Trại giam Xuyên Mộc: Tham gia ban điều hành và góp vốn bằng quyền sử dụng đất công khi chưa được phép

(PLVN) - Trên Báo PLVN Chủ nhật, ngày 05/05/2019 có đăng tải bài viết: “Trại giam Xuyên Mộc: Có hay không lợi ích nhóm trong việc cho thuê đất” phản ánh về việc trại giam này tự ý ký kết hợp đồng liên kết và bàn giao 100ha đất phục vụ an ninh quốc phòng cho doanh nghiệp tư nhân sử dụng khi chưa được sự đồng ý của Bộ Công an. Không chỉ dừng lại ở việc “tiền trảm hậu tấu”, các văn bản, thủ tục ký kết dự án này của trại giam còn nhiếu dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Việc xả thải trực tiếp của trang trại nuôi bò gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực
Việc xả thải trực tiếp của trang trại nuôi bò gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực

Hàng loạt dấu hiệu vi phạm

Như nội dung phản ánh ở bài viết trước, mặc dù lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục VIII (cũ) chưa có văn bản chấp nhận chủ trương về việc cho phép trại giam Xuyên Mộc sử dụng 100ha đất do trại giam Xuyên Mộc quản lý để giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án trồng cỏ và xây dựng trang trại chăn nuôi bò lấy thịt, thế nhưng phía lãnh đạo trại giam vẫn ký 02 hợp đồng hợp tác với  Công ty cổ phần thực phẩm Anh Khải Ký (Công ty AKK) và bàn giao đất cho doanh nghiệp này.

Việc thực hiện ký kết 02 hợp đồng hợp tác của trại giam Xuyên Mộc không những sai quy trình và thủ tục theo quy định của pháp luật, mà nội dung của 02 hợp đồng ký kết này còn có nhiếu dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo nội dung Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD-2014 giữa Công ty AKK và Trại giam Xuyên Mộc được hai bên thống nhất và ký kết vào ngày 04/1/2014 thì trại giam cùng Công ty AKK hợp tác kinh doanh trang trại chăn nuôi bò lấy thịt với thời gian 20 năm được chia làm 3 giai đoạn. Để thực hiện dự án, phía trại giam Xuyên Mộc cam kết góp vốn bằng toàn bộ quyền sử dụng đất có diện tích 100ha do trại giam quản lý. Việc cam kết này được cụ thể hoá bằng thoả thuận trong Điều 3.1 của hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD-2014: “Bên B (Trại giam Xuyên Mộc) góp vốn bằng toàn bộ quyền sử dụng đất, có diện tích 100ha tại phân trại số 1 thuộc quyền quản lý và sử dụng của mình để phục vụ cho quá trình sản xuất chăn nuôi.”

Tuy nhiên, đối chiếu với quy định thì việc lãnh đạo trại giam tham gia dự án bằng cách góp vốn là quyền sử dụng đất phục vụ an ninh quốc phòng là hoàn toàn trái quy định.  Cụ thể, tại Khoản 2 - Điều 173 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.”

Tại Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/HĐHTKD-2014, ngoài dấu hiệu vi phạm quy định tại Luật Đất đai, lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc còn tự ý tham gia ban điều hành hoạt động kinh doanh của dự án. Theo hợp đồng ký kết này giữa công ty AKK và trại giam Xuyên Mộc, tại Điều 5 hai bên thoả thuận sẽ thành lập một ban điều hành hoạt động của kinh doanh gồm 03 người. Trong đó bên công ty AKK sẽ cử 2 đại diện, còn bên trại giam Xuyên Mộc cử ra 01 đại diện là ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám thị trại giam để cùng tham gia điều hành, đưa ra các quyết định liên quan đến nội dung hợp tác của 2 bên. Theo thoả thuận tại điều khoản này, bên công ty AKK sẽ được hưởng 80% và bên trại giam Xuyên Mộc được hưởng 20% lợi nhuận sau thuế của dự án hợp tác kinh doanh.

Liên quan đến vấn việc tham gia ban điều hành của dự án, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quốc Đạt – Trường phòng quản lý lao động và dạy nghề (P16 – Cục C10 – Bộ Công an), qua hồ sơ tài liệu phóng viên cung cấp, ông Đạt nhận xét: “Việc ký kết và thoả thuận tham gia ban điều hành dự án của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc là chưa đúng quy định. Việc tham gia ban điều hành còn liên quan đến việc hạch toán thu chi của dự án, nên Giám thị trại tham gia điều hành, kiểm soát thì rất khó vì đâu có được đào tạo về quản lý kinh tế.”

Đại tá Đạt cũng khẳng định, việc ký kết và góp vốn của trại giam Xuyên Mộc khi chưa có văn bản phê duyệt chính thức của Bộ Công an là hoàn toàn sai quy định. Trước sự việc trên, Đại tá Đạt cho biết sẽ báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo Cục để xử lý.

