Về nghi vấn “ưu ái” chấm thầu tại Quảng Bình: Tỉnh chỉ đạo, huyện đang nhanh chóng làm rõ

(PLVN) - Trước những nghi vấn về sự ưu ái và bất thường trong quyết định chấm thầu công trình giao thông nông thôn tại xã Hồng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện đã thành lập tổ kiểm tra và làm rõ các vấn đề được Báo PLVN đã nêu để báo cáo cho UBND tỉnh và có phương án xử lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Quyết định chấm trúng thầu của BQL xã Hồng Hóa  liệu có gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 435 triệu đồng?
Quyết định chấm trúng thầu của BQL xã Hồng Hóa liệu có gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 435 triệu đồng?

Thời gian gần đây, báo PLVN có các bài phản ánh về công trình “Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa”, nghi vấn sự ưu ái và bất thường trong quyết định chấm thầu của Ban quản lý (BQL) xã Hồng Hóa. Quyết định chấm thầu chưa rõ có hay không lý do ‘đặc biệt’ này vô tình gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 435 triệu đồng.

Sau khi Báo PLVN nêu ra những nghi vấn trong quyết định chấm thầu của công trình này, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu huyện Minh Hóa nhanh chóng xác minh, làm rõ và sớm có báo cáo trả lời trong thời gian tới.

Về phía huyện Minh Hóa, trao đổi với PV, ông Bùi Anh Tuấn – Chủ tịch UBND huyện - cho biết, UBND huyện đã thành lập tổ gồm các phòng chuyên môn về xã Hồng Hóa để kiểm tra và làm rõ các vấn đề liên quan đến công trình mà Báo PLVN đã nêu. UBND huyện đang chỉ đạo và đốc thúc các thành viên trong tổ này nhanh chóng làm rõ sự việc nhằm báo cáo cho UBND tỉnh cũng như có phương án xử lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình.

Nhiều lần PV trực tiếp đến UBND xã Hồng Hóa để xin đặt lịch làm việc, tuy nhiên Trưởng BQL xã này vẫn...chưa sắp xếp được lịch.
 Nhiều lần PV trực tiếp đến UBND xã Hồng Hóa để xin đặt lịch làm việc, tuy nhiên Trưởng BQL xã này vẫn...chưa sắp xếp được lịch.

Đối với việc Trưởng BQL xã Hồng Hóa nhiều lần từ chối làm việc với PV vì chưa sắp xếp được thời gian rảnh, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, nêu rõ quan điểm: “Việc đó là phải trả lời, không chỉ trả lời cho báo mà còn phải trả lời cho nhân dân. Cái việc mình (BQL xã Hồng Hóa – PV) đó, báo đặt vấn đề như thế rồi thì mình phải giải trình lại xem báo nêu như thế đúng hay sai chứ từ chối làm sao được. Ông (Trưởng BQL xã – PV) từ chối là ông lẩn tránh, là ông sai ông sợ. Nếu ông sai thì ông phải xin nhận trách nhiệm còn xử lý thì theo quy định”.

Thiết nghĩ, trước sự quan tâm của dư luận địa phương đối với quyết định chấm trúng thầu công trình nghi vấn có sự ưu ái này, các cơ quan có thẩm quyền cần khách quan xem xét, đánh giá và lựa chọn đơn vị phù hợp, vừa đảm bảo năng lực thực hiện công trình, vừa đảm bảo yếu tố tiết kiệm cho lợi ích ngân sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Công trình giao thông nông thôn "Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa"
 Công trình giao thông nông thôn "Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa"

Như Báo PLVN đã đưa, ngày 6/11/2019, BQL xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) tổ chức mở thầu công khai hồ sơ của các nhà thầu tham gia gói thầu xây dựng công trình “Đường vào khu sản xuất Cây Mang xã Hồng Hóa (Giai đoạn 1)”.

Cụ thể, công trình có chiều dài hơn 2,5km, thuộc loại công trình giao thông nông thôn (cấp IV) do Ban quản lý xã làm chủ đầu tư. Tổng mức tư cho công trình là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tại buổi mở thầu công khai, có 02 đơn vị đủ điều kiện tham gia gói thầu gồm: Tổ tự quản Cầu Ròong và Tổ xây dựng Cao Viết Hùng (xã Hồng Hóa). Tuy nhiên, tại buổi mở thầu công khai ngày 6/11 không hề có sự tham gia của đơn vị Tổ tự quản Cầu Ròong mà chỉ có sự tham gia của Tổ xây dựng Cao Viết Hùng cùng đại diện đơn vị được tổ này hợp đồng thuê máy móc, kỹ thuật để thực hiện công trình nói trên.

Kết quả mở thầu, Tổ xây dựng Cao Viết Hùng có mức giá dự thầu là 2.144.929.000 đồng. Còn mức giá dự  thầu của Tổ tự quản Cầu Ròong thời điểm mở kết quả thầu thì theo ông Độ (Đại diện đơn vị được Tổ xây dựng Cao Viết Hùng thuê để thực hiện công trình nếu trúng thầu) cao hơn là 4.900.000 đồng. Có nghĩa là, mức giá dự thầu của Tổ tự quản Cầu Ròong thời điểm mở thầu ngày 6/11 đó là 2.149.829.000 đồng.

Dù có mức giá dự thầu thực hiện công trình cao hơn “đối thủ” và vắng mặt tại buổi mở thầu công khai nhưng tại Quyết định số 321/QĐ-BQL ngày 02/12/2019 của Ban Quản lý xã Hồng Hóa về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu nói trên thì đơn vị Tổ tự quản Cầu Ròong (đơn vị có mức giá dự thầu xếp thứ 2)…vẫn trúng thầu ?

Đáng chú ý hơn, số tiền chênh lệch theo đại diện đơn vị  được tổ xây dựng Cao Viết Hùng hợp đồng thuê máy móc, kỹ thuật để thực hiện công trình đã tăng từ 4.900.000 đồn lên 435.071.000 đồng.

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu BQL xã Hồng Hóa có “ưu ái” chấm cho đơn vị Tổ tự quản Cầu Ròong trúng thầu? Và quyết định chấm trúng thầu chưa rõ có lý do gì đặc biệt này vô tình gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 435.071.000 đồng.

Đọc thêm