Tam Nông, Phú Thọ: Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn không được ưu đãi?

(PLO) - Hàng chục giáo viên nhiều năm công tác tại các xã có các thôn được xét duyệt vào Chương trình 135 của huyện Tam Nông, Phú Thọ từ năm  2011 đến năm 2013, thế nhưng cho đến nay họ vẫn chưa được nhận bất kỳ chế độ ưu đãi theo chính sách của Nhà nước.
Phản ánh của hàng chục giáo viên công tác tại huyện Tam Nông - Phú Thọ
Phản ánh của hàng chục giáo viên công tác tại huyện Tam Nông - Phú Thọ

Theo phản ánh của nhiều giáo viên thuộc xã Tề Lễ, Quang Húc, Thọ Văn…của họ là  các giáo viên tiểu học dạy bộ môn như: Thể dục, Mỹ Thuật, Tiếng Anh, Âm Nhạc  đã từng có nhiều thời gian làm việc tại các thôn đặc biệt khó khăn của các xã thuộc Chương trình 135 nhưng dường như họ đã bị liệt vào danh sách “người ngoài cuộc”. 

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp nhiều giáo viên đã tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đang trong tình trạng không được thụ hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước: Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, chị N.T.M.T cho biết: ”Tôi là giáo viên dạy môn âm nhạc đã từng công tác tại trường tiểu học Thọ Văn, huyện Tam Nông năm 2011, thời kỳ còn là đường đất và phải đi ủng để lên lớp nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ hỗ trợ nào”.

Cùng quan điểm trên “Một số giáo viên như tôi, họ cũng đã phải lao tâm khổ tứ,  vượt qua bao gian khó để mang cái chữ cho bà con nơi khó khăn này nhưng thật không công bằng” – anh L.T giáo viên tại trường tiểu học Tề Lễ - Tam Nông chia sẻ...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, một số huyện khác của tỉnh Phú Thọ như huyện Thanh Thủy , những giáo viên dạy bộ môn Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục, Tiếng Anh cũng có quá trình công tác (giống như một số giáo viên của huyện Tam Nông, Phú Thọ) họ đều được hưởng chế độ chính sách ưu đãi đầy đủ.

Một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao ở huyện Tam Nông – Phú Thọ lại có  sự khác biệt như vậy?

Sau khi xác minh thông tin từ phản ánh của giáo viên, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UNBD huyện Tam Nông, ông Ngọc cho hay: “Về phía huyện thì những năm trước huyện cũng đã có kiến nghị lên các cấp nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nên vẫn còn tình trạng khiếu nại. Hiện tại chúng tôi vẫn tiếp tục phối kết hợp với các cơ quan để triển khai nhằm mang lại quyền lợi chính đáng cho giáo viên”.

Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội
Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội có quan điểm như sau: “Theo thông tin của bạn đọc cung cấp, các giáo viên này giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục, Tiếng Anh ở các trường Tiểu học Thọ Văn, Tề Lễ, Quang Húc của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đến nay họ vẫn chưa được hưởng chế độ dành cho giáo viên đang công tác tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, mặc dù thời gian được hưởng chế độ của 3 trường là từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 9 năm 2013. Theo quy định của pháp luật, nếu giáo viên công tác tại vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định của Nghị định 61/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20 tháng 6 năm 2006 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể:

 Nhà giáo cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và không hưởng phụ cấp ưu đãi đã quy định tại quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

 Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (thuộc địa phương hoặc từ địa phương khác đến) được điều động đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

Như vậy, dù các xã chia làm 2 khu, 1 khu được xét duyệt Chương trình 135 còn khu kia không được xét duyệt trong khi họ giảng dạy ở cả 2 khu thì đối với khu vực được xét duyệt 135 mà họ giảng dạy, những giáo viên này vẫn thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp dành cho nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp trên được quy định tại Nghị định 19/2013/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 23/2/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 61.2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về Chính sách đối với cán bộ nhà giáo quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn” – Luật sư Đặng Văn Cường cho biết!

Trước kiến nghị của giáo viên tại huyện Tam Nông – Phú Thọ, Báo PLVN đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Phú Thọ vào cuộc thanh kiểm tra, rà soát, xử lý những vấn đề còn tồn tại xoay quanh việc khiếu nại của giáo viên để đảm bảo tính công bằng và đúng theo quy định của pháp luật.

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc.

Đọc thêm