Thi hoa hậu: Khi tên gọi không đi cùng chất lượng!

(PLO) - … Thì sẽ có tình trạng các cuộc thi hoa hậu lùm xùm và “bôi bác” mà điển hình là cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 tổ chức tại Phú Yên hoặc thi hoa hậu để kiếm giải sau đó lợi dụng danh tiếng để bán dâm như vụ đường dây người mẫu, hoa hậu bán dâm vừa bị phát hiện mới đây. 
Các đại biểu cùng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, người đẹp chụp hình lưu niệm
Các đại biểu cùng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN, người đẹp chụp hình lưu niệm

Quay lại với cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 do Công ty Cổ phần Tổ chức sự kiện và Du lịch Gala Việt tổ chức, mặc dù là một cuộc thi mang quy mô quốc tế và có tên gọi hoành tráng như thế, nhưng từ lúc bắt đầu tổ chức cho đến lúc kết thúc, đã có không biết bao nhiêu “sạn”: tổ chức thiếu khoa học, nhiều sai sót, hồ sơ thí sinh hết sức lộn xộn, có người hồ sơ không đạt vẫn được vào chung kết, thậm chí, 27 thí sinh dự thi phải bổ sung hồ sơ gấp sát thời điểm diễn ra đêm chung kết.

Trong đêm chung kết được phát sóng trên truyền hình, khán giả và những quan khách tham dự ngán ngẩm vì khâu phiên dịch quá tệ. Chưa hết, lùm xùm lớn tại cuộc thi hoa hậu này là vấn đề tài chính, khi chi phí phát sinh đến 4 tỉ đồng so với số tiền được tài trợ. Phát sinh này được đơn vị tổ chức giải thích rất quanh co, như là số lượng nhân sự phải hỗ trợ thí sinh quá lớn (400 người hỗ trợ cho 27 thí sinh), giá cả Phú Yên quá đắt đỏ (hơn cả TP HCM và Hà Nội)… Những giải thích này khiến không chỉ người dân Phú Yên mà hầu hết khán giả khắp nơi đều bức xúc, khó hiểu. Có thể nói, đó là một cuộc thi nhan sắc quốc tế được tổ chức ở tầm “vườn nhà” và thất bại toàn tập.

Mỗi năm, có đến hàng trăm bộ hồ sơ xin cấp phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc đủ kiểu ở Việt Nam, từ tầm khu vực, quốc gia, đến cả… quốc tế, khiến người dân thậm chí không nhớ nổi, không thể phân biệt được các hoa khôi, hoa hậu hiện nay xuất phát từ cuộc thi nào. Đáng nói là hầu hết trong số này đều được ban tổ chức chọn những cái tên thật kêu, thật to, đưa ra nhiều tiêu chí lựa chọn người đẹp rất hay ho, nhưng đến phần thực hiện thì… trớt quớt. 

Thực tế, việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc hiện nay chính là “cuộc chơi” của những người làm tổ chức sự kiện nhằm tìm kiếm lợi nhuận, dẫn đến việc “vẽ” ra các cuộc thi với những cái tên và tiêu chí rất “kêu” nhằm kêu gọi tài trợ. Một đối tượng được các đơn vị tổ chức rất hay hướng đến, đó là các doanh nhân có tài chính tốt. Vì thế, trong những năm gần đây, các cuộc thi liên quan đến nhan sắc doanh nhân nữ liên tục được tổ chức. Có cuộc thi chất lượng ổn, nhưng cũng có không ít cuộc thi dựng lên chỉ để… trao danh hiệu. 

Ví dụ như vụ lùm xùm liên quan đến cuộc thi Duyên dáng Doanh nhân Việt tổ chức hồi đầu năm 2017. Tên thì hay nhưng tổ chức lôm côm, cuộc thi này cũng đạt luôn kỉ lục cuộc thi có nhiều danh hiệu được trao nhất, trao đến 33 danh hiệu cho tổng số 50 thí sinh trong đêm chung kết, và còn phải giải trình nhiều vi phạm khác. Tháng 7/2017 vừa qua, một cuộc thi nhan sắc doanh nhân mang tên Hoa khôi Doanh nhân 2017 đã bị ngừng cấp phép vì không đạt chuẩn, cho dù đã thông báo tuyển thí sinh rầm rộ.

“Loạn danh hiệu” trong các cuộc thi nhan sắc đã diễn ra trong vài năm gần đây, tiêu cực nhiều, tai tiếng không ít, thế nhưng, cho đến nay, động thái của cơ quan quản lý vẫn vẫn còn rất “giơ cao đánh khẽ”, chưa thực sự quyết liệt để thị trường thi nhan sắc giảm lượng, nâng chất, thuyết phục người xem.

Đọc thêm