Không những lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc ký kết hợp đồng với các điều khoản trái quy định, lãnh đạo trại này còn có dấu hiệu báo cáo không trung thực trong vấn đề quản lý và sử dụng quỹ đất của trại quản lý. Tại báo cáo số 32/TGXM ngày 14/5/2014 của trại giam Xuyên Mộc báo cáo tình hình thực hiện quỹ đất gửi lãnh đạo Tổng cục VIII – Bộ Công an, lãnh đạo trại giam báo cáo về việc quản lý tổng quỹ đất của trại là 1047,06ha. Theo báo cáo này, lãnh đạo trại giam thông báo Nghị quyết của cuộc họp  Đảng uỷ trại vào ngày 18/1/2014 về việc đồng ý sử dụng 100ha đất để liên doanh với công ty AKK thực hiện dự án trồng cỏ chăn nuôi bò. Nội dung báo cáo cũng thể hiện rõ: “Vậy đơn vị trại giam Xuyên Mộc làm công văn này để báo cáo lãnh đạo Tổng cục VIII biết và cho ý kiến chỉ đạo.” 

Thế nhưng thực tế lại không như báo cáo của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc. Bởi thời điểm lãnh đạo trại giam lập báo cáo là ngày 14/5/2014, thế nhưng đơn vị này đã tự ý bàn giao đất cho Công ty AKK sử dụng và xây dựng trang trại từ ngày 18/2/2014. Tại Biên bản bàn giao đất  số 08/BB-XM thể hiện rõ nội dung bên giao đất là trại giam Xuyên Mộc với người đại diện là ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám thị bàn giao 100ha đất cho bên nhận là công ty AKK. 

Phải chăng việc ký kết và bàn giao đất của lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc khi chưa có chủ trương, chưa có ý kiến của lãnh đạo Tổng cục VIII và Bộ Công an là vượt quyền, thể hiện thái độ coi thường pháp luật của lãnh đạo đơn vị này?

Hiệu quả có như mong đợi

Tại buổi làm việc với PV, Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn – Giám thị trại giam Xuyên Mộc cho rằng, việc tổ chức hợp tác liên kết với công ty AKK nhằm giúp tránh việc lãng phí đất đai, cũng như giúp phạm nhân lao động cải tạo và tăng thêm nguồn thu cho trại. Cũng theo Đại tá Tuấn, diện tích đất giao cho công ty AKK chủ yếu là đất khô cằn, chai sạn, bạc màu, nhiễm chất độc hoá học nên không thể canh tách. Khu vực này giáp ranh với khu dân cư. Người dân ở đây thường xuyên đi lại vào khu vực trại để lấn chiếm, canh tác trái phép gây mất an ninh và an toàn trại. Do vậy việc giao đất cho công ty AKK sẽ tạo đường ranh bao bọc xung quanh trại tránh việc người dân lâu nay đi sát vào khu vực trại giam, có thể gây mất an ninh, an toàn trại. Lạ lùng là sau khi Báo PLVN đăng tải về những sai phạm rõ như ban ngày của trại giam Xuyên Mộc, cũng với ý tứ giải thích này, Đại tá Tuấn còn mời một số tờ báo đăng quan điểm biện minh cho những việc làm trái thẩm quyền của mình. 

Đó là chưa kể đến một nghịch lý, trước đây khi lãnh đạo trại giam giao diện tích đất cho một số cán bộ, chiến sỹ của trại quản lý, khai thác trồng điều và tràm hiệu quả. Họ đều đóng góp sản lượng cho trại đầy đủ thì không được tiếp tục cho làm, thậm chí thu hồi cho doanh nghiệp mà không có các phương án đền bù đúng quy định và thỏa đáng. Tại sao khi chưa “hất cẳng” cán bộ của mình ra khỏi cuộc chơi, thì trại giam không lý luận rằng, chính việc làm của cán bộ mình cũng đang góp phần giữ đất, đảm bảo an ninh an toàn trại như đang “giải thích hộ” cho công ty AKK.

Cũng trong buổi làm việc, lãnh đạo trại giam Xuyên Mộc cũng cho biết việc thực hiện dự án trồng cỏ và nuôi bò của công ty AKK đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giám sát, kiểm tra và cấp phép. Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường của dự án rất được UBND tỉnh và HĐND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Tuy nhiên, thực tế phóng viên Báo PLVN ghi nhận tại đây có rất nhiều phản ánh, ý kiến của người dân về việc đơn vị được giao đất là công ty AKK thực hiện dự án gây ô nhiễm. Cụ thể, ông Nguyễn Đức T. (sinh năm 1946 - Cựu chiến binh xã Tân Lâm – huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Kể từ khi doanh nghiệp AKK thực hiện dự án, họ đã bơm nước từ sông Ray để vệ sinh chuồng trại cho bò, khiến lượng nước nơi đây giảm mạnh. Một số người dân thiếu thốn nước sinh hoạt. Kể cả trại giam Xuyên Mộc cũng phải mua nước máy về cho phạm nhân sử dụng trong sinh hoạt.”

Ông T cũng cho biết thêm, ngoài việc gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nước, công ty AKK còn xả thải phân chưa được xử lý trực tiếp ra sông Ray và đập nước Hoà Bình. Mặc dù người dân trong khu vực đã làm đơn kêu cứu lên huyện và tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. “Cả khu vực rộng lớn luôn trong tình trạng ô nhiễm, nguồn nước thì bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu kín, sinh sôi phát triển mà không được xử lý” ông T than phiền.

Để tìm hiểu về công tác bảo vệ môi trường của công ty AKK, phóng viên Báo PLVN đã gửi ý kiến và đề nghị cung cấp hồ sơ cấp phép của dự án này tới UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh và Sở vẫn chưa có văn bản phản hồi.

Đọc thêm