Tiếp vụ hành vi kỳ lạ của nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh: đã sai, vẫn cố “xài”!

(PLO) - Sau khi Báo PLVN có bài phản ánh hành vi kì lạ của ông Nguyễn Đình Xuân -  nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tây ra nhiều quyết định sai quy định pháp luật  thì đến ngày 5/5/2017 UBND tỉnh Tây Ninh cũng có  công văn số 1135/UBND-NC gửi  Ủy ban kiểm tra tinh ủy Tây Ninh xem xét, xử lý việc  bà  Trần Thị Trúc Phương (SN 1987) khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Đình Xuân.
Ngôi nhà biệt thự nguy nga và xe Camry được cho là của ông Nguyễn Đình Xuân - Nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cần được làm rõ.
Ngôi nhà biệt thự nguy nga và xe Camry được cho là của ông Nguyễn Đình Xuân - Nguyên Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cần được làm rõ.

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, bà Phương trình bày: Sau hơn 07  năm làm việc, tháng 9/2015 bà Phương được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Với thành tích xuất sắc, bà Phương tiếp tục được nâng bậc lương trước thời hạn vào ngày 26/4/2016. Cũng kể từ thời gian này, do xe máy của mình bị hư, bà Phương mượn xe SH (Việt Nam) của cha ruột để đi làm thì ngày 9/8/2016 bà Nguyễn Ánh Hồng – Phó Chánh văn phòng Sở TN&MT truyền đạt chỉ đạo của ông Xuân gọi điện thoại yêu cầu bà Phương làm báo cáo kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân đến tháng 8/2016. 

Theo đó, bà Phương đã làm báo cáo. Đến ngày 5/9/2016 thì ông Ngô Thủy Chung – Chánh Thanh tra Sở TN và MT ký công văn số 193/TTr  yêu cầu bà Phương giải trình một số nội dung có liên quan đến việc kê khai tài sản mà bà Phương sử dụng là: Chiếc xe SH làm phương tiện đi lại, sử dụng bao nhiêu tài khoản cá nhân tại các ngân hàng…

Ngày 14/9/2016, ông Nguyễn Đình Xuân ký quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với bà Phương. Đến ngày 20/9/2016, ông Chung mới ký văn bản yêu cầu bà Phương giải trình bằng văn bản và cung cấp, hồ sơ chứng cứ kèm theo cho Đoàn xác minh.Cũng trong ngày 20/9/2016, bà Phương đã bị ông Xuân ký,  công bố miễn nhiệm chức vụ bằng Quyết định số 4879/QĐ-STNMT.  

Đang là Phó Trưởng phòng KH-TC (thuộc đối tượng phải kê khai tài sản), giờ bị mất chức nên ngày 28/9/2016 bà Phương có làm văn bản đề nghị Đoàn xác minh: Bà có còn thuộc diện phải kê khai tài sản không? Nếu có thì trả lời và hướng dẫn để bà Phương thực hiện kê khai được đầy đủ, kịp thời. 

Lẽ ra, căn cứ Khoản 1 Điều 21 Thông tư 08/TT-TTCP thì người xác minh  phải tạo điều kiện cho người được xác minh giải trình, nhưng Đoàn xác minh đã không thực hiện điều này để giải thích, hướng dẫn bà Phương giải trình.

Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về vấn đề này
Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về vấn đề này

Sau đó 01 ngày, tức ngày 06/10/2016, ông Xuân ký Kết luận số 5231/KL-STNMT áp dụng điểm c Điều 29 Nghị định 78/2013/NĐ-CP xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.

Căn cứ kết luận này, ngày 18-10-2016, ông Xuân ký QĐ số 5494 cách chức “nguyên Phó phòng KH-TC Trần Thị Trúc Phương” mặc dù trước đó, ông Xuân đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ của bà Phương. Việc cách chức một người không còn chức vụ này được xem là “kì lạ”, chỉ có ở Tây Ninh.

Và dĩ nhiên, hành vi “”kì lạ”” của ông Xuân bị bà Phương khiếu nại và đã được Ủy ban Kiểm tra tỉnh Ủy Tây Ninh vào cuộc bằng Thông báo số 59/TB-UBKT ngày 03/11/2016. Theo đó, Giám đốc Xuân buộc phải ký quyết  định thu hồi các quyết định trái pháp luật nói trên do… sai “quy trình”.

