Sơn La: “Cứu” sai cho Tòa cấp dưới bằng việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm?

(PLO) - Sau 1 ngày xét xử vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Cty CP Xuất nhập khẩu Trà Việt (Cty Trà Việt- nguyên đơn) và Cty Cp Chè Cờ đỏ Mộc Châu (Cty Chè Cờ Đỏ- bị đơn), HĐXX TAND tỉnh Sơn La đã quyết định  “tạm dừng phiên tòa” để tiến hành xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ. 
Đại diện nguyên đơn và LS Bình (phải) cho rằng việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Sơn La là không đúng quy định
Đại diện nguyên đơn và LS Bình (phải) cho rằng việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Sơn La là không đúng quy định

Và khi hết thời hạn tạm dừng mà vẫn chưa thu thập được chứng cứ, Tòa đã phải “tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm” vụ kiện.

Trong khi đó, bị đơn khẳng định việc tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm như trên là không đúng quy định. HĐXX phúc thẩm cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa sơ thẩm xét xử lại vì đã có sai sót nghiêm trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Hơn nữa, Tòa cấp sơ thẩm còn có sai phạm ngay từ giai đoạn thụ lý vụ án khi tiếp nhận tài liệu không hợp lệ.

Kiểm sát viên: “bác đơn khởi kiện”

Như PLVN đã từng thông tin, vụ kiện xuất phát từ Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (HĐ) số 01 (ký ngày 15/4/2016) giữa Cty Chè Cờ Đỏ (Bên A) và Cty Trà Việt (Bên B). Theo HĐ, từ 15/4/2016 đến 31/12/2016, Cty Chè Cờ Đỏ ủy thác cho Cty Trà Việt thực hiện việc xuất khẩu 300.000kg chè (47 ngàn đồng/kg, tổng giá trị 14,1 tỷ đồng).

Sau khi hai bên thực hiện chuyển và xuất khẩu được 40.360kg chè thì đến tháng 11/2016, Cty Trà Việt đã khởi kiện yêu cầu Cty Chè Cờ đỏ bồi thường hơn 976 triệu đồng vì cho rằng bên A đã đơn phương chấm dứt HĐ, vi phạm điều khoản “độc quyền” khi đã bán chè cho đơn vị khác.

Xét xử sơ thẩm vụ kiện, TAND huyện Mộc Châu (Sơn La) đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện trên của Cty Trà Việt. Ngay sau đó, Cty  Chè Cờ Đỏ đã kháng cáo cho rằng Tòa cấp sơ thẩm thụ lý vụ kiện sai quy định và đưa ra nhận định về việc bị đơn vi phạm hợp đồng là không đúng.

Đồng tình với 1 phần nội dung kháng cáo trên, Kiểm sát viên (KSV) VKSND tỉnh Sơn La đã có đề nghị HĐXX phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng “bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”. Theo KSV, HĐ thể hiện thời hạn ủy thác xuất khẩu chè giữa hai bên đến ngày 31/12/2016 và không xác định cụ thể số lượng, thời điểm giao hàng. Thực tế, Cty Chè Cờ Đỏ đã thực hiện giao hàng 3 lần và sau đó thì dừng giao hàng do có vướng mắc. Vào ngày 7/11/2016, trong khi thời gian thực hiện hợp đồng vẫn còn mà Cty Trà Việt đã khởi kiện cho rằng Cty Chè Cờ Đỏ vi phạm thời hạn giao hàng là không có căn cứ.

Ngoài ra, Cty Trà Việt còn cho rằng Cty Chè Cờ Đỏ vi phạm thỏa thuận về độc quyền nhưng không chứng minh được bị đơn đã ủy thác xuất khẩu chè cùng loại (trà xanh sơ chế) cho đối tác khác. Hóa đơn mà Cty Trà Việt cung cấp thì chỉ thể hiện Cty Chè Cờ Đỏ xuất bán cho Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại  (XNKTM) Nông sản Việt Nam loại “chè San Tuyết”. Vì vậy, Cty Chè Cờ Đỏ không vi phạm độc quyền về ủy thác xuất khẩu “trà xanh sơ chế”.

Tòa sơ thẩm sử dụng chứng cứ không có trong hồ sơ 

Tại phần tranh luận, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Bình (Văn phòng LS Nguyễn Bình và Cộng sự) cũng cho rằng, ngày 07/11/2016 Cty Trà Việt đã có đơn khởi kiện khi các bên vẫn còn gần 2 tháng nữa để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Như vậy, Cty Trà Việt đã khởi kiện vụ án khi chưa chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, chưa chứng minh được thiệt hại phát sinh từ thời điểm nào. Thế nhưng ngày 30/11/2016, TAND huyện Mộc Châu vẫn thụ lý vụ án theo đơn khởi kiện của Cty Trà Việt là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Xét xử sơ thẩm vụ kiện, HĐXX TAND huyện Mộc Châu còn tiếp tục có nhiều vi phạm tố tụng khi tiếp nhận tài liệu, chứng cứ không đúng qui định, sử dụng tài liệu chứng cứ không có nguồn gốc nên đã đưa ra nhận định sai lệch về bản chất vụ án. Đơn cử, Tòa đã vi phạm khi coi các tài liệu chụp màn hình điện thoại (do nguyên đơn cung cấp) thể hiện tin nhắn của hai bên là chứng cứ. Theo quy định thì tài liệu này không có giá trị chứng minh vì không thỏa mãn các điều kiện về chứng cứ. Ngoài ra, TAND huyện Mộc Châu còn tiếp nhận hai bản sao (bản phô tô) hóa đơn GTGT do nguyên đơn nộp kèm đơn kiện (để cho rằng bị đơn bán hàng cho đơn vị khác, có vi phạm về độc quyền) mà không có bản chính để đối chiếu.

Đã vậy, TAND huyện Mộc Châu còn dựa vào một tài liệu không có trong hồ sơ vụ án là Hợp đồng (HĐ) số 02/HĐUTXK (ngày 02/8/2016 ký giữa Cty Chè Cờ Đỏ và Cty TNHH XNK TM Nông sản Việt Nam) để đưa ra nhận định thiếu căn cứ rằng, “Cty Chè Cờ Đỏ đã vi phạm nghĩa vụ về độc quyền qui định trong HĐ ủy thác xuất khẩu số 01”

Với bản án đầy rẫy những vi phạm pháp luật nghiêm trọng như trên, LS Bình cho rằng: không thể khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm nên HĐXX cần hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho TAND huyện Mộc Châu xét xử lại.

“Tạm đình chỉ xét xử” càng sai?

Trước ý kiến và quan điểm của KSV và LS trên đây, HĐXX phúc thẩm đã quyết định tạm dừng phiên tòa để tiến hành thu thập, bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của nguyên đơn. Sau đó, HĐXX đã có Quyết định yêu cầu bị đơn cung cấp “HĐ ủy thác xuất khẩu số 02/HĐ-XK giữa Cty Chè Cờ Đỏ với Cty TNHH XNKTM Nông sản Việt Nam”.

Tất nhiên, Cty Chè Cờ Đỏ đã không thực hiện nội dung trên và khẳng định” nguyên đơn phải có trách nhiệm thu thập, cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Bị đơn không có nghĩa vụ cung cấp tài liệu thay cho người đang kiện mình.

Bình luận về động thái trên, LS Bình cho rằng, việc HĐXX phúc thẩm yêu cầu bị đơn cung cấp bản HĐ 02 nêu trên thực chất là làm thay công việc mà đáng ra tòa án cấp sơ thẩm phải làm. Việc này nhằm hợp thức cho việc thụ lý vụ án trái pháp luật của TAND huyện Mộc Châu, làm gián đoạn việc xét xử của phiên tòa phúc thẩm.

Ngày 21/2/2018, do hết thời hạn hoãn phiên tòa mà không thu thập được thêm chứng cứ, tài liệu, ông Đinh Huy Hiệp (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm) đã ký quyết định “tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện” và cho biết “tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án kinh doanh thương mại này khi lý do tạm đình chỉ không còn”.

Bức xúc trước quyết định trên, đại diện bị đơn khẳng định, việc không thể thu thập chứng cứ càng cho thấy thiếu sót nghiêm trọng của Tòa cấp sơ thẩm là không thể bổ sung được. Vì vậy, theo quy định thì Tòa cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm để xét xử lại chứ không thể “tạm đình chỉ” để kéo dài vô thời hạn vụ kiện này. 

Đọc thêm