Tuyên Quang: Mỏ đá Hiệp Phú khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

(PLO) - Nhiều năm nay, người dân xã An Khang, (TP. Tuyên Quang, Tuyên Quang) phải sống chung với ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn… do quá trình khai thác đá của mỏ Hiệp Phú (thuộc công ty TNHH Hiệp Phú) và tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đe dọa đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân.
Người dân phản ánh mỏ đá của Công ty Hiệp Phú gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng
Người dân phản ánh mỏ đá của Công ty Hiệp Phú gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng

Nhiều hộ dân sinh sống gần khu mỏ đá Hiệp Phú cho biết, quanh năm phải sống chung với bụi bẩn; ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù trời nên nhà nào cũng phải đóng cửa, che bạt cả ngày. Ngoài ra, đoàn xe tải mang biển hiệu Hiệp Phú lúc nào cũng chở đá ngất ngưởng, chạy nối đuôi nhau nhưng không có che đậy khiến bụi bẩn, đá rơi vãi dọc đường, ảnh hưởng đến giao thông.

Đặc biệt, mỏ đá Hiệp Phú nằm ngay đường giao thống chính của xã An Khang, khi xe tải ra vào chở đá lấn chiếm hết phần đường, gây ách tắc giao thông; đặc biệt nguy hiểm đối với em học sinh lúc đến và tan trường học. Nhiều người bị các bệnh về mắt, hô hấp… Không chỉ ô nhiễm bụi đá, bụi đường, người dân còn chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn. Cứ khoảng 7 giờ sáng là các xe tải chở đá bắt đầu hoạt động chạy rầm rầm cho đến tận đêm. Có ngày hoạt động cả đêm nên ảnh hưởng giấc ngủ của người dân. Đường xuống cấp do xe tải chở đá gây ra...


Mỏ khai thác đá cả công ty Hiệp Phú gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.
Mỏ khai thác đá cả công ty Hiệp Phú gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Xuân Hồng.

Chị Phạm Tuyến Giang (xã An Khang) bức xúc: “Gia đình tôi trồng gần 1ha chè, mỏ đá hoạt động ngay sát ruộng chè rầm rộ, tiếng ồn, bụi bẩn mù mịt nhưng không có biện pháp che chắn, quây lưới, tưới nước... Hậu quả của việc khai thác này rất rõ, người dân lao động trên ruộng chè chịu tra tấn bởi tiếng ồn máy móc, tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm về đá bắn, văng vào người. Bên cạnh đó, bụi bẩn phủ trắng khiến cây chè sinh trưởng, phát triển chậm; giảm năng suất cây trồng”.

Theo tìm hiểu của PV được biết, mỏ đá Hiệp Phú đã hoạt động từ nhiều năm nay. Việc khai thác đá thời gian trước không rầm rộ nên tình trạng ô nhiễm vẫn ở mức có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty Hiệp Phú trúng nhiều gói thầu xây dựng trên địa bàn nên việc khai thác dồn dập hơn, mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng khiến người dân khổ sở.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết: “Mỏ đá Hiệp Phú hoạt động từ rất lâu, từ trước khi tôi lên làm Chủ tịch xã nên hồ sơ về giấy phép khai thác, cam kết môi trường… hiện tôi không nắm được! Về nguyên tắc, khi xe tải vận chuyển đá phải có biện pháp che chắn. Tuy nhiên, xe chở đá của Hiệp Phú không có che đậy khi vận chuyển là không đúng quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra, nhắc nhở đơn vị nghiêm túc chấp hành quy định này.

Ông Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang trao đổi với PV. Ảnh: Xuân Hồng.
 Ông Trần Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã An Khang trao đổi với PV. Ảnh: Xuân Hồng.

 “Việc phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường bụi bẩn, tiếng ồn chúng tôi sẽ cho kiểm tra, vấn đề nào trong thẩm quyền sẽ có biện pháp xử lý kịp thời; còn việc ô nhiễm cụ thể như nào chúng tôi sẽ báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để xác định”. - Ông Tân cho biết thêm.

Được biết, trước phản ánh của người dân về ảnh hưởng của hoạt động khai thác đá đến diện tích trồng chè, mỏ đá Hiệp Phú đã thỏa thuận mua đất chè của người dân. Tuy nhiên, người dân không đồng ý vì cây chè là nguồn thu nhập chính của cả gia đình!.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang vào cuộc có biện pháp xử lý việc ô nhiễm môi trường của mỏ đá Hiệp Phú.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin bạn đọc.

Đọc thêm