Tiếp vụ cắt điện tại Chung cư B – 199 Nam Kì Khởi Nghĩa: Ban Quản trị và chính quyền địa phương lên tiếng

(PLO) - Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 20/4/2018 đăng bài “Bị cắt điện vô lý, dân chung cư ôm con xuống đường” phản ánh sự việc xảy tại chung cư B – 199 Nam Kì Khởi Nghĩa, Phường 3, TP. Vũng Tàu ngày 17/4. Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều hộ dân và Ban Quản trị Toà nhà đã phản ánh tới Báo Pháp luật Việt Nam nguyên nhân dẫn tới những lùm xùm này. 
Tiếp vụ cắt điện tại Chung cư B – 199 Nam Kì Khởi Nghĩa: Ban Quản trị và chính quyền địa phương lên tiếng

Trưởng Ban Quản trị: “Chúng tôi  chỉ cắt điện một hộ”!

Trao đổi với phóng viên Báo PLVN,  ông Bùi Quyết Tiến, Trưởng ban quản trị chung cư Lô B - 199 cho biết, ngày 17/4/2018 Ban quản trị chỉ cắt điện một hộ của ông Trần Đinh Ninh (căn hộ B907) chứ không phải 54 hộ như trước đó ông Bùi Thế Thọ, Đại diện Ban quản lý chung cư phản ánh tới Báo PLVN.

Về nội dung này, theo ông Tiến, do hộ ông Ninh đã nợ tiền phí dịch vụ của chung cư (bảo vệ, vệ sinh, an ninh, chăm sóc các khu vực công cộng…) nhiều tháng, tổng cộng hơn 2,5 triệu đồng. Bên cạnh hộ ông Ninh, theo thống kê của Ban quản trị, hiện còn khoảng 23 hộ dân nữa cũng nợ tiền phí dịch vụ chung cư từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng.

Ông Bùi Quyết Tiến – Trưởng ban quản trị Toà nhà đang trao đổi với PV
Ông Bùi Quyết Tiến – Trưởng ban quản trị Toà nhà đang trao đổi với PV

Theo ông Tiến, phí trên được thu hàng tháng. Hiện nay mức thu mỗi căn hộ từ 220 – 245 ngàn đồng/tháng, giảm 50 ngàn đồng/hộ so với trước khi có Ban quản trị. “Không thể sử dụng dịch vụ mà không trả tiền cho người cung cấp”, ông Tiến nói.

Trước khi cắt điện hộ nhà ông Ninh, Ban quản trị cũng đã thông báo cho điện lực Vũng Tàu và UBND phường 3, TP.Vũng Tàu (nơi có chung cư). Việc cắt điện chỉ mang tính chất nhắc nhở vì chỉ 2 ngày sau, Ban quản trị đã gọi điện lực đấu lại đường dây cho ông Ninh. Ông Tiến cũng khẳng định, đây là chung cư tái định cư chứ không phải chung cư cao cấp như báo viết.

Ông Trần Đinh Ninh, người bị cắt điện ngày 17/4 vừa qua cũng có đơn gửi Báo Pháp Luật Việt Nam. Theo ông Ninh, việc ông và nhiều hộ dân không đóng tiền phí dịch vụ vì phản đối Ban quản trị thu chi tài chính không minh bạch, trong đó có việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì 2% và phí dịch vụ hàng tháng. Ông Ninh và hàng chục hộ dân khác nhiều lần yêu cầu đối thoại với Ban quản trị để làm rõ những thắc mắc về hoạt động chi tiêu nhưng đến nay chưa được đáp ứng. Việc bị cắt điện chiều ngày 17/4 vừa qua khiến ông và khoảng 15 hộ dân bức xúc xuống văn phòng Ban quản trị phản đối.

Ông Ninh thông tin, việc này năm 2017 đã xảy ra một lần, ba hộ dân chung cư cũng bị cắt điện. “Tôi không rõ dựa vào quy định nào mà Ban quản trị tự ý cắt điện nhà tôi. Ông Tiến giải thích với tôi là dựa theo Quyết định số 50 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 22/10/2014 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tuy nhiên, theo Quyết định số 50 tôi thấy Ban quản trị và đơn vị quản lý, vận hành chung cư chỉ được quyền đề nghị cơ quan cấp điện, nước ngừng cung cấp nếu người sử dụng không đóng góp đầy đủ, đúng hạn”, ông Ninh phản ảnh.

Việc thu - chi có minh bạch?

Phản ánh tới Báo PLVN, một số hộ dân cho biết việc đứng tên đồng chủ tài khoản và chia nhỏ số tiền hơn 9,2 tỷ đồng Quỹ bảo trì chung cư của Ban quản trị mà không thông qua Hội nghị nhà chung cư là không hợp lý.

Ông Trần Đinh Ninh cho biết, theo công văn của chủ đầu tư chung cư Lô B-199 (Công ty cổ phần phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu) khi chuyển giao tiền phí bảo trì 2% cho Ban quản trị, đã yêu cầu đứng đồng chủ tài khoản phải là Trưởng và Phó ban quản trị (Ông Tiến và ông Đặng Ngọc Nam). Vậy tại sao đồng tài khoản của Ban quản trị không có tên ông Nam, thay bằng ông Nguyễn Hòa (thành viên Ban quản trị)? Việc Ban quản trị chia nhỏ số tiền phí bảo trì thành 3 sổ (5 tỷ đồng, 4 tỷ đồng và 239 triệu đồng) là không rõ ràng.

Đại diện hộ ông Trần Đinh Ninh và hộ ông Vũ Tất Hiển phản ánh tới Báo PLVN
Đại diện hộ ông Trần Đinh Ninh và hộ ông Vũ Tất Hiển phản ánh tới Báo PLVN

Về việc đồng đứng tên chủ tài khoản Quỹ bảo trì, theo ông Tiến (Trưởng ban), khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu (cuối năm 2016) thì tiền phí bảo trì chưa về. Đầu tháng 2/2017 tiền mới đến nên Ban quản trị quyết định chọn người đứng chủ tài khoản và ngân hàng theo đúng quy định.

 Liên quan đến việc chia nhỏ số tiền phí bảo trì, bà Hoàng Thị Xuân Thủy (thành viên Ban quản trị, đồng thời là kế toán) cho biết, Quỹ bảo trì chung cư hiện mở tài khoản tại Ngân hàng BIDV Vũng Tàu, ban đầu Ban quản trị gửi tiết kiệm không kỳ hạn, lãi suất thấp, sau đó thấy việc chuyển sang có tiền gửi kỳ hạn sẽ tăng được lãi suất, có lợi cho chung cư. Đồng thời, khi chia số tiền thành 3 sổ tiết kiệm (2 sổ kỳ hạn 18 tháng, một sổ 3 tháng) vừa để Ban quản trị chủ động sử dụng tiền trong việc chi bảo trì các hạng mục trong chung cư khi cần thiết và không ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi.

Liên quan đến những phản ứng của cư dân chung cư B-199 về thu chi tài chính, chúng tôi đã có trao đổi với ông Đặng Ngọc Nam, Phó ban quản trị phụ trách tài chính của chung cư. Theo ông Nam, việc không ít cư dân phản ứng thu chi không công khai, minh bạch là có cơ sở. Tiền thu phí dịch vụ hàng tháng của hơn 500 hộ dân lại không được chuyển thẳng vào tài khoản của Ban quản trị chung cư ngay mà “đi vòng” qua tài khoản cá nhân của bà Hoàng Thị Xuân Thủy (thành viên Ban quản trị đồng thời là kế toán) sau đó mới chuyển đến tài khoản Ban quản trị. Bà Thủy cũng là người thu các khoản tiền trên.  “Như vậy là sai nguyên tắc kế toán”, ông Nam nói.

Về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì 2%, ông Nam cũng cho rằng việc ông Tiến và ông Hòa đồng đứng chủ tài khoản là bất hợp lý bởi vì ông Hòa thường xuyên đi nước ngoài, vắng mặt hầu hết các buổi họp. Ông Hòa đã vắng mặt tại địa phương từ cuối năm 2017.

Là Phó ban quản trị, theo ông Nam, trong Quy chế hoạt động của Ban quản trị chung cư Lô B-199 (được ông Tiến ký ban hành ngày 01/2/1017) đã có những thay đổi so với bản Quy chế dự thảo ban đầu (cuối năm 2016). Một số quy định bắt buộc phải có trong Quy chế như: tiền phụ cấp cho các thành viên ban quản trị, Ban quản trị được quyết việc gì và mức chi tiêu tối đa của Ban quản trị là bao nhiêu… không được đặt ra. Mặt khác, trong hai kỳ tổ chức Hội nghị nhà chung cư đến nay, ông Nam vẫn “không thấy Quy chế thu chi tài chính của chung cư”. Ông Hòa dù thường xuyên vắng mặt vẫn được trả phụ cấp hàng tháng. “Đó là những điều cư dân phản ứng với Ban quản trị”, ông Nam khẳng định.

Theo ông Đặng Ngọc Nam, Phó ban quản trị phụ trách tài chính của chung cư, việc không ít cư dân phản ứng Ban Quản trị toà nhà thu chi không công khai, minh bạch là có cơ sở.
Theo ông Đặng Ngọc Nam, Phó ban quản trị phụ trách tài chính của chung cư, việc không ít cư dân phản ứng Ban Quản trị toà nhà thu chi không công khai, minh bạch là có cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Kiều, chủ căn hộ B1007 cho biết, năm 2017 Ban quản trị không thông qua cư dân mà tự tiện lắp đặt mái che dưới sân làm cản trở lối đi phòng cháy chữa cháy. Việc này nhiều hộ phản đối nhưng ông Tiến (Trưởng ban) vẫn làm. Cuối cùng, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản buộc tháo dỡ, nếu không sẽ xử phạt. Thiệt hại vụ lắp mái che lên đến 26 triệu đồng ai phải chịu?  

