Trao và nhận không phải vì trái tim

(PLO) - Thưa bạn đọc, câu chuyện “trao và nhận” này không phải trong tình yêu. Rằng muốn nhận được trái tim người, trước hết phải tặng trái tim mình. Đây là câu chuyện đang “nóng” lên của những ngày Tòa xử đại án Oceanbank.
Trao và nhận không phải vì trái tim

Sáng 5/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi. Trước Lễ 2/9, Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã làm dư luận sửng sốt khi khai: dùng hơn 300 tỷ đi đối ngoại. Thưa vâng, 300 tỷ từ nguồn lực của đất nước.

“Được chi, được đến tặng quà là phấn khởi lắm rồi. Nhưng việc lo quà tặng thì khổ hơn nữa”, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phân trần khi chủ tọa hỏi về việc chi tiền đi đối ngoại tại phiên tòa.

Thưa vâng, phàm là người, không ai chê tiền. Trước đồng tiền khó nói về đạo đức, mặc dù gần 12 năm qua chúng ta chi không ít tiền của, tốn kém không ít công sức cho một cuộc vận động về đạo đức.

Thưa vâng, ham muốn về vật chất là vô cùng, ngay cả quan chức cấp cao. Rộng ra, phàm là con người khó thoát “tham – sân – si”. Nếu con người không phải là “nô lệ” của tham, sân, si thì tôn giáo đã không còn lý do gì để tồn tại.

Hãy nói với nhau như thế để khẳng định một thực tế: chúng ta đang sống với nhiều “khuôn mặt”.

Đáng tiếc, khác trong tình yêu, “trao và nhận” những đồng tiền “quỷ ám” không phải vì trái tim mà vì vụ lợi. 

Ai cũng biết, đã là doanh nghiệp nhà nước phải “cống tiền”. Ai cũng biết lễ, tết nào cũng phải cung phụng cấp trên bằng tiền, dẫu năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng có chỉ thị cấm dùng công quỹ quà cáp cấp trên. Chúng ta nói nhưng làm ngược lại.

Câu nói trước Tòa của Nguyễn Xuân Sơn là một thực tế hùng hồn, không ai chê tiền, “người ta nhận cho là mừng lắm rồi”. Đây đang là một chân lý.

Đáng tiếc, khác câu chuyện tình yêu, ra trước công đường chỉ có kẻ thần kinh mới: thưa Tòa, em có nhận. Phủ nhận lời khai của các bị cáo là “quy luật muôn đời”. Quy luật này trước hết vì phần “con” của con người: phải tồn tại mới nói đến sống.

Phiên tòa xử đại án Oceanbank cho thấy điều khác nữa, đó là chúng ta không có thiết chế, khó có thể thiết kế ra một thiết chế kiểm soát quyền lực. Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (xin chỉ nói đến cấp tập đoàn và tổng công ty thí điểm 91 trước đây) ở đâu cũng có Ủy ban Kiểm tra Đảng và Ban kiểm soát của Hội đồng thành viên. Những vụ án động trời trước đây ở Tập đoàn Vinashin, Tổng Công ty Vinalines... và nay là Oceanbank (phía sau là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho thấy các “thiết chế” này chỉ là thứ trang sức. Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trần Văn Liêm và ngay cả Nguyễn Xuân Sơn hiện đang đứng trước Tòa, Trịnh Xuân Thanh... đều là nguyên Bí thư Đảng bộ cả đấy, không phải là đảng viên thường.

Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều bi kịch, quá quen thuộc trở thành hài kịch.

Phải làm sao để quan chức không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng? Xin thưa, phải bằng thiết chế luật pháp. Chỉ có như thế câu chuyện “trao và nhận” như ở đại án Oceanbank mới không trở thành trò cười. 

Đọc thêm