Sau một vụ án có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ tín dụng: Còn ai dám vay tiền ngân hàng để kinh doanh?

(PLO) - Vay tiền ngân hàng nhưng không trả được nợ đúng hạn do kinh doanh thua lỗ, ông Thân Văn Hưng (SN 1976, nguyên Giám đốc Cty CP Hưng Sơn - Bắc Giang) đã bị khởi tố về tội “Sử dụng trái phép tài sản”.
Khi Giám đốc Thân Văn Hưng bị bắt giam, hoạt động kinh doanh của Cty cổ phần Hưng Sơn bị đình đốn.
Khi Giám đốc Thân Văn Hưng bị bắt giam, hoạt động kinh doanh của Cty cổ phần Hưng Sơn bị đình đốn.

Kêu oan trước việc khởi tố vô lý này, ông Hưng nói: “Với quan điểm hình sự hóa như trên thì hàng nghìn giám đốc có “nợ xấu” như tôi sẽ phải vào tù. Nhìn vào vụ án này, có lẽ cũng chẳng còn dám đi vay tiền ngân hàng để kinh doanh cả”.

Năm lần trả hồ sơ điều tra bổ sung 

Cuối năm 2010, khi Cty Hưng Sơn ký hợp đồng vay Ngân hàng Thương mại CP Việt Nam Thịnh Vượng — Chi nhánh Bắc Giang (VPBank Bắc Giang) 6,5 tỷ đồng để kinh doanh hàng tiêu dùng (nước mắm Nam Ngư các loại của Cty CP Thực phẩm MASAN). Tài sản bảo đảm cho khoản vay là chứng thư bảo lãnh của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang (VDB Bắc Ninh - Bắc Giang). 

Toàn bộ khoản vay đã được VPBank Bắc Giang giải ngân và chuyển thẳng cho Cty CP Thực phẩm MASAN theo đúng các đơn hàng. Đến cuối năm 2011, khi Cty CP Hưng Sơn đã trả được 2,4 tỷ đồng nợ gốc và 300 triệu đồng tiền lãi thì ông Hưng bất ngờ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) tỉnh Bắc Giang khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Theo quy kết của Cơ quan điều tra lúc đó, ông Hưng đã gian dối trong việc thiết lập hồ sơ, báo cáo tình hình hoạt động của Cty Hưng Sơn không đúng thực tế, nâng khống vốn chủ sở hữu và các chi phí, lợi nhuận sau thuế… để được VDB Bắc Ninh - Bắc Giang bảo lãnh khoản vay 6,5 tỷ đồng tại VPBank Bắc Giang rồi chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng nợ gốc và lãi vay. 

Nhưng hồ sơ vụ án đã bị VKSND và TAND tỉnh Bắc Giang trả lại tổng cộng 5 lần để yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung như: ý thức chủ quan; mục đích chiếm đoạt số tiền hơn 4 tỷ đồng hay 6,5 tỷ; làm rõ trách nhiệm của từng thành viên HĐQT công ty và xác định tư cách tham gia tố tụng của ngân hàng…

Chưa biết ai là bị hại đã khởi tố bị can

Sau hơn 5 năm khởi tố, do không có căn cứ cáo buộc ông Hưng có hành hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vào đầu năm 2016, Cơ quan CSĐT - CA tỉnh Bắc Giang đã buộc phải thừa nhận ông Hưng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, cơ quan này lại thay đổi tội danh khởi tố đối với ông Hưng sang tội “Sử dụng trái phép tài sản” (Điều 142 BLHS). 

Chỉ sau đó 3 ngày, lấy lý do “chưa xác định được nguyên đơn của vụ án (do tranh chấp giữa VPBank Bắc Giang và VDB Bắc Ninh - Bắc Giang về Hợp đồng bảo lãnh nên cần phải xác định nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự bằng một bản án dân sự của Tòa án” nên Cơ quan CSĐT đã căn cứ vào Điều 160 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) để ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Hưng. 

Phản đối việc tạm đình chỉ bị can trên, ông Hưng cho rằng: Cơ quan CSĐT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì Điều 160 Bộ luật TTHS chỉ cho tạm đình chỉ điều tra với lý do bị can bị ốm hoặc do chờ kết quả giám định. Việc chờ giải quyết tranh chấp dân sự không thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra theo quy định. 

Hơn nữa, nếu đã khởi tố bị can về tội sử dụng trái phép tài sản thì trước hết, cơ quan CSĐT phải kết luận tôi sử dụng trái phép tài sản của ai. Nhưng vô lý ở chỗ, vụ án chưa có bị hại đã có bị can: Cơ quan CSĐT chưa biết tài sản của ai, chưa biết thiệt hại ở mức độ nào, chưa rõ lý do gây nên thiệt hại… mà vẫn quy kết tôi có hành vi sử dụng trái phép tài sản”. 

Tiếp tục kêu oan về tội danh mới, ông Hưng khẳng định mình đã bị “hình sự hóa” quan hệ tín dụng vì hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ VPBank Bắc Giang đã giải ngân cho Cty CP Hưng Sơn thành 5 phân kỳ và tiền đều chuyển thẳng vào tài khoản của Cty MASAN (bên bán hàng) dựa trên cơ sở Hợp đồng mua bán hàng được ký giữa Cty Hưng Sơn với Cty MASAN về phân phối sản phẩm theo phương án kinh doanh đã được thẩm định. Sau đó, hàng hóa đều đã nhập về kho bên mua (Cty CP Hưng Sơn). 

Như vậy, trên thực tế Cty Hưng Sơn đã sử dụng khoản tiền vay đúng mục đích và nếu ông Hưng có muốn sử dụng số tiền này vào mục đích khác cũng là điều không thể. 

Theo ông Hưng, sau khi nhập hàng, Cty CP Hưng Sơn đã phân phối cho các đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Việc không thu được tiền hàng hoặc không trả được nợ ngân hàng là do khách quan, nằm ngoài mong muốn của Giám đốc Cty nên không thể nói hành vi của ông là cố ý. 

Cho rằng việc tạm đình chỉ điều tra chỉ là động thái nhằm kéo dài thời gian, né tránh bồi thường oan sai, xâm phạm đến quyền con người, quyền tự do của công dân, ông Hưng đã gửi đơn kêu oan và khiếu nại quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm đình điều tra đến VKSND tỉnh Bắc Giang và VKSNDTC từ tháng 2/2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời.

Đọc thêm