Tang vật ở Quảng Ninh, áp giá địa bàn Thừa Thiên Huế

(PLO) - Kết thúc phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Thành (tức Hải “lé”, SN 1982 trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) về tội “Buôn lậu”; Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú tại TP Uông Bí, Quảng Ninh) về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh vẫn không thể trả lời được câu hỏi, chiếc xe tang vật vụ án được “nhập lậu” từ nước nào, Trung Quốc, Lào, Campuchia hay một nước nào khác vào Việt Nam…
Tang vật ở Quảng Ninh, áp giá địa bàn Thừa Thiên Huế

Hai siêu xe, hai cách xử lý mâu thuẫn

Tranh luận với Luật sư (LS) về cách xử lý liên quan đến chiếc xe Audi A6 (bị công an thu giữ cùng chiếc xe Land Rover), đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chiếc Audi A6 được xác định là hàng tạm nhập tái xuất, đã được Cty CP Quốc tế Tân Đại Dương làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Bị cáo Thành khai mua của anh Trường (cán bộ Đồn Biên phòng Hải Hòa, Móng Cái - PV) nhưng anh này không thừa nhận. Do không chứng minh được chiếc xe này được buôn lậu như thế nào nên CQĐT đã tách và tạm đình chỉ vụ án.

Luật sư (LS) Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Luật Hòa Lợi, Hà Nội) lập tức so sánh, hiện nay, CQĐT đã không thể làm rõ chiếc xe ô tô được nhập lậu vào Việt Nam như thế nào, do ai đưa qua biên giới, đưa vào thời điểm nào…Vậy, tại sao CQĐT không tạm đình chỉ vụ án này như đối với vụ việc liên quan đến chiếc xe Audi mà vẫn cố quy kết một người mua xe trong nội địa là “buôn lậu”?

Cho rằng CQĐT đã không làm rõ được thời gian, địa điểm phạm tội, LS Thành đề nghị Kiểm sát viên (KSV) trả lời rõ, chiếc xe Land Rover được nhập lậu vào Việt Nam từ nước nào, Trung Quốc, Lào hay Campuchia? Nếu có việc nhập lậu thì hiện đang có 3 chiếc xe ô tô ở ba thời điểm khác nhau: một là chiếc xe “Range Rover” do nhân vật gọi là A Sáng (người Trung Quốc) giao cho Thành tháng 6/2012, thứ 2 xe là chiếc mà Thành giao cho Hùng và chiếc thứ 3 là xe “Range Rovers Sport HSE” do người của cửa hàng cầm đồ Trung - Kiên sử dụng tháng 5/2014. Ngay tại phiên tòa thì bị cáo Thành cho biết đã không được CQĐT cho nhận dạng xe và hiện cũng không thể nhận ra chiếc xe mà A Sáng giao năm 2011 là chiếc xe nào, không rõ số khung, số máy của chiếc xe này.

Từ quan điểm này, LS Thành đề nghị KSV trả lời rõ, 3 chiếc xe kể trên có phải là một hay không, có phải là chiếc xe mà hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Quảng Ninh đang coi là “tang vật vụ án hay không”? Tuy nhiên, KSV đã không thể trả lời được những câu hỏi trên.

Áp giá xe của tỉnh Thừa Thiên Huế

CQĐT và VKSND tỉnh Quảng Ninh đều cho rằng chiếc xe ô tô tang vật trong vụ án này có giá hơn 2,3 tỷ đồng nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự dựa trên định lượng này. KSV cho rằng do tỉnh Quảng Ninh không có bảng giá tính thuế trước bạ xe ô tô nên Hội đồng định giá phải căn cứ vào Bảng giá do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành để đưa ra mức giá trên.

Cho rằng cách định giá trên là sai lầm nghiêm trọng, LS Thành biết, theo quy định thì việc định giá phải căn cứ vào “giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm” và “giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm”. 

Như vậy, một vụ án xảy ra ở Quảng Ninh năm 2012 thì không thể áp theo giá xe năm 2015 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là chưa kể bảng giá trên chỉ áp dụng cho loại xe “có giấy tờ hợp pháp”, còn giá xe ô tô Land Rover “không giấy tờ” mua bán, giao dịch trên thị trường là bao nhiêu thì vẫn chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh làm rõ.

Không vay nhưng phải trả?

Phần tranh luận của mình, LS Đinh Thị Phượng (Quảng Ninh) vẫn tiếp tục khẳng định “A Sáng chỉ là nhân vật hư cấu” và không thể quy kết Hùng đồng phạm “buôn lậu” với nhân vật hư cấu này được. Trong vụ án này, CQĐT đã có vi phạm nghiêm trọng khi bắt giữ Hùng mà chưa có lệnh, chưa có quyết định khởi tố và Điều tra viên (ĐTV) đã ép Hùng phải ghi thêm “tôi có dùng xe ô tô có nguồn gốc nhập lậu bất hợp pháp để vay tiền của anh Kiên (chủ hiệu cầm đồ- PV)”. Việc làm này của ĐTV là nhằm “gán tội” cho Hùng và bắt Hùng phải chịu trách nhiệm về số tiền 1 tỷ 550 triệu đồng do anh Nguyễn Ánh Dương nhận của anh Kiên.

Hơn nữa, giấy nhận tiền không có tên Hùng, không có nội dung đặt xe và anh Kiên không có chứng cứ nào thể hiện Hùng gọi điện để cầm xe. Mặc khác, ngay tại phiên tòa, anh Kiên đã khẳng định rõ mình không hề cầm cố xe vì “nếu cầm cố thì đã ghi vào giấy” và “xe là do Hùng để đấy”. Vì vậy, không thể buộc Hùng phải trả 1 tỷ 550 triệu đồng cho anh Kiên như quan điểm của KSV. Còn nếu KSV cho rằng Hùng cầm cố xe cho anh Kiên thì đề nghị làm rõ sai phạm của anh Kiên khi nhận cầm cố xe không giấy tờ.

“Bênh” chủ hiệu cầm đồ là “không sai”, KSV thay đổi quan điểm so với Cáo trạng và cho rằng “anh Kiên không nhận cầm cố tài sản mà chỉ cho Hùng vay 1 tỷ 550 triệu đồng” và “theo quy định tại BLDS về hợp đồng vay tài sản thì bị cáo Hùng phải trả anh Kiên số tiền này”. 

Với quan điểm này, LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc) khẳng định, theo quy định về hợp đồng vay tài sản thì anh Nguyễn Ánh Dương là người vay chứ không phải bị cáo Hùng. Trong giấy vay tiền, anh Dương ghi rõ “tôi xin hứa sẽ thanh toán tiền lãi và tiền gốc theo đúng thỏa thuận” thì không thể nói Hùng là người vay tiền và buộc bị cáo này phải trả tiền thay cho anh Dương.

Nói lời nói sau cùng, bị cáo Hùng vẫn khẳng định mình không có tội và đề nghị HĐXX xem xét. Dự kiến ngày 28/2 tới đây, HĐXX sẽ tuyên án. 

Đọc thêm