Uẩn khúc vụ Chi cục phó QLTT Sóc Trăng bị bắt giam: Quy định về phân bón “chỏi” nhau, người thi hành công vụ “lãnh đạn”

(PLO) -Đoàn kiểm tra thống nhất đi giám định mẫu phân bón lần cuối cùng để có hướng xử lý tránh gây thiệt hại cho người dân và phiền hà đến doanh nghiệp. Lần giám định này, mẫu phân bón đạt chất lượng nên đoàn kiểm tra không xử phạt, mở niêm phong trả hàng lại cho doanh nghiệp. Sau đó trưởng đoàn và một nhân viên lấy mẫu phân bón bị khởi tố, bị bắt tạm giam về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Những người khác trong đoàn thoát nạn “kỳ lạ”.
Ông Phương (bên trái) lúc bị bắt
Ông Phương (bên trái) lúc bị bắt

Cả đoàn thống nhất, chỉ hai người bị khởi tố

Gần 7 tháng qua, bà Trần Ngọc Diễm (SN 1976), ngụ xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vẫn miệt mài gửi đơn kêu oan cho chồng mình là ông Châu Hoài Phương (SN 1978) bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Trước khi bị bắt, bị khởi tố, ông Phương là Phó chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ông Phương còn có ông Ung Văn Thanh là Kiểm soát viên Đội QLTT số 7 cũng bị khởi tố cùng tội danh.

Theo tờ giải trình của ông Phương, tháng 3/2016, Giám đốc sở Công thương ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Phương làm trưởng Đoàn, Phó đoàn là Trần Thanh Giảng – Trung tá, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng. Thành viên khác gồm: ông Võ Minh Thiên – Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Khôi – Phó trưởng phòng nghiệp vụ Tổng hợp Chi cục QLTT Sóc Trăng, bà Nguyễn Thị Bé Em – Chuyên viên Phòng nghiệp vụ tổng hợp Chi cục QLTT Sóc Trăng và ông Thanh.

Ngày 13/4/2016, Đoàn tiến hành kiểm tra DNTN – Hồ Mỹ Nhiên (chuyên mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tại TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, Đoàn thu thập 3 mẫu phân bón: Siêu DAP Super (tồn kho 80 bao); phân Vitoria HO (tồn kho 70 bao) và phân NPK (tồn kho 50 bao) do Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Con Cò Vàng (sau đây gọi là Cty Con Cò Vàng) sản xuất để đưa đi giám định chất lượng.

Theo kết quả giám định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP HCM) thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ba mẫu phân gửi đi phân tích có chỉ tiêu vượt chuẩn, có chỉ tiêu đạt chuẩn và trong mỗi mẫu đều có 1 chỉ tiêu chưa đạt chuẩn so với chỉ tiêu ghi trên bao bì.

Ngày 10/5/2016, Đoàn kiểm tra mời DNTN Hồ Mỹ Nhiên đến thông báo kết quả giám định. Tại buổi làm việc, đại diện DNTN Hồ Mỹ Nhiên có yêu cầu kiểm tra lại mẫu phân bón. Sau đó, Đoàn kiểm tra xuống cơ sở tiến hành niêm phong 2 lô phân bón gồm 150 bao có dấu hiệu giả về chất lượng, chờ kết quả kiểm tra theo yêu cầu.

Đoàn kiểm tra gửi 3 mẫu phân bón đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ để giám định. Lần này, chỉ giám định những chỉ tiêu chưa đạt chuẩn mà trước đây Trung tâm kỹ thuận tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã đánh giá. Kết quả, cả 3 mẫu phân đều có 1 chỉ tiêu thấp hơn ghi trên bao bì.

Có kết quả kiểm tra lại, ngày 10/6/2016, Đoàn kiểm tra tiến hành họp đề xuất phương án xử lý. Tại cuộc hợp các thành viên trong đoàn thống nhất mời doanh nghiệp lên thông báo và lắng nghe ý kiến về 3 mẫu phân bón chưa đạt chuẩn nói trên.

Ngày 12 và 13/6/2016, Đoàn kiểm tra nhận được đơn của DNTN Hồ Mỹ Nhiên và Cty Con Cò Vàng về việc có thể do tác nhân bên ngoài như vận chuyển, thời tiết... từ nơi sản xuất đến nơi phân phối khiến mẫu phân bón đưa đi giám định có kết quả chưa chính xác. Cả hai yêu cầu giám định lại lần nữa.

Bà Diễm cho rằng chồng mình bị oan
Bà Diễm cho rằng chồng mình bị oan

Cùng ngày 13/06/2016, Đoàn kiểm tra tiến hành họp xét đơn của hai đơn vị nói trên. Tại buổi họp 100% thành viên trong đoàn đề xuất cần phải giám định thêm 1 lần nữa. Đoàn kiểm tra nhận định căn cứ kết quả lần đầu và kết quả kiểm nghiệm lần tiếp theo thì chưa có hướng xử lý vì kết quả có khác nhau nên chấp nhận yêu cầu giám định thêm một lần nữa để làm căn cứ cuối cùng để xử lý, nếu có vi phạm.

Lần này, mẫu phân được gửi đến Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam bộ để giám định. Theo đó, kết quả lần này cho thấy chỉ tiêu ba mẫu phân bón đều đạt chuẩn, đạt chất lượng.

Căn cứ vào kết quả lần này, Đoàn thống nhất 100% không xử phạt hành chính, mở niêm phòng 150 bao phân bón, trả lại cho doanh nghiệp. Quyết định của đoàn không nhận được khiếu nại, khiếu kiện nào.

Tuy nhiên, đến ngày 09/06/2017, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan điều tra cho rằng lô phân bón của Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (phân phối) do Cty Con Cò Vàng sản xuất là “phân bón giả (giả chất lượng)”.