Ông Vũ Tất Hiển, chủ căn hộ B1017 thông tin, Ban quản trị tự ý mua các thiết bị PCCC (36 cặp loa, gần 100 bóng đèn báo cháy, 5 camera) tốn nhiều tiền nhưng không thông qua cư dân. Đến nay, ông và nhiều cư dân vẫn chưa biết số tiền phải chi mua sắm trên làm bao nhiêu? Chưa kể, các báo cáo thu chi tài chính không hề có chữ ký của Phó ban quản trị phụ trách tài chính là ông Nam.

Hướng đến hội nghị bất thường

Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thu Trang , một cư dân chung cư Lô B-199 cho biết, chung cư có xây dựng một facebook chung nhưng một số hộ dân đã dùng để chửi bới thiếu văn hóa. Nội bộ Ban quản trị có mâu thuẫn trầm trọng. Đây là điều không hay cho cư dân. Theo bà Trang, việc thu chi tài chính của Ban quản trị là minh bạch, có công khai báo cáo hàng tháng. “Tình trạng này còn kéo dài, tôi thấy cư dân nên tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường, tìm kiếm Ban quản trị mới”, bà Trang phát biểu.

Ông Phạm Trọng Khoa, Chủ tịch UBND phường 3, TP Vũng Tàu thông tin, lâu nay, phường thường xuyên nhận được đơn thư từ cư dân chung cư Lô B-199 phản ảnh về cách hành xử của Ban quản trị. Qua kiểm tra vào cuối tháng 4 vừa qua, phường thấy có 130 hộ dân còn nợ tiền phí dịch vụ. Mâu thuẫn giữa các thành viên Ban quản trị rất rõ, nên với trách nhiệm của phường sẽ đôn đốc cư dân làm thủ tục để  hội nghị nhà chung cư bất thường sớm được tổ chức.

Với chỉ 509 hộ dân đang sinh sống tại chung cư Lô B-199, đã không ít lần, một bộ phận cư dân đã viết đơn đề nghị, khiếu nại gửi các cơ quan chức năng về các hoạt động của Ban quản trị nơi đây. Tuy Ban quản trị mới được thành lập chưa đầy một năm rưỡi và chỉ có 5 thành viên (trong đó có 1 thành viên của chủ đầu tư) nhưng tình trạng không đóng phí dịch vụ hàng tháng lên cả trăm hộ, điều mà trước đây không hề có khi chung cư còn thuộc Công ty cổ phần phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu. Hầu hết trong đơn từ tập thể và cá nhân đều phản ảnh tình trạng không công khai, minh bạch tài chính, sự tùy tiện thu chi của Ban quản trị.

Trong Đơn đề nghị “yêu cầu tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bãi miễn Ban quản trị” vào giữa năm 2017, có đến gần 300 chữ ký của cư dân đang sinh sống ở đây. Nhận được đề nghị này, UBND phường đã tổ chức đi kiểm tra, rà soát lại thông tin và hỏi thăm về nguyện vọng người dân chung cư, số đồng ý tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bãi nhiệm Ban quản trị xuống còn 230 hộ (tỷ lệ 45,1%), số hộ không đồng ý là 81 và số hộ không có ý kiến hoặc ý kiến khác là 199. Từ tỷ lệ trên cho thấy, rõ ràng những phản ánh của cư dân chung cư Lô B-199 về hoạt động của Ban quản trị trong thời gian qua hoàn toàn có cơ sở. Cho dù tỷ lệ hộ dân đề nghị tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bãi nhiệm Ban quản trị chưa đạt quá bán (trên 50%) nhưng những bức xúc của cư dân cũng phải được các cơ quan chức năng, đặc biệt là phường 3 quan tâm, giải quyết. 

Trong Hội nghị nhà chung cư thường niên ngày 22/10/2017, một số hộ dân đã đề nghị lập ban kiểm soát các hoạt động tài chính của Ban quản trị. Đề nghị này dựa trên kinh nghiệm của chung cư Lô A-199 sát cạnh. Lấy lý do pháp luật không quy định nên một số thành viên Ban quản trị đã bác đề xuất này.

Một giải pháp căn cơ và lâu dài cho cư dân nơi đây không gì hơn là tổ chức bầu lại một Ban quản trị mới, có sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ từ chính quyền. Những nghi vấn, thắc mắc về thu chi tài chính, đúng hay sai cũng nên cần một cơ quan, tổ chức kiểm toán bước vào làm rõ. Có như vậy, 509 hộ dân nơi đây mới mất thời gian không cần thiết cho cộng đồng.

Đọc thêm