Thay đổi gì và thay đổi thế nào?

(PLO) - Trước những bất cập trên, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ phải loại bỏ hình ảnh, nội dung có định kiến giới.
Nghề nghiệp của các nhân vật trong SGK không có sự cân bằng giữa nam và nữ.
Nghề nghiệp của các nhân vật trong SGK không có sự cân bằng giữa nam và nữ.

Có quan điểm lo ngại rằng, với chương trình phổ thông mới, sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân viết các bộ sách chứ không chỉ riêng Bộ GD-ĐT nên vấn đề bình đẳng giới còn phụ thuộc vào những người viết sách. Được biết, Bộ GDĐT cùng UNESCO vừa nghiệm thu bộ tài liệu bao gồm đầy đủ kiến thức về giới để cung cấp cho đội ngũ biên soạn. “Tài liệu sẽ được tập huấn cho tất cả người tham gia viết sách, nếu cần thiết thì coi như tài liệu quan trọng để mỗi người soi vào, từ đó loại các yếu tố bất bình đẳng giới ra khỏi SGK mới”- theo ông Trần Kim Tự. 

Hình ảnh phụ nữ sẽ hoạt bát, tự tin hơn. Hình minh họa sẽ tránh lời nói chỉ dẫn của nam, phục tùng là nữ, tránh phân biệt giới khi sử dụng từ ngữ như trụ cột, cháu đích tôn, phái mạnh để mặc định cho nam giới và các hoạt động nhẹ nhàng, làm việc nhà… để mặc định cho nữ giới, nhấn mạnh vai trò phụ nữ làm kinh tế... là những dự định của ngành Giáo dục để khắc phục hạn chế về bất bình đẳng giới trong SGK hiện nay.

Còn về vấn đề giáo dục giới tính trong SGK, theo TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội: “Rất nhiều năm rồi, kể từ năm 1990, khi Bộ GD-ĐT triển khai nội dung này trong chương trình giáo dục vị thành niên, cho đến bây giờ, giáo dục giới tính vẫn là câu chuyện “treo”. Năm nào cũng vậy phụ huynh, học sinh rất bức xúc vì họ muốn có kiến thức và kỹ năng về điều này nhưng chưa đạt được kỳ vọng”.  Theo bà Hồng, việc lồng ghép yếu tố giới rất cần sự linh hoạt, uyển chuyển trong SGK và chương trình. Ở tất cả các môn học đều có thể lồng ghép điều này, vấn đề mấu chốt là ở nhận thức của người xây dựng chương trình, biên tập SGK.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông khẳng định nội dung giáo dục giới tính, đặc biệt các chuyện nhạy cảm, tế nhị, sẽ được đề cập từ SGK lớp 4. “Đây cũng là điều cân nhắc và làm kỹ bởi cần được sự ủng hộ của các tổ chức và sự thống nhất tư tưởng của chính cha mẹ, tránh hiểu nhầm là “vẽ đường cho hươu chạy” - GS Thuyết nhấn mạnh.

Thế mới thấy rằng, chương trình - SGK là trách nhiệm của ngành Giáo dục, nhưng không có nghĩa là bỏ mặc ngành Giáo dục muốn làm gì thì làm mà cần thiết phải có sự quan tâm, chung tay và thậm chí là thấu hiểu của xã hội. Được thế mới mong con em chúng ta sẽ có một chương trình, SGK hoàn chỉnh, tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới, giáo dục giới nói riêng và rất nhiều vấn đề khác nói chung.

Đọc thêm