Thiếu căn cứ kết tội?

Bà Diễm nói rằng không rõ tại sao chỉ có ông Phương và ông Thanh bị khởi tố còn những thành viên khác trong Đoàn kiểm tra thoát nạn. Ông Phương là Trưởng đoàn, còn ông Thanh chỉ là thành viên được cử thu mẫu theo nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra. Cá nhân ông Phương không tự quyết định các lần đưa mẫu phân bón giám định, quyết định không xử phạt, trả lại hàng mà tất cả thành viên trong Đoàn kiểm tra cùng hội ý, ký tên thống nhất.

Còn theo LS Nguyễn Khánh Trang (Đoàn LS tỉnh Sóc Trăng) có 3 căn cứ không thể buộc ông Phương tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thứ nhất: Cơ quan tố tụng cho rằng thông tư của Bộ khoa học công nghệ chỉ cho phép đi kiểm nghiệm phân bón không quá hai lần. Lần kiểm ngiệm thứ hai là lần cuối cùng nhưng ông Phương không tiến hành xử phạt mà lại đồng ý cho đi kiểm nghiệm lần 3 là vi phạm. Tuy nhiên, ông Phương là cán bộ của Sở công thương nên tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ này. Các văn bản chuyên ngành của Bộ Công thương không có văn bản nào và không có điều khoản nào hạn chế, cấm việc kiểm nghiệm hàng hóa (phân bón) quá hai lần. Cơ quan tố tụng cho rằng ông Phương cho đi kiểm nghiệm phân bón lần 3 là vi phạm là chưa có căn cứ pháp luật.

Thứ hai: Cơ quan tố tụng cho rằng 3 mẫu phân bón thu được ở DNTN Hồ Mỹ Nhiên là phân bón giả về chất lượng, tức chất lượng không đúng với bao bì. Tuy nhiên, kiểm tra lần 1 và kiểm tra bổ sung (vì LS Trang cho rằng lần này chỉ giám định những tiêu chí chưa đạt của lần 1) dù có một chỉ tiêu chưa đạt chuẩn so với chuẩn ghi trên bao bì nhưng đã đạt chuẩn so với tiêu chuẩn Việt Nam về phân bón.

Thứ ba: Cơ quan tố tụng cho rằng hậu quả của hành vi không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lô “phân bón giả (giả chất lượng)” của DNTN Hồ Mỹ Nhiên phân phối đã gây thiệt hại cho nhà nước số tiền phạt vi phạm và việc giao trả hàng khiến toàn bộ lô phân bón này cung ứng ra thị trường nên gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng.

Đơn của bà Diễm gửi Báo PLVN
Đơn của bà Diễm gửi Báo PLVN

“Luận cứ trên là không có cơ sở vì 3 loại phân bón nói trên đã đạt chuẩn Việt Nam nên nó là phân bón thật, không phải giả, nghĩa là phân bón sử dụng được. Thứ nữa, tại sao lại cứ khăng khăng vào kết quả giám định lần 1 và lần bổ sung mà bỏ qua kết quả lần cuối cùng đạt chuẩn để kết tội ông Phương. Như vậy là quá chủ quan, thiếu căn cứ”, LS Trang cho rằng chưa đủ cơ sở kết tội nên cần hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trả tự do cho ông Phương.

Đồng quan điểm, bà Diễm cho rằng chồng mình bị oan. Bà cho hay ông Phương còn bị bệnh rất nặng, kết quả khám gần đây nhất bị bệnh tiểu đường giai đoạn 2, suy tim, rối loạn lipic máu. “Bảy tháng điều tra, nay vẫn chưa có kết quả điều tra nhưng vẫn cứ tạm giam. Trong khi chồng tôi bị bệnh nặng cần có chế độ ăn uống, môi trường sống sạch sẽ, uống thuốc hàng ngày. Tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm kết luận vụ án, chồng tôi có tội hay không có tội để làm trong sạch cho anh ấy”, bà Diễm nói.

Hồi giữa năm 2016, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón. Theo kết quả thanh tra, 11 tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định được chứng nhận chất lượng phân bón, thử nghiệm phân bón bị đình chỉ, xử phạt vì có dấu hiệu sai phạm hoặc liên quan trong việc cấp phép, kiểm tra và có dấu hiệu giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước.

Theo Thanh tra Bộ, 11 đơn vị mắc nhiều lỗi vi phạm liên quan tới chứng nhận và kiểm nghiệm phân bón gồm: Công ty CP giám định và khử trùng (FCC); Công ty CP giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CAFECONTROL) không có nhân viên chuyên ngành về phân bón, không có phòng thử nghiệp phân bón, không có đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận chất lượng…

Về hoạt động giám sát các đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón, Thanh tra Bộ khẳng định: tháng 11/2010 Cục Trồng trọt ban hành quyết định cho phép các DN, đơn vị chứng nhận chất lượng phân bón. Nhưng đến 8/1/2014 mới thực hiện đánh giá giám sát các cơ quan này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.  

Do phát hiện các vi phạm và gian lận, cơ quan Thanh tra kiến nghị Bộ NN&PTNT hủy các quyết định chỉ định DN, đơn vị tổ chức chứng nhận phân bón và Quyết định chỉ định phòng thử nghiệm phân bón đối với 11 đơn vị được thanh tra. Thu hồi toàn bộ các giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định. Tổ chức kiểm điểm cán bộ, các cá nhân, tổ chức của Cục Trồng trọt vì có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xác định hành vi, mức độ vi phạm của 11 tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón đã được Cục Trồng trọt cấp theo quy định pháp luật.

Đọc thêm