Taxi ngoại tỉnh tràn vào Hà Nội khó xử lý vì “lỗ hổng” cơ chế quản lý

(PLO) - Trên địa bàn TP Hà Nội, nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân đặc biệt tăng cao. Nắm bắt được xu thế này, không ít các hãng taxi ngoại tỉnh đã tìm cách “lách luật” để hoạt động ở Hà Nội. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những hoạt động sai phép này đã gây ra sự lộn xộn trong “bức tranh” giao thông thủ đô nhưng chế tài cũng như biện pháp xử lý đối với lượng xe taxi này dường như lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Nhiều chiêu trò “qua mặt” cơ quan chức năng

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tại Hà Nội có gần 2 vạn xe taxi hoạt động trên địa bàn và được cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”. Thế nhưng, thông tin gần 3.000 xe taxi đăng ký phù hiệu tại các tỉnh, thành phố lân cận đang có xu hướng dồn về Thủ đô hoạt động đã gây không ít lo ngại trong dư luận.

Cần phải khẳng định, theo kế hoạch, các cơ quan chức năng có chủ trương không cho phép doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thủ đô gia tăng đầu xe taxi. Và dĩ nhiên, việc taxi từ tỉnh ngoài ùn ùn về hoạt động, khiến giao thông bị xáo trộn là trái quy định và cần phải chấn chỉnh, xử lý. 

Minh chứng cho việc taxi ngoại tỉnh đang gây “nhiễu” giao thông, người viết đã khảo sát một vòng quanh khu vực các “điểm đen” về ùn tắc như: Bệnh viện Bạch Mai, Phụ sản, Xanh Pôn… có thể thấy rõ, không ít hãng taxi ngoại tỉnh vẫn đang hoạt động gần như 100% tại Hà Nội. Ở những khu vực này, một điểm trực quan dễ nhận ra taxi ngoại tỉnh hoạt động là trên kính lái phía trước, các xe có phù hiệu do Sở GTVT Hà Nội cấp sẽ dán biển “Taxi Hà Nội” màu xanh, còn xe có phù hiệu do các tỉnh, thành phố khác có biển dán chữ “Xe taxi” các màu khác nhau.

Tương tự, tại Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát… chỉ chưa đầy 1 giờ, bất kỳ ai cũng dễ dàng chứng kiến hàng chục xe taxi mang phù hiệu ngoại tỉnh vào đón trả khách.

Thực tế, tình trạng taxi nói chung hiện nay trên địa bàn thủ đô hoạt động có phần bát nháo bởi hiện tượng “cho thuê tên” (các hãng chỉ có tên thương hiệu, giao xe và phó mặc cho lái xe, không quản lý lái xe – PV) diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, không ít đơn vị “lách luật” bằng cách thức tinh vi hơn như “mở chi nhánh” trên địa bàn thành phố để hợp pháp hóa địa bàn hoạt động, đã diễn ra âm ỉ suốt nhiều năm mà không vấp phải bất kỳ khó khăn nào.

Cần có sự phối hợp đồng bộ

Cần phải khẳng định, các xe taxi ngoại tỉnh hoạt động trên địa bàn Thủ đô đa phần đều không chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị giám sát nên những xe này thường dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, lợi dụng tăng giá cước, bắt chẹt hành khách… Điển hình như vụ taxi Sông Hồng có phù hiệu tỉnh Bắc Ninh hành hung khách Hàn Quốc…

Tuy nhiên, có một thực tế là taxi ngoại tỉnh hoạt động ở Hà Nội không phải bây giờ mới có. Nói cách khác, hệ thống vận tải “chui” này đã âm ỉ diễn ra từ 5-6 năm nay. Và hành động quyết liệt trong xử lý xe ngoại tỉnh của các Ban, Ngành gần đây khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải và tài xế taxi gặp khó. Tài xế Long, đơn vị taxi Quê Lụa bộc bạch: “Chúng tôi hoạt động chủ yếu phục vụ theo nhu cầu của khách. Họ yêu cầu đến địa bàn nào thì chúng tôi đưa đến điểm đó. Thế nên, việc hạn chế xe taxi ngoại tỉnh đưa khách, hoạt động ở Hà Nội sẽ khiến cánh tài xế ít nhiều gặp khó khăn”. 

Trên khía cạnh quản lý, xử lý vi phạm, một cán bộ CSGT khu vực bến xe Giáp Bát cho biết, hiện chưa có quy định nào về vùng hoạt động của taxi hay nói cách khác chưa có quy định nào về việc xe tỉnh nào chỉ được kinh doanh ở tỉnh đó. Thế nên, dù mỗi ngày lực lượng CSGT xử lý hàng chục xe taxi, nhưng đa phần chỉ dừng lại ở các lỗi như lấn làn, dừng đỗ sai quy định, vượt đèn đỏ…

Quả thực, nếu căn cứ vào Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10. 9.2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT thì không có quy định cụ thể phạm vi hoạt động của xe taxi. Nói cách khác, đã và đang tồn tại những “lỗ hổng” trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Và chừng nào Bộ GTVT còn chưa lấp được những “lỗ hổng” này khi đó tình trạng taxi ngoại tỉnh “tràn” vào Hà Nội vẫn còn diễn biến phức tạp. 

Để tránh tình trạng xử lý “phần ngọn” thiếu hiệu quả như hiện nay, nên chăng các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền cho các đơn vị vận tải thực hiện đúng theo các quy định pháp luật. Mặt khác, tiếp tục nghiên cứu những quy định mới để lấp “lỗ hổng” trong việc quản lý, cấp phù hiệu taxi… có như vậy, tình trạng lộn xộn từ taxi ngoại tỉnh mới được xử lý tận gốc.

Theo Đề án taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi của thành phố là 20.000 xe; đến năm 2020 sẽ phát triển số lượng 25.000 xe. Đến thời điểm hiện tại, số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội là 19.265 xe, thuộc quản lý của 77 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, nằm trong phạm vi cho phép của Đề án taxi được duyệt. Việc phương tiện taxi ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội một mặt gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước, gây mất trật tự an toàn giao thông, mặt khác đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố. 

Đọc thêm