Tranh cãi chuyện “bản quyền” chữ “Tết” cách điệu

(PLVN) - Ông Lưu Thanh Hải (SN 1979, quê Hậu Giang, ngụ TP HCM) cho rằng chữ “Tết” cách điệu viết theo kiểu “thư pháp” là do mình sáng tạo ra, ai muốn dùng phải xin phép và được sự đồng ý. 
Một số hình ảnh pano quảng cáo của Cty Senko mà ông Hải cho rằng sử dụng chữ “Tết” cách điệu ông sáng tạo ra.
Một số hình ảnh pano quảng cáo của Cty Senko mà ông Hải cho rằng sử dụng chữ “Tết” cách điệu ông sáng tạo ra.

Trong khi đó Cty TNHH Tân Tiến Senko (KCN Tân Tạo, đường số 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM) lại cho rằng chữ “Tết” dù viết dưới dạng nào cũng không được đăng ký độc quyền cho bất cứ ai, và Cty sử dụng chữ “Tết” cách điệu này trong các pano quảng cáo là nhằm chúc Tết Tân Sửu chứ không nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Copy chữ “Tết” cách điệu để quảng cáo?

Theo ông Hải, chữ “Tết” cách điệu mà Cty Senko (một DN chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng điện tử) dùng trong các pano áp phích quảng cáo  mới đây, là “tác phẩm nghệ thuật thư pháp” được ông sáng tạo năm 2009. 

“Tôi là tác giả duy nhất, chủ sở hữu hợp pháp của tác phẩm này. Năm 2010, tôi được vinh danh là kỷ lục gia Việt Nam “Người phát hành tranh chữ thư pháp vẽ tay nhiều nhất”, ông Hải nói. Trong một cuốn sách có tên Vietnam Almanac 2017 (sách ghi các sự kiện Việt Nam năm 2017 - NV) cũng có in hình chữ “Tết” cách điệu này trong phần nói về ông Hải.

Đầu tháng 1/2021, ông Hải phát hiện Cty Senko sử dụng “tác phẩm nghệ thuật thư pháp” là chữ “Tết” do ông sáng tạo ra để quảng cáo trên các phương tiện giao thông, bảng quảng cáo lớn cố định ở một số tuyến đường và ngay trên một số phương tiện giao thông của Cty Senko… tại một số tỉnh thành.

Theo hình ảnh ông Hải cung cấp, trên các pano quảng cáo ghi: “Quạt điện cao cấp (...) làm mát cho cuộc sống/Chúc “Tết” Tân Sửu phúc lộc đầy đủ”. Kèm theo đó là hình ảnh chiếc quạt gió. Và chữ “Tết” cách điệu ông Hải cho rằng mình đã sáng tạo ra có màu vàng.

Cho rằng chữ “Tết” trong pano quảng cáo là “tác phẩm nghệ thuật thư pháp” chữ “Tết” của mình, nhưng Cty Senko sử dụng mà chưa xin phép, ông Hải đã gửi thư kiến nghị. Trong thư, ông Hải nêu, “việc không xin phép nhưng sử dụng “tác phẩm nghệ thuật thư pháp” chữ “Tết” là trái pháp luật, xâm phạm quyền tác giả. Cty Senko sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại nhưng không thỏa thuận việc thanh toán nhuận bút là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tác giả”.

Ông Hải đề nghị Cty Senko: Xin lỗi bằng văn bản; dừng quảng cáo có vi phạm bản quyền từ khi nhận được thư kiến nghị; khắc phục, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chữ “Tết” cách điệu ông Hải sáng tạo ra trong cuốn sách có tên Vietnam Almanac 2017.
Chữ “Tết” cách điệu ông Hải sáng tạo ra trong cuốn sách có tên Vietnam Almanac 2017.

Mỗi bên một quan điểm

Đại diện của Cty Senko trong sự việc này là Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu & chất lượng, có thư phúc đáp ông Hải ngày 18/1/2021.

Theo đại diện của Cty Senko, trong hồ sơ gửi kèm thư kiến nghị, không có giấy tờ liên quan đến việc ông Hải là tác giả, chủ sở hữu chữ “Tết” cách điệu trên. Các hình ảnh gửi kèm trên cuốn sách có tên Vietnam Almanac không thể hiện được “độc quyền chữ Tết”. Đại diện Cty Senko còn cho rằng “không tìm thấy chữ “Tết” dù viết dưới dạng nào được độc quyền cho bất cứ ai. Và nếu ai biết viết thư pháp đều viết được chữ “Tết” dưới bất cứ dạng nào của chữ thư pháp”.

Đại diện Cty Senko cho rằng chữ “Tết” trong các pano quảng cáo là nhằm chúc Tết Tân Sửu, chứ không nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Đại diện Cty Senko còn đặt ra trường hợp nếu ông Hải là tác giả, chủ sở hữu chữ “Tết” cách điệu trên, thì Senko cũng chỉ sử dụng cho dịp Tết Tân Sửu; và Cty không thể biết chữ “Tết” cách điệu này là của ông Hải sáng tạo ra.

Văn bản phúc đáp cho rằng Cty Senko chỉ sử dụng chữ “Tết” cho dịp tết cổ truyền, không nhằm mục đích kinh doanh thương mại, “hi vọng ông Hải có suy nghĩ tốt, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Như vậy, quan điểm của hai bên trong sự việc này không đồng nhất với nhau. Một số ý kiến cho rằng phía Cty Senko trả lời như vậy là không sai, vì nhiều năm nay chưa có quy định pháp luật minh định rạch ròi rõ ràng đâu là giới hạn minh bạch của một tác phẩm nghệ thuật và một “thư pháp nghệ thuật”.

Tuy nhiên, bảo vệ quan điểm của ông Hải, LS Nguyễn Hoàng Linh (Đoàn LS TP HCM) lại đưa ra các lập luận: “Thứ nhất, đại diện Senko có sự nhầm lẫn giữa chữ “Tết” trong tiếng Việt và “tác phẩm nghệ thuật thư pháp” là chữ “Tết”. Chữ “Tết” mà ông Hải dùng nghệ thuật thư pháp để viết ra là một tác phẩm nghệ thuật. Do đó, ông Hải là tác giả, sở hữu của chữ “Tết” nghệ thuật này. Chữ “Tết” là tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ chứ không phải là sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại”. 

“Thứ hai, đại diện Senko nói ai biết viết thư pháp đều viết được thì hãy dùng chữ do chính Senko tạo ra hoặc người khác đã cho phép Senko sử dụng, đừng “copy” chữ “Tết” do ông Hải sáng tạo ra. Mỗi chữ thư pháp có nét riêng, không lẫn lộn được”. 

“Thứ ba, hoạt động quảng cáo là hoạt động kinh doanh thương mại. Tất cả pano đều phải xin phép mới được quảng cáo và trên pano có giới thiệu sản phẩm của Cty, không nhằm bán hàng thì để làm gì”.

Phía ông Hải cho biết đã phản hồi lại những ý kiến của Cty Senko và nếu hai bên không tiến tới được thỏa thuận thì “buộc lòng ông Hải phải khởi kiện đến tòa án”.

Ông Lưu Thanh Hải
 Ông Lưu Thanh Hải

Đọc thêm