Tiếp vụ “Công an bị tố lạm quyền bắt giữ người đi mua đất” tại Phú Quốc: Đại úy Phạm Quốc Hưng đã ăn chia tiền đặt cọc như thế nào?

(PLVN) - Ngoài dấu hiệu của hành vi lợi dụng quyền hạn để trấn áp người mua đất, nhiều tài liệu mới đây còn cho thấy, Đại úy Phạm Quốc Hưng (công tác tại Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã tham gia ăn chia và chiếm giữ tiền đặt cọc. 

Hiện việc nhận tiền đặt cọc này vẫn bị bên mua đất tố là “lừa đảo” vì lúc đó bên bán không đứng tên chủ quyền thửa đất, tức là không có quyền nhận đặt cọc.

Bốn người chia nhau 2 tỷ đặt cọc

Như PLVN đã thông tin, ông Phạm Quý Hùng (SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đơn tố cáo Đại úy Phạm Quốc Hưng (Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, Kiên Giang) có hành vi còng tay, bắt, đánh đập và giữ ông trái phép tại trụ sở vào đêm 30 và sáng 31/10/2018, sau khi ông đến nhà bà Nguyễn Thị Hòa để đòi lại 2 tỷ đồng tiền đặt cọc mua đất. Trong vụ dùng vũ lực trấn áp người mua đất này, ông Hưng còn có dấu hiệu lợi dụng quyền hạn vì bản thân là người trực tiếp tham gia vào vụ mua bán đất trên.

Đại úy Hưng không đeo biển hiệu xuống hiện trường còng tay, dẫn giải ông Hùng về trụ sở Công an thị trấn Dương Đông tối 30/10/2018 (hình ảnh do bạn đọc cung cấp)
Đại úy Hưng không đeo biển hiệu xuống hiện trường còng tay, dẫn giải ông Hùng về trụ sở Công an thị trấn Dương Đông tối 30/10/2018 (hình ảnh do bạn đọc cung cấp)

Ngoài việc tố cáo trên, ông Hùng đã có đơn khởi kiện, đề nghị đến TAND huyện Phú Quốc hủy hợp đồng đặt cọc và buộc bà Hòa phải bồi thường do có lỗi trong vụ mua bán này. 

Trong vụ kiện này, ông Hưng được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khai báo với Tòa, ông Hưng thừa nhận mình đã cùng 3 người (bà Hòa, ông Trương Đức Cần và ông Mai Bá Thái) chia nhau hưởng số tiền 2 tỷ của ông Hùng đã đặt cọc. Lý giải về việc ăn chia này, ông Hưng cho biết 4 người đã hùn vốn mua thửa đất  số 42 (tờ bản đồ số 14, ấp 2, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) rồi bán lại cho ông Hùng (bà Hòa đại diện bên bán ký hợp đồng nhận đặt cọc). 

Trong khi đó, ông Hùng thì cho rằng phía bà Hòa, ông Hưng mới là người vi phạm Hợp đồng đặt cọc vì diện tích thửa đất không như thỏa thuận. Đặc biệt, bên bán còn có dấu hiệu gian dối vì tại thời điểm đặt cọc (và suốt thời gian dài sau đó), thửa đất vẫn đứng tên người khác, tức là bà Hòa, ông Hưng, ông Thái, ông Cần đều không được phép và cũng không đủ điều kiện để nhận đặt cọc hay ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho người khác.

Đất chưa đứng tên đã nhận đặt cọc

Tại biên bản lấy lời khai của các đương sự (ông Hưng, bà Hòa, ông Cần) của TAND huyện Phú Quốc đều thể hiện, khi bà Hòa ký hợp đồng đặt cọc với ông Hùng (20/3/2018) thì ông Hưng, bà Hòa, ông Cần, ông Thái vẫn chưa thực hiện, xong thủ tục mua đất với chủ đất - vợ chồng ông Lê Anh Tuấn. Tuy nhiên, cả 4 người vẫn thống nhất cử bà Hòa làm đại diện để ký hợp đồng, nhận 2 tỷ đặt cọc của ông Hùng.

Tuy nhiên, tại Hợp đồng đặt cọc ngày 20/3/2018, bà Hòa (đại diện bên bán) vẫn cam đoan rằng thửa đất thuộc trường hợp được chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Tại thời điểm đặt cọc và cho đến thời điểm ký hợp đồng công chứng, bên bà Hòa là  chủ sở hữu hợp pháp của lô đất giao dịch. Đất không có tranh chấp, kiện tụng và không có bất cứ giao dịch nào liên quan đến thửa đất.

Bình luận về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tại thời điểm ký kết hợp đồng đặt cọc với ông Hùng, ông Hưng, bà Hòa chưa đăng ký sang tên, chưa phải là người có quyền sử dụng đất nhưng vẫn cố tình đưa ra thông tin sai trái về việc mình chủ thửa đất nhằm lừa dối ông Hùng đưa 2 tỷ tiền đặt cọc.

Sau khi phát hiện gian dối này, ông Hùng đã đòi tiền đặt cọc nhưng phía bà Hòa, ông Hưng cố tình không trả là đã thể hiện mong muốn chiếm đoạt tiền đặt cọc. Vì vậy, vụ việc có dấu hiệu hình sự chứ không phải tranh chấp đặt cọc thông thường.

Theo Luật sư Sơn, như vậy, việc Đại úy Hưng tham gia vào việc còng tay, bắt giữ ông Hùng khi ông này đến nhà bà Hòa đòi tiền đặt cọc vào đêm 30/10/2018 là thiếu khách quan và có dấu hiệu vụ lợi cá nhân vì ông Hưng chính là người đã chiếm hưởng số tiền mà ông Hùng đang đòi.

Sau đó, ông Hùng còn bị giữ tại trụ sở Công an thị trấn Dương Đông suốt 16 tiếng mà không có quyết định tạm giữ nào. Chỉ đến trưa 31/10, sau khi bị buộc phải ký vào “biên bản vi phạm hành chính” (về hành vi gây rối trật tự) thì ông Hùng mới được cho ra ngoài. Chiều cùng ngày, ông Hùng đã phải vào Bệnh viện Đa khoa Phú Quốc để khám và điều trị do bị “đa chấn thương”.

Thế nhưng suốt nửa năm qua, dù ông Hùng đã có đơn tố cáo vi phạm của Đại úy Hưng về các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, đánh đập, bắt giữ người trái phép và lợi dụng chức vụ, quyền hạn… đến nhiều nơi nhưng vẫn chưa được xác minh làm rõ. Đoàn cán bộ của Cơ quan điều tra VKSNDTC đã về địa phương xác minh, lấy lời khai của những người liên quan và chưa có kết luận về tố cáo của ông Hùng đối với Đại úy Hưng.

Đọc thêm