Tập đoàn Hà Đô bị tố chiếm đoạt 2 nhà trẻ

(PLVN) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP HCM giải quyết dứt điểm vụ tranh cãi quyền sở hữu 2 nhà trẻ và số tiền lãi quỹ bảo trì giữa cư dân chung cư Hà Đô - Nguyễn Văn Công và Cty CP Tập đoàn Hà Đô - Chi nhánh miền Nam. 
Một nhà trẻ tại chung cư Hà Đô
Một nhà trẻ tại chung cư Hà Đô

Trước đó, ngày 14/1/2020, Ban Quản trị nhà chung cư Hà Đô - Nguyễn Văn Công (BQT) có văn bản đề nghị chủ đầu tư (CĐT) dự án là Cty Hà Đô sớm chuyển trả số tiền lãi Quỹ bảo trì 1,76 tỷ đồng cho BQT theo đúng Luật Nhà ở; đồng thời đề nghị bàn giao 2 nhà trẻ cho BQT để cư dân tòa nhà được sử dụng và sửa chữa hàng loạt hư hỏng do bị xuống cấp. 

Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi, Hà Đô cho rằng việc quản lý kinh phí bảo trì, chủ đầu tư đã quản lý và đã chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả tiền lãi đúng quy định sang tài khoản BQT ngay sau khi có quyết định công nhận BQT của cơ quan có thẩm quyền. Còn với đề nghị yêu cầu bàn giao 2 nhà trẻ là không đúng quy định, 2 nhà trẻ này thuộc quyền sở hữu riêng của CĐT. 

Trong khi đó người dân khẳng định, đến thời điểm hiện tại, CĐT vẫn không có chứng cứ chứng minh quyền sở hữu 2 nhà trẻ như sổ đỏ hay các giấy tờ khác. 

Hà Đô “phản pháo”: Căn cứ pháp lý để xác định quyền sở hữu 2 nhà trẻ là sở hữu riêng của CĐT là dựa vào Văn bản chấp thuận đầu tư dự án số 431 ngày 29/5/2012 và Giấy phép xây dựng số 97 ngày 12/9/2013 cơ quan chức năng của TP HCM đã cấp, phê duyệt cho CĐT. “GCN phần sở hữu riêng sẽ được CĐT thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước cấp xong GCN cho các chủ căn hộ”, Hà Đô trả lời cư dân. 

Trong văn bản khiếu nại gửi tới nhiều cơ quan của TP HCM và TW, BQT chung cư Hà Đô tiếp tục khẳng định 2 nhà trẻ tại đây thuộc quyền sở hữu chung của cư dân tòa nhà chứ không phải thuộc quyền sở hữu của CĐT như Hà Đô đưa ra. Lý lẽ cư dân đưa ra như sau: 

Thứ nhất, Hà Đô đã đóng tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án gồm tất cả các hạng mục nhà trẻ, căn thương mại là 114 tỷ. Hà Đô đã lấy 114 tỷ này chia cho diện tích các căn hộ từ CT1 đến CT5, bắt cư dân các căn hộ này gánh toàn bộ tiền sử dụng đất cho các căn hộ thương mại và nhà trẻ. 

Thứ hai, từ khi thành lập BQT vào tháng 8/2018 đến nay, đã nhiều lần BQT yêu cầu Hà Đô bàn giao 2 nhà trẻ cho cư dân, nhưng CĐT không bàn giao và cũng không đưa ra được bất cứ hồ sơ/tài liệu nào chứng minh là chủ sở hữu. 

Thứ ba, Hà Đô đã phân bổ chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích của 2 nhà trẻ (1 nhà trẻ tại lô A có diện tích 300m2 và 1 nhà trẻ tại tại lô E có diện 306,1m2) vào giá bán căn hộ. Theo quyết toán được duyệt, chi phí đầu tư xây dựng là 406 tỷ đồng cho toàn bộ diện tích căn hộ là 38.511m2, bao gồm 601m2 của 2 nhà trẻ. Từ các cơ sở này, BQT đề nghị Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Xây dựng thanh tra làm rõ 2 nhà trẻ này thuộc quyền sở hữu của nhà chung cư hay của CĐT? 

Liên quan tới số tiền lãi quỹ bảo trì là 1,76 tỷ, theo BQT, lúc bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân, Hà Đô chỉ bàn giao số tiền gốc 10,8 tỷ và số tiền lãi là 147 triệu. Sau đó phát hiện thiếu, BQT đã gửi 2 công văn yêu cầu Hà Đô trả đủ tiền lãi Quỹ bảo trì theo lãi suất tiền gửi có kỳ hạn chứ không trả tiền lãi theo lãi suất không kỳ hạn mà Hà Đô đã thực hiện. Theo BQT, việc trả tiền lãi của Hà Đô là trái với Điều 20 Quyết định số 08 ngày 28/5/2005 của Bộ Xây dựng. Đại diện cư dân cũng yêu cầu Thanh tra làm rõ việc bàn giao quỹ bảo trì không đúng quy định của CĐT và có biện pháp giúp người dân lấy lại số tiền này.  

Được biết, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp này thuộc về UBND TP HCM. Bộ Xây dựng đề nghị địa phương này sớm chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền nếu phát hiện vi phạm của CĐT. 

Đọc thêm