Theo quy định pháp luật, nếu Đoàn xác minh đưa ra kết luận dẫn đến việc ông Xuân ra nhiều quyết định sai quy định và bị thu hồi, hủy phải được tiến hành xác minh lại cho đúng.Tuy nhiên, ông Xuân vẫn cứ  “xài” quy trình đã bị Tỉnh ủy “vịn” để tiếp tục ra quyết định số 6483/QĐ-STMNT ngày 02/12/2016 cách chức bà Phương cho bằng được. 

Đáng nói ở đây, việc ông Xuân chỉ đạo tiến hành xác minh tài sản của bà Phương khi phát hiện có tài sản tăng thêm (không phải kê khai tài sản theo định kỳ). Thì phải áp dụngKhoản 3 Điều 15 Nghị định 78/2013/NĐ0CP ngày 17/7/2013 của Chính Phủ quy định: Việc tự giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm được thực hiện khi kê khai tài sản theo quy định tại Mẫu “Bản kê khai” và khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, ông Xuân chỉ đạo bà Phương kê khai, giải trình bằng điện thoại, ông Chung không yêu cầu bà Phương thực hiện theo mẫu “Bản kê khai” mà lại ra văn bản“đi tắt, hỏi ngang” những tài sản, thu nhập của bà Phương một cách tùy tiện. Theo văn bản của ông Chung, bà Phương cũng làm báo cáo giải trình mà không kê khai mẫu quy định. Như vậy, ngày từ đầu, việc tiến hành xác minh đã vi phạm quy định pháp luật.

Bà Phương bức xúc: Mặc dù bị yêu cầu xác minh tài sản sai quy trình, nhưng tôi luôn chấp hành báo cáo của cấp trên. Do bị ông Xuân miễn nhiệm chức vụ, không còn đối tượng phải tiến hành xác minh nên tôi đã có văn bản đề nghị Đoàn xác minh giải thích, hướng dẫn tôi kê khai đầy đủ, đúng quy định, nhưng Đoàn thanh tra  khôngtrả lời mà dồn thúc, ra kết luận oan cho tôi.

Trong khi đó, hồ sơ chưa có bản kê khai theo mẫu để đối chiếu bản kê khai kỳ trước  nhưng ông Xuân đã áp dụng điểm c Điều 29 Nghị định 78/2013/NĐ-CP xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực, để ra quyết định cách chức bà Phương là vi phạm Khoản 2Điều 10 và  Khoản 2 Điều 25 của Nghị định 78/20013/NĐ-CP của Chính Phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Ngoài ra, kết luận cho rằng tôi không kê khai  tài khoản cá nhân trong ngân hàng là không trung thực cũng không đúng, vì theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 8 Nghị định này khi tài sản tăng thêm về số lượng hoặc thay đổi về chủng loại với mức giá trị tăng thêm từ 50 triệu đồng trở lên so với kỳ kê khai trước đó thì mới kê khai. Do tài khoản tại thời điểm xác minh tài khoản không có giá trị từ 50 triệu đồng thì tôi có quyền không kê khai là đúng quy định.

Trong đơn tố cáo, khiếu nại đang được các cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết, bà Phương đề nghị phải xác minh làm rõ  tài sản “khủng”  được cho là của ông Xuân cụ thể như: Căn nhà biệt thự, xe hơi bạc tỷ ông Xuân đang sử dụng, hàng chục hecta đất rừng, thu nhập một năm gần 2 tỷ đồng từ nuôi ong… Trao đổi với phóng viên, ông Xuân cũng thừa nhận về khối tài sản trên.

Ngoài ra, ông Xuân có hành vi ra quyết định không đúng “quy trình”, có nhận tiền của doanh nghiệp đã được Tỉnh ủy Tây Ninh kết luận. Đến nay vẫn chưa có hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Dư luận đang thắc mắc:  Vì sao một nữ cán bộ có tài sản chẳng bao nhiêu lại bị xác minh sai quy trình, rồi kết luận không trung thực để cách chức, còn ông Giám đốc nhà cửa nguy nga, tài sản thuộc hàng “đại gia” thì đến nay chưa có câu trả lời minh bạch, thỏa đáng?

Điều 25. Kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập

2. Nội dung kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải nêu rõ sự phù hợp hay không phù hợp giữa Bản kê khai và kết quả xác minh. Trường hợp có sự không phù hợp giữa kết quả xác minh và bản kê khai thì kết luận không trung thực và nêu rõ sự sai lệch về số lượng tài sản, thu nhập, thông tin mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc tài sản tăng thêm; quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý Người có nghĩa vụ kê khai không trung thực.

Kết luận về sự minh bạch phải gửi cho người được xác minh.

Đọc thêm