'Thử làm quý tộc' thú chơi thiêu đốt túi tiền

(PLO) - Xuất phát từ những bộ phim có nhiều hình ảnh liên quan đến bộ thìa, dĩa mạ vàng, nạm ngọc lung linh trong bữa ăn của các quý tộc, không ít bà nội trợ sẵn sàng chi số tiền lớn cho thú chơi “thử làm quý tộc” trong chính ngôi nhà của mình.
Cận cảnh bộ thìa, dao, dĩa đầy đủ, thậm chí cả “chuông” gọi giúp việc là bộ được nhiều người yêu chuộng nhất.
Cận cảnh bộ thìa, dao, dĩa đầy đủ, thậm chí cả “chuông” gọi giúp việc là bộ được nhiều người yêu chuộng nhất.

Bắt chước phong cách

Chị Vũ Trà My (Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) một tín đồ của điện ảnh Mỹ thập niên 70 cho biết, những bộ phim Hàn thời điểm đó thường xuất hiện hình tượng bộ thìa, dĩa chạm trổ tinh tế cùng cung cách sang trọng như cuộc sống của giới siêu giàu nên chị mê mẩn và bị thu hút. Đó là lí do vì sao chị Trà My biết đến thú chơi thìa dĩa mạ vàng, nạm ngọc.

Ngoài ra, cũng có một số người biết đến bộ thìa, dĩa “quý tộc” bởi họ là tín đồ hàng Nhật. Bởi thìa dĩa Nhật xưa nay nổi tiếng đẹp và tinh tế không khác gì đồ Châu Âu, nó mang lại cho người sử dụng cảm giác “đẳng cấp”. 

Theo lời chị Tô Hương ( Hồng Mai – Hai Bà Trưng- Hà Nội) chia sẻ, một lí do để các bà nội trợ thi nhau mua bộ thìa dĩa “quý tộc” là bởi trẻ con thực sự rất thích thú với dụng cụ ăn uống đẹp mặt, nếu bài trí theo phong cách ăn công chúa, hoàng tử thì trẻ sẽ hào hứng trước bữa cơm. “Trẻ thậm chí ăn nhiều đồ ăn hơn so với bình thường, không biết bao giờ thì chúng chán kiểu này, nhưng ít ra trước mắt là gia đình không phải lo nghĩ chuyện các con kén ăn” – chị Hương quả quyết. 

Website được nhiều bà nội trợ tin tưởng có rất nhiều mẫu mã bộ thìa dĩa nạm vàng chạm ngọc.

Website được nhiều bà nội trợ tin tưởng có rất nhiều mẫu mã bộ thìa dĩa nạm vàng chạm ngọc.

Đồ “chảnh” nên giá cũng sang

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, không phải bà nội trợ nào cũng có thể đặt mua những bộ thìa, dĩa nạm vàng chạm ngọc như thế, bởi giá tiền dành cho phong cách “quý tộc” cũng khá là mặn mà. Theo đó, những chiếc thìa, dĩa làm bằng inox khá nặng, chắc chắn, lớp mạ vàng không dễ bong, phía sau thân cán in mờ dòng chữ “made in Japan”. 

Giá trung bình một chiếc thìa, dao, dĩa mạ vàng là 110.000 đồng, nếu mạ bạc và chạm khắc khoảng 70.000 - 80.000 đồng/chiếc. Không chỉ đơn giản là thìa dĩa, các chị em còn khéo tìm được những chiếc xẻng làm bánh, dao cắt bơ, hay thậm chí cả “chuông” gọi giúp việc như trong phim, với giá gần 300.000 đồng/món.

Nhưng không phải muốn mua là có, cũng không thể dễ dàng tìm được sản phẩm ưng ý ở các siêu thị Hàn – Nhật ở địa bàn Hà Nội. Phần lớn, các bà nội trợ đều lựa chọn phương án đặt mua ở trên các website uy tín của Nhật Bản, Thái Lan bởi ở đó xuất hiện những sản phẩm có giá lên đến vài nghìn đô. Ngoài ra, các địa chỉ này cung cấp đầy đủ các mẫu mã và giá tiền cụ thể rất tiện lợi cho mọi người lựa chọn.

Theo chủ shop bán đồ gốm Nhật ở đường Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội), để bắt kịp xu hướng thích cảm giác độc lạ, mới mẻ, thậm chí sang chảnh quý tộc, anh đã nhập thử loại này về bán, mức giá khá cao nhưng vẫn rất nhiều người hỏi mua. Theo đó, những bộ thìa, dĩa, dao inox được chạm trổ tinh xảo, chất lượng không kém đồ cao cấp mà giá cũng trên dưới 100.000 đồng/món.

Tuy nhiên, có một thực tế là, không phải bất kỳ ai bỏ nhiều tiền ra mua cũng đều hài lòng với sản phẩm của mình. Chị Vũ Trà My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc kể: “Mình đặt mua một bộ thìa đĩa để tặng sếp, nhưng khi vận chuyển về thì xuất hiện nhiều vết xước và sản phẩm mất đi độ bóng sáng nên lại không thể mang đi tặng được”.

Đồng thời, chị cũng khuyến cáo các bà nội trợ nên lựa chọn đặt ở các website có uy tín và đừng vì “sốt” mà mua với số lượng lớn. Bởi những bộ thìa dĩa như vậy chỉ thích hợp ăn trong gia đình với nhau. Còn nếu có khách thì việc sử dụng bộ “quý tộc” chưa chắc đã phù hợp vì đấy không phải là phong cách thưởng thức món ăn của người Việt.

Đọc thêm