Tòa án hai cấp bỏ lọt nhiều tình tiết quan trọng khiến năm mẹ con lâm vào cảnh khốn khó

(PLO) -Sau hai lần xét xử cấp sơ thẩm (tại TAND TP.Plieku) và cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Gia Lai), năm mẹ con chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1964, trú tại số nhà 106/1/7 phố Lê Lợi, phường Hoa Lư, TP.Plieku, tỉnh Gia Lai) đều nhận kết quả thua kiện trong việc phân chia tài sản thừa kế sau khi chồng chị qua đời. Bị đơn thắng kiện trong vụ việc trên là các anh chị em cùng mẹ khác cha với chồng chị. Tuy nhiên, qua hai bản án, nhiều tình tiết quan trọng đã không được TAND hai cấp xem xét khiến phán quyết đưa ra chưa "thấu tình đạt lý".
Bà Huệ bên căn nhà ở trọ hiện nay.
Bà Huệ bên căn nhà ở trọ hiện nay.

Nguồn gốc tranh chấp

Trình bày với phóng viên báo Câu chuyện pháp luật, bà Nguyễn Thị Huệ cho biết, chị kết hôn với anh Nguyễn Phước Hải (SN 1966, đã mất) năm 1991 và có 4 người con gái.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chị sống tại căn nhà số 12/1 hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, TP.Pleiku thuộc thửa đất số 25, tờ bản đồ số 76 cùng với 7 anh em của anh Hải, căn nhà này có diện tích 94,66m2.

Ngày 10/10/2013, UBND TP.Pleiku đã căn cứ vào văn bản công chứng "Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật của các đồng thừa kế" do Văn phòng công chứng Pleiku lập để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BP 049004 cho bà Nguyễn Thị Huệ.

Trước đó, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất số 270/CN-UB vào ngày 24/12/1992 cho chồng chị Huệ là ông Nguyễn Phước Hải.

Về nguồn gốc của căn nhà nói trên: vào năm 1991, khi anh Hải và chị Huệ lấy nhau thì căn nhà 12/1 hẻm Nguyễn Đình Chiểu, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai lúc bấy giờ chỉ là căn nhà tạm được anh Hải cất trên lô đất vắng chủ do bà Lê Thị Nhỏ sang nhượng hoa màu của bà Cúc (mẹ bà Mai-hàng xóm hiện tại).

Sau đó, anh Hải mới tiến hành xây dựng lại nhà. Vì là anh lớn trong nhà đông anh chị em mà các em lại còn rất nhỏ (đứa lớn nhất cũng chỉ mới 14 tuổi) không có khả năng chung sức xây dựng nhà ở nên một mình anh Hải phải chạy vạy làm ăn đồng thời vay mượn thêm của bạn bè để tiến hành xây nhà. Sau khi xây nhà xong anh Hải đổ nợ.

Khi đó bà Lê Thị Nhỏ (dì của anh Hải) mới gọi chị Huệ và anh Hải đến để thương lượng. Bà Nhỏ yêu cầu bà Huệ bỏ ra 5,5 chỉ vàng để trả nợ thì coi như bà Huệ đã mua đứt căn nhà ở thời điểm đó và cho phép hai vợ chồng bà Huệ tiếp tục làm các thủ tục, giấy tờ cần thiết để được xây dựng nhà và làm Giấy chứng nhận sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. 

Sau khi căn nhà hoàn thành thì anh Hải và chị Huệ cho các anh em cùng mẹ khác cha với ông Hải gồm các ông bà: Nguyễn Thị Lan Anh, Nguyễn Phước Linh, Nguyễn Phước Châu, Nguyễn Thị Hồng Nga và Nguyễn Thị Kim Phương cùng ở căn nhà nói trên. 

Quá trình sinh sống đến năm 2008 thì giữa các anh chị em xảy ra mâu thuẫn. Qua nhiều lần hòa giải không thành, UBND phường Tây Sơn yêu cầu các anh em trong gia đình ông Hải tự thỏa thuận với nhau để giải quyết. Đến năm 2011 thì anh Hải qua đời do bệnh nặng, vụ việc tranh chấp nhà ở và lô đất vẫn chưa được giải quyết xong. 

Tháng 4/2013, bà Huệ làm đơn kiện cho rằng, tài sản trên là do công sức của vợ chồng bà xây dựng nên. Do đó, bà Huệ yêu cầu mình và các con của anh Hải phải được hưởng toàn bộ tài sản nói trên, nhưng các anh em của ông Hải không đồng ý vì cho rằng đây là tài sản chung.

Sau khi ông Hải chết cũng không để lại di chúc. Các em của ông Hải cho rằng, cần chia tài sản chung trên thành 8 phần bằng nhau, trong đó phần của ông Hải sẽ do bà Huệ hưởng. Nếu bà Huệ chấp nhận, các bị đơn sẽ thanh toán số tiền 120 triệu đồng. Sau nhiều lần hòa giải bất thành, cả hai phía đưa vụ việc ra TAND TP.Pleiku.

Hai cấp tòa cùng một kết quả

Tại bản án sơ thẩm số 51/2015/DS-ST ngày 24/9/2015, TAND TP.Pleiku do Thẩm phán Lưu Anh Tuấn làm chủ tọa đã xét xử và bác đơn khởi kiện của bà Huệ.

Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng, tài sản trên là do bà Nhỏ mua lại cho 8 anh em ông Hải ở nên là tài sản chung của tất cả. Tài sản này hình thành trước hôn nhân nên bà Huệ và các con chỉ được hưởng phần thừa kế của ông Hải sau khi ông Hải qua đời.

Việc bà Huệ cho rằng hai vợ chồng phải bỏ tiền ra xây dựng nhà ở không có căn cứ để chứng minh. Cấp sơ thẩm cho rằng, do ông Hải cùng dì của mình bỏ tiền xây nhà nên giá trị căn nhà chia đôi và bà Huệ được hưởng 1/2.

Còn về giá trị lô đất (khoảng 448 triệu đồng - PV) sẽ được chia làm 8, bà Huệ tiếp tục được hưởng 1 phần trong số đó. Tổng cộng cả giá trị tài sản trên đất và giá trị lô đất mà bà Huệ được hưởng là hơn 78 triệu đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Phước Đức (em trai ông Hải) yêu cầu được nhận tài sản là nhà và đất tại địa chỉ nói trên và có trách nhiệm trả lại giá trị tài sản cho 7 người được chia trong khối tài sản chung. Yêu cầu này được hội đồng xét xử sơ thẩm chấp thuận.


Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BP049004 mà bà Huệ được cấp trước đó, sau khi bản án có hiệu lực, ông Nguyễn Phước Đức cũng thanh toán xong nghĩa vụ tài sản với những người có liên quan thì liên hệ các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.

Không chấp nhận kết quả bản án sơ thẩm, bà Huệ tiếp tục làm đơn kháng cáo lên cấp cao hơn là TAND tỉnh Gia Lai. Tại bản án phúc thẩm số 28/2016/DS-PT ngày 5/5/2016, cấp phúc thẩm đã y án sơ thẩm vì cho rằng bà Huệ không cung cấp được chứng cứ mới cho những nội dung đã kiện, đồng thời bác kháng cáo.

Bản án có "thấu tình đạt lý"? 

Theo bà Huệ, hai cấp tòa án tỉnh Gia Lai không xem xét đến việc trước khi chồng bà qua đời, tại biên bản làm việc do UBND phường Tây Sơn (TP.Plieku) lập ngày 17/6/2008 (bút lục số 143) có mặt đông đủ anh em để tiến hành hòa giải.

Lúc đó, ông Hải trình bày rõ với chính quyền địa phương như sau: "Nhà đó một tay tôi xây dựng nên, giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên tôi. Vợ chồng tôi đồng ý cho các em tôi một nửa, còn một nửa tôi để cho con tôi".

"Đây cũng chính là ý nguyện của chồng tôi có giá trị như di chúc và được chính quyền địa phương lập ra chứ không phải tôi bịa ra. Nay các em ông Hải cho rằng trước khi anh mình mất không để lại di chúc và đó là tài sản chung nên khăng khăng đòi chia như vậy là không hợp lý, điều này làm tôi cùng các con bỗng dưng lâm vào cảnh khốn khó", bà Huệ nói.

Tại cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuy có đề cập đến biên bản ngày 17/6/2008 nhưng không coi đây là tình tiết liên quan đến vụ việc. Đây có thể coi là sai sót trong quá trình tiến hành xét xử bởi biên bản được lập có sự thống nhất của các em ông Hải.

Bên cạnh đó, việc TAND hai cấp xét xử không tôn trọng các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất số 270/CN-UB ngày 24/12/1992 của ông Nguyễn Phước Hải cũng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BP 049004 ngày 10/10/2013 do UBND TP.Plieku cấp cho bà Huệ đang có hiệu lực pháp luật.

Trước đó, tại văn bản trả lời TAND TP.Plieku ngày 21/5/2015, Phòng tài nguyên môi trường và nhà đất TP.Plieku do ông Ngô Xuân Hiển (Phó Trưởng phòng) được ủy quyền ký và kết luận: "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bà Nguyễn Thị Huệ là đúng trình tự, tuân thủ theo quy định của pháp luật".

Việc các em ông Hải cho rằng cần hủy giấy chứng nhận này, theo ý kiến của phòng tài nguyên môi trường và nhà đất TP.Plieku là không có cơ sở để xem xét. Việc giao đất và nhà ở hiện tại của hai cấp tòa án tỉnh Gia Lai cho ông Nguyễn Phước Đức quản lý liệu có đúng pháp luật?

Bà Huệ bức xúc nói: "Tôi thừa nhận nguồn gốc mảnh đất là do dì Nhỏ sang nhượng hoa màu, nhà là chồng tôi xây dựng và khi tôi bỏ 5,5 chỉ vàng y ra cho chồng trả nợ và tiếp tục xây dựng hoàn tất căn nhà. Khi đó, được sự đồng ý của bà dì Nhỏ, vợ chồng tôi mới làm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Để làm giấy tờ nhà đất thì vợ chồng tôi phải đi xác minh từ các bên liên quan và làm một cách rõ ràng, minh bạch, đúng trình tự pháp luật. Tôi là dâu trưởng, lại một mình nuôi 4 con của chồng nhưng không được hưởng quyền lợi chính đáng là bất công và không hợp lý".

Gia đình bà Huệ cho biết, sẽ làm đơn kháng cáo lên cấp cao hơn để tiếp tục nuôi hy vọng giành được quyền lợi cho mình và các con. "Dù chồng tôi đã qua đời và không để lại di chúc nhưng tôi sẽ nỗ lực thực hiện ý nguyện của anh ấy, đòi lại 1/2 giá trị của lô đất và tài sản trên đất để đảm bảo quyền lợi cho các con sau này".

Đọc thêm