Tiền Giang: Doanh nghiệp điêu đứng vì bị hình sự hóa quan hệ dân sự

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chuyển đơn đơn khiếu nại của ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chiến biến nông sản Cát Tường đến Bộ Công an, đề nghị giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp về vụ việc Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án hình sự liên quan đến công ty này, có dấu hiệu hình sự hóa tranh chấp dân sự.
Tiền Giang: Doanh nghiệp điêu đứng vì bị hình sự hóa quan hệ dân sự

Hợp đồng lớn, ký chưa "ráo mực" đã tranh chấp

Ngày 24/4/2019, công ty TNHH sản xuất và chế biến nông sản Cát Tường do ông Trần Văn Sang là đại diện và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh do ông Nguyễn Hồng Chương là đại diện đã ký kết hợp đồng hợp tác liên doanh thành lập nhà máy chế biến nông sản, trái cây xuất khẩu tại hai tỉnh Bình Thuận và Tiền Giang.

Theo Hợp đồng, Công ty Cát Tường góp 3 triệu hom giống thanh long vỏ vàng tai xanh có giá trị 610 tỷ đồng cùng kỹ thuật trồng, chăm sóc; Công ty Hồng Lĩnh cung cấp quỹ đất và cơ sở hạ tầng trên đất xây dựng trang trại tại Bình Thuận.

Cũng tại bản hợp đồng này, Công ty Hồng Lĩnh phải trả cho Công ty Cát Tường 150 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản mà công ty Cát Tường đã đầu tư trong thời hạn 90 ngày. Theo điều kiện đó, số vốn góp của Công ty Cát Tường trong công ty liên doanh mà 2 doanh nghiệp này cùng góp vốn thành lập sẽ là 510 tỷ đồng trong tổng số vốn góp là 1.700 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ. Số vốn điều lệ còn lại do Công ty Hồng Lĩnh nắm giữ.

Hom giống Thanh Long (ảnh minh họa)
 Hom giống Thanh Long (ảnh minh họa)

Sau khi thống nhất, công ty Hồng Lĩnh tiến hành 3 lần chuyển tiền với tổng số tiền 90 tỷ đồng cho công ty Cát Tường.

Ngày 27/5/2019, hai bên đã tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp liên doanh Hồng Lĩnh – Cát Tường có trụ sở tại số 212 quốc lộ 50, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên chỉ sau 9 tháng hợp tác, hai doanh nghiệp đã phát sinh mâu thuẫn.

Nguyên nhân được cho rằng, khi công ty Cát Tường tiến hành giao giống thanh long đợt 1 với số lượng 84.300 hom giống đế khu vực hồ cà Dây, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, thì phía công ty Hồng Lĩnh không tiếp nhận, cho rằng hom giống là phế phẩm, không đủ điều kiện xuống giống.

Theo đại diện Công ty Cát Tường, đây là lý do không chính đáng vì Công ty Cát Tường là một trong những đơn vị có vùng nguyên liệu lớn tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, thực hiện liên kết chuỗi giá trị nông sản với nông dân từ trồng trọt, chăm sóc, bao tiêu ra thị trường nước ngoài theo tiêu chuẩn Global GAP từ nhiều năm qua.

Công ty Cát Tường cho biết, lý do của việc không nhận cây giống này là do một phần quỹ đất của Công ty Hồng Lĩnh sử dụng để thực hiện hợp tác là đất mua bán trái phép cấp của đồng bào dân tộc thiểu số và đã bị  UBND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã ra văn bản thu hồi đất vào tháng 10/2019.

Doanh nghiệp và nông dân điêu đứng vì tranh chấp bị "hình sự hóa" 

Khi tranh chấp xảy ra, ông Nguyễn Hồng Chương đã có đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Tiền Giang với nội dung cáo buộc ông Đoàn Văn Sang và ông Trần Văn Sang lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 90 tỷ đồng mà ông Nguyễn Hồng Chương đã chuyển theo thỏa thuận mà hai bên đã ký.

Sau khi nhận đơn tố cáo, Công an tỉnh Tiền Giang đã thực hiện các biện pháp hạn chế quyền tự do của ông Đoàn Văn Sang và ông Trần Văn Sang và khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác nêu trên.

Ngày 15/5/2020, cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quyết định số 25/CSKT với công ty Cát Tường, đồng thời, gửi thông báo 1226/CSKT tới Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang. Trước đó, từ ngày 26/2/2020, ông Đoàn Văn Sang – Giám đốc và ông Trần Văn Sang – Tổng giám đốc Công ty Cát Tường đã bị tạm hoãn xuất nhập cảnh để phục vụ điều tra vụ án này.

Việc Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án này đã đặt doanh nghiệp vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc do lãnh đạo Công ty không còn tâm trí cho việc đầu tư kinh doanh. Cùng với sự hoành hành của đại dịch Covid 19, vụ việc khởi tố vụ án khiến cho doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản.

Không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà vụ việc này còn ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất của người dân. Theo đại diện Công ty Cát Tường cho biết, các hoạt động thu mua, sản xuất, chế biến với các hộ dân và hợp tác xã liên kết trồng trái cây xuất khẩu tại các tỉnh Tiền Giang, Long An không thể thực hiện, người lao động mất việc làm, nông dân thất thu.

Doanh nghiệp bị khởi tố, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nông dân sé gánh thiệt hại
 Doanh nghiệp bị khởi tố, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nông dân sé gánh thiệt hại

Năm 2019, giá thu mua thanh long tại Long An là 7.000đ/kg thì năm nay, mức giá  đã rớt thảm hại, thậm chí chưa bằng 1/10 giá bán cùng thời điểm. Tại huyện Chợ Gạo (Long An), nhiều nông hộ đã buộc phải chặt bỏ vườn thanh long do lỗ vốn, sản phẩm không có đầu ra, tốn nhiều công chăm sóc.

Doanh nghiệp này cho biết, việc khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp hợp đồng không làm doanh nghiệp điêu đứng và tạo ra hệ lụy là khiến cho cả nông dân điêu đứng theo.

Nhận định về vụ việc, Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS TP Hà Nội cho rằng, việc giao dịch chuyển tiền xuất phát từ hợp đồng thì bản chất đây là một tranh chấp hợp đồng. Kể cả chất lượng cây giống không đúng như thỏa thuận thì bản chất vẫn là tranh chấp kinh doanh thương mại, không phải là tội lừa đảo. Do đó, việc khởi tố vụ án này có thể là vội vàng, gây hệ lụy tiêu cực cho người dân và doanh nghiệp.

“Việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng có dấu hiệu hình sự để khởi tố vụ án là dấu hiệu hình sự hóa các vấn đề tranh chấp của các doanh nghiệp; đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; làm ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp và chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm của nhiều hộ dân trồng thanh long. Vì vậy, cần phải thận trọng để vụ việc không bị đẩy đi quá xa, khó khắc phục được sai lầm”, Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm