TP HCM: Phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ “nóng” vì kháng nghị của VKS.

(PLVN) - Không chỉ kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, VKSND TP Hồ Chí Minh cũng kháng nghị bản án sơ thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại do những sai lầm về tố tụng và áp dụng pháp luật để chia tài sản của vợ chồng ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ.
TP HCM: Phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ “nóng” vì kháng nghị của VKS.

Dự kiến trong các ngày từ 29 – 31/10 tới đây, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ theo kháng cáo của đương sự và kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh.

Theo kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhiều nội dung được nguyên đơn của vụ ly hôn đình đám này cần được tòa  cấp phúc thẩm làm rõ. Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm đã có 6 điểm vi phạm tố tụng và 3 điểm sai lầm về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật.

Cụ thể, về vi phạm tố tụng, bà Thảo cho rằng, khi thụ lý yêu cầu phản tố của đương sự (ông Đặng Lê Nguyên Vũ), TAND TP Hồ Chí Minh đã không thực hiện thủ tục họp, kiểm tra việc giao nộp chứng cứ; thủ tục tiếp cận và công khai chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều đáng nói, trong quá trình xét xử vụ án, nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Lẽ ra, theo quy định của pháp luật thì tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, TAND TP Hồ Chí Minh không đình chỉ giải quyết vụ án mà tiếp tục xét xử. Đương sự cho rằng, việc xét xử này là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng dân sự về quyền định đoạt của đương sự trong quan hệ dân sự.

Trong quá trình giải quyết, các đương sự đã rút nhiều yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố. Song, sự thay đổi mang tính bản chất, quyết định cục diện vụ án này đã bị tòa án “ngó lơ”, tiếp tục xét xử. “Điều này hoàn toàn trái pháp luật”, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khẳng định trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng.

Ngoài những nội dung kháng cáo cho rằng tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng cho rằng, trong việc áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình để chia tài sản theo tỷ lệ “6/4” là không đúng quy định.

Cụ thể, bản án sơ thẩm đã quyết định chia tài sản theo tỷ lệ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu 60% giá trị tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng; bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu 40% tài sản. Quyết định của Tòa án dựa trên đánh giá cho rằng, hai vợ chồng ông Vũ có đóng góp khác nhau đối với việc tạo lập khối tài sản chung của vợ chồng.

Tuy nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng, quyết định như trên là trái pháp luật, do Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật dân sự quy định tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, không chia theo phần. Khi ly hôn, mỗi vợ chồng được hưởng 50% giá trị tài sản chung.

Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm nhận định Công ty cổ phần nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI) không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên không đưa vào tham gia tố tụng theo yêu cầu của nguyên đơn do ông Đặng Lê Nguyên Vũ không sở hữu cổ phần tại Công ty AFI mà chủ sở hữu cổ phần là Tập đoàn ca phê Trung Nguyên là không đúng do tính chất “sở hữu chéo”, cả ông Vũ và bà Thảo đều là cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên. Đây cũng là sai sót làm thay đổi kết quả giải quyết vụ kiện.

Những nội dung kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo có thể có căn cứ khi VKSND TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với kháng cáo này.

Cụ thể, tại Quyết định kháng nghị số 14 ngày 11/4/2019, VKSND TP Hồ Chí Minh kháng nghị bản án sơ thẩm số 291 ngày 27/3/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh và đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do có nhiều vi phạm tố tụng và sai lầm trong áp dụng pháp luật.

Theo đó, VKSND TP Hồ Chí Minh chỉ rõ 11 sai sót của bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bị đơn) có phản tố yêu cầu chia tài sản là vàng và tiền gửi ngân hàng đứng tên bà Thảo nhưng  từ khi thụ lý, thẩm phán đã không thực hiện việc  họp kiểm tra chứng cứ; cho đương sự công khai và tiếp cận chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Quyết định kháng nghị cũng cho rằng, bản án tuyên thời gian cấp dưỡng tính từ năm 2013 đến khi các con của hai vợ chồng ông Vũ trưởng thành là chưa phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đương sự, gây khó khăn cho việc thi hành án.

VKSND TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc tài sản theo tỷ lệ 6/4 như bản án cấp sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại 7 doanh công ty mà hai vợ chồng ông Vũ sở hữu cổ phần sẽ làm mất quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và trái quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc bản án không đình chỉ các yêu cầu khởi kiện mà đương sự đã rút đơn là một thiếu sót.

Theo một số luật sư đánh giá, việc đương sự đã rút đơn nhưng tòa vẫn xử làm một thiếu sót nghiêm trọng cần phải xem xét, xử lý nhằm tôn trọng quyền tự quyền của đương sự trong quan hệ pháp luật dân sự.

Với những vấn đề mà đương sự kháng cáo, VKS kháng nghị, phiên tòa phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều nội dung cần giải quyết. Đây là một vụ án lớn, có thể làm tiền lệ cho việc xét xử các vụ án ly hôn và chia tài sản mà khối tài sản của đương sự rất lớn, nhiều loại hình tài sản khác nhau. Việc quyết định không đúng pháp luật cũng sẽ trở thành một tiền lệ xấu cho việc xét xử các vụ án tương tự khác.

Đọc thêm