hành chính, theo ông Đức, vẫn chưa thể thực hiện triệt để do đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì là Sở Xây dựng khi tổ chức cuộc họp nhưng nhiều bộ phận liên quan không đến dự. Theo Thanh tra tỉnh, hiện có 3/5 tập thể kiểm điểm nhưng cũng chỉ nhận với hình thức “rút kinh nghiệm”, 5/8 cá nhân kiểm điểm chỉ nhận với hình thức tương tự.

Không liên lạc được đơn vị thi công để khắc phục

Trước đó, như PLVN thông tin, trong số các sai phạm được phát hiện, sai phạm tại 3 gói thầu được đánh giá là nghiêm trọng gồm: Gói nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng đoạn từ cầu KT2 đến kênh 17; gói công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng từ Tỉnh ủy đến kênh K10; gói xây dựng công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính. 3 gói thầu này có dấu hiệu móc ngoặc giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công; cơ quan thẩm định, giám sát khi chất lượng công trình không đảm bảo; thậm chí bị “rút ruột” công trình… 

Liên quan đến kết quả giám định nghiệm thu khác nhau trước và sau khi thanh tra, trao đổi với PV, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: “Nguyên nhân là khi Sở Xây dựng xuống kiểm tra, chọn mẫu giám định nhưng do tuyến đường dài nên khi chọn mẫu “sao sao đấy”, dẫn đến kiểm tra giám định lần đầu thì đạt, còn khi giám định theo yêu cầu của Đoàn thanh tra thì lại không đạt. Như vậy, Sở Xây dựng khi giám định kiểm tra cùng một đoạn đường, cùng một quy trình chuẩn nhưng đôi khi vì nguyên nhân nào đó lại có thể cho ra hai kết quả khác nhau”.

Liên quan đến khắc phục hậu quả ở ba gói thầu nêu trên, được biết, sau khi UBND tỉnh ban hành KLTT, với tư cách chủ đầu tư, VQG đưa ra phương án khắc phục gói thầu số 01 (nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng đoạn từ cầu KT2 đến kênh 17) và gói thầu số 05 (công trình nâng cấp tuyến đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng từ Tỉnh ủy đến kênh K10) với giải pháp là đổ thêm lớp bê tông lên mặt đường. Tuy nhiên, theo ông Đức, cách khắc phục như vậy không đúng với chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh là phải khắc phục theo đúng thiết kế. Và giải pháp này không đảm bảo được cường độ bê tông ban đầu, dễ dẫn đến hư hỏng về sau. 

Tại gói thầu xây dựng công trình cáp điện hạ thế 0,4kV và chiếu sáng công cộng khu hành chính, qua thanh tra, phát hiện đơn vị thi công thực hiện không đúng hồ sơ thiết kế, thay đổi mã hiệu dây, thay đổi dây cáp đồng sang dây cáp nhôm, đến nay đã hư hỏng hoàn toàn. Đến nay, theo ông Đức, các sai phạm vẫn chưa khắc phục được khi đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng Hà Tiên đã giải thể. “Hiện chủ đầu tư vẫn đang tìm cách để liên hệ với đại diện Cty này để có biện pháp khắc phục”, ông Đức thông tin.

Cần phải nhắc lại, liên quan tới các sai phạm tại ba gói thầu này, tại KLTT, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đã yêu cầu Thanh tra tỉnh có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục theo nội dung của KLTT. Nếu sai phạm không khắc phục trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được KLTT thì phải chuyển hồ sơ sang CQĐT xử lý theo pháp luật.  

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn theo chỉ đạo của tỉnh, dù các sai phạm vẫn chưa được khắc phục nhưng hồ sơ thì vẫn chưa được cơ quan này chuyển sang CQĐT theo đúng chỉ đạo nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh.

Trước đó, ngày 23/9/2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã gửi công văn đến Chánh Thanh tra tỉnh Kiên Giang yêu cầu báo cáo bằng văn bản về việc một số cán bộ Đoàn Thanh tra cùng với cán bộ VQG tổ chức ăn nhậu thâu đêm. Chánh Thanh tra tỉnh xác nhận có vụ việc này và đã tiến hành xử lý kiểm điểm các cán bộ liên quan.

Đọc thêm