Thu phí vào ga hàng không: Thanh tra Chính Phủ nói “không đúng luật” nhưng Bộ Giao thông vẫn quyết “bảo lưu”

(PLO) -Sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào các nhà ga hàng không trên toàn quốc, trong đó có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, trong thông cáo phát đi ngày 24/1 Bộ này đã “bác” đề nghị trên của Cục Hàng không với lý do chưa đủ cơ sở chấp nhận.

 

Thu phí vào ga hàng không: Thanh tra Chính Phủ nói “không đúng luật” nhưng Bộ Giao thông vẫn quyết “bảo lưu”

Hàng loạt sai phạm gây thiệt hại khách hàng

Ngày 5/1/2018, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận số 27/TB-TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại ACV trong giai đoạn 2012 – 2016. Trong đó, chỉ rõ đối với việc các chi nhánh cảng hàng không thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất.

Việc thu không đúng quy định Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.

Theo đó, hiện có tới 21/22 cảng do ACV quản lý đang thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 – 1.650.000 đồng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước. TTCP nhận định, ngoài trách nhiệm chính thuộc về ACV, nếu các cơ quan liên quan như Cảng vụ hàng không, Cục Hàng không Việt Nam không buông lỏng quản lý; tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời… thì đơn vị quản lý sân bay sẽ không thể có hành động vi phạm như vậy.

Khoảng 2 tuần sau, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào các nhà ga hàng không trên toàn quốc, trong đó có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. 

Văn bản nêu, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không đang được quản lý theo quy định của Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ôtô, đưa, đón trả khách tại các sân bay không được quy định trong danh mục giá do Bộ Giao thông vận tải định giá. 

Bộ Giao thông “bảo vệ” việc thu phí 

Trước đề nghị trên, lãnh đạo ACV cho biết, nếu Bộ Giao thông vận tải đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không thì ACV sẽ ngay lập tức dừng thu. 

Theo lãnh đạo ACV, việc thu giá đường dẫn được thực hiện từ năm 2000 theo quyết định của Cục Hàng không. Cùng với đó, theo Luật Hàng không dân dụng, các khu đất giao không thu tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp cảng thực hiện đầu tư, xây dựng thì vẫn được thực hiện thu giá dịch vụ (như tài sản khu bay bao gồm đường hạ/cất cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay).

Trong giai đoạn 2012 - 2016, ACV đã chi hơn 1.770 tỷ đồng cho đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng và chi phí khai thác tất cả các đường ra vào tại 22 sân bay trong cả nước bằng nguồn vốn của Tổng công ty. Lãnh đạo ACV cho hay, nguồn thu từ việc thu giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư. 

Trong thông cáo ngày 24/1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính họp bàn phương án xử lý việc thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với ACV rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định mục đích sử dụng đối với từng loại đất (đất thương mại, đất công cộng) trong khu vực cảng hàng không, từ đó làm rõ nghĩa vụ của ACV đối với Nhà nước. 

“Nếu ACV sử dụng đất với mục đích kinh doanh thì phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/2” - thông cáo của Bộ nêu rõ.

Đối với việc ACV đang thu phí sử dụng đường dẫn vào cảng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã nêu lý do để đơn vị này tiếp tục được thu phí. Cụ thể, theo Bộ Giao thông vận tải, đây là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý hệ thống 21 cảng hàng không trên cả nước, được Bộ Giao thông vận tải giao thực hiện đầu tư và quản lý khai thác các hạng mục chính trong kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay như đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách... 

Không những thế, ACV còn được giao đầu tư hệ thống đường tầng, đường giao thông nội cảng, sân đỗ ô tô để kết nối giữa vận tải công cộng và vận tải hàng không, đảm bảo việc khai thác đồng bộ hạ tầng cảng hàng không, sân bay. 

“Việc ACV thu giá dịch vụ là cần thiết để bù đắp nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không” – thông cáo Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Để quản lý chặt chẽ hơn đối với việc cung cấp dịch vụ và thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất bổ sung dịch vụ này vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu tại cảng hàng không. Đối với kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không, từ phân tích trên, Bộ Giao thông vận tải thấy rằng chưa đủ cơ sở để yêu cầu ACV thực hiện.

Đọc thêm