Vì “cái tâm“… dẫn đến sai phạm?!

(PLO) - Thời gian vừa qua, dư luận đã dấy lên câu chuyện về vi phạm xây dựng tại khu vực núi Cái Hạ, thôn Trường An, xã Trường Yên, huyện Hoa lư, tỉnh Ninh Bình – một Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Vì sao lại dẫn đến câu chuyện đáng tiếc này?
Vì “cái tâm“… dẫn đến sai phạm?!

Địa linh kỳ vĩ

Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Cty Cổ phần du lịch Tràng An cho biết, hiện tại trong tay ông còn nhiều di vật và một cuốn sách cổ mà nhiều nhà khoa học chưa được tiếp cận… Mong muốn của ông là được mời các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, các nhà dịch thuật, các nhà khảo cổ học về Tràng An cổ để giúp đỡ giải mã những khắc họa, những Văn bia trên những vách đá, đọc ra niên đại những di vật cổ mà ông đã tìm được trong quá trình nạo vét đoạn sông Sào Khê (nghĩa Hán Nôm “Sào” là ngòi; “Khê” là khe) và Xuyên Thủy Động Hang Luồn là vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới này.

Khi ông được nghe thuyết minh và tận mắt được ngắm nhìn những dữ liệu lịch sử văn hóa như: hình khắc họa trên vách đá của Xuyên Thủy Động Hang Luồn được ghi lại những thời khắc lịch sử khi Đinh Bộ Lĩnh xưng Vương - xưng Đế tại đây; hình của những Đạo bùa, linh phù bùa chú trấn âm, trấn trạch để bảo vệ Kinh thành Hoa Lư xưa, tận mắt nhìn thấy những mảnh Gốm từ thời Đinh Bộ Lĩnh… Những di tích, những vật chứng đã gây ấn tượng sâu sắc cho tất cả du khách về thăm quan – khám phá khu du lịch Tràng An cổ hiện nay.

Nhiều chứng tích lịch sử thời Đinh Tiên Hoàng đế khai Quốc mà chúng ta bây giờ mới dần tìm thấy được những di vật cổ, văn bia, những hình khắc họa và những tài liệu lịch sử, dã sử này còn nhiều tiềm ẩn lưu truyền trong Cố Đô.

Tập truyện “Ngọn cờ lau lịch sử” do tác giả Như Nguyễn biên dịch, chép tay từ tập truyện Hán Nôm gồm 241 hồi. Tập truyện kể lại thân thế và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh từ thủa thiếu thời, sau xưng Vạn Thắng Vương đi dẹp 12 xứ quân thống nhất giang sơn – xưng ngôi Hoàng Đế, đặt tên Giang Sơn, khai sinh Xã Tắc và định đô Hoa Lư tại đây. Hiện tập truyện này, ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Cty Cổ phần Tràng An đang nắm giữ.

Trích đoạn hồi thứ 27 trong tập truyện “Đóng Đô Động Cũ” có đoạn:

“…Nước non như cũ, ngày tháng chưa bao,

Động xưa thẳng ngọn cờ Đào,

Hoa Lau hớn hở như chào chủ nhân”.

Có đoạn người xưa viết: “…Hai người lạy tạ lui ra cùng nhau sửa soạn lễ nghi. Cách ba hôm sau được ngày tốt Nguyễn Bặc, Lê Hoàn cùng các Tướng, Tá đem nhau đến cửa dinh rước Vạn Thắng Vương đến trước cửa đàn làm lễ tế trời đất và lịch Đại Đế Vương, rồi lên ngôi hoàng đế, đặt niên đại là Thái Bình, quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở động Hoa Lư, tức là Thung Lau…” – Khu vực này Đinh Bộ Lĩnh đã cho dựng Đàn Kính Thiên. Nhiều nhà nghiên cứu cùng khẳng định “Di tích cổ này may mà không bị thất truyền”.

Trên dãy núi Xuyên Thủy Động Hang Luồn gồm có 8 đỉnh núi, thẳng Hang Luồn lên có một đỉnh núi nhỏ, hơi chếch về phía Tây, người dân nơi đây thường gọi là đỉnh Huyền Vũ. Đây là đỉnh núi còn nguyên di tích, Đinh Bộ Lĩnh đã cho đục tẩy đá tai mèo tạo mặt bằng rộng khoảng hơn 200m2 để dựng Đàn Kính Thiên.

Nhằm ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm 968, Người đội mũ “Bình Thiên” mặc áo “Lông Cổn” đăng đàn tế bái trời đất rồi bố cáo thiên hạ, xưng tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt tên nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Đinh Bộ Lĩnh đã trọn đỉnh Huyền Vũ này đăng đàn, khai sinh ra nước Việt xưa.

Tại đỉnh núi Huyền Vũ này, dấu tích xưa còn để lại kê cầu bắc bậc - lối lên xuống mà tướng sỹ triều Đinh đã tạo dựng để tháp tùng, đưa đón Hoàng Đế lên đỉnh núi tế lễ - đăng đàn…

Các thành viên Công ty du lịch Tràng An đều là con cháu thuộc dòng tộc Đinh, đã có nhiều đời sinh sống tại thung Cái Hạ, cửa xuyên thủy Động Hang Luồn và thấy trách nhiệm của mình cần phải phục dựng bậc lên, xuống để người dân đều được đến chiêm ngưỡng điểm di tích lịch sử thiêng liêng có một không hai này.

Đứng trên đỉnh Huyền Vũ nhìn xuống là một linh huyệt thiêng liêng, người xưa gọi là “Giếng giải oan”. Giếng hút thẳng vào tâm của trái đất mà tới nay vẫn chưa có ai dò được tới đáy. Chỉ biết người xưa căn dặn: “Đây là nơi giao thoa của âm dương ngũ hành, nơi hội tụ của khí thiêng thiên nhiên, hòa hợp giữa đất với trời… Thông Thiên - Thấu Địa”.

HÌnh trạm khắc Triều Đinh trên vách đá
HÌnh trạm khắc Triều Đinh trên vách đá

Đứng trên đỉnh núi bao quát cả một vùng đều cảm nhận thấy ngay thế núi, sông thiêng nơi đây là thế “Tàng Long Tụ Thủy”, “Long chầu Hổ cứ” – hàng trăm đỉnh núi xung quang đều quay chầu về nơi đỉnh núi Huyền Vũ này. Dòng Sào Khê có Xuyên Thủy Động Hang Luồn chảy qua, quay ngoắt ôm lấy mảnh đất Cái Hạ, ôm chân núi Huyền Vũ. Nhìn về phía trước có Tả Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước và hậu Huyền Vũ chính là nơi đây. Hội tụ đủ các dãy núi thể hiện rõ: “Tứ Linh Long - Ly - Quy - Phượng”. Long bên trái là Rồng biểu thị cho quyền lực; Ly (Bạch Hổ) bên phải biểu thị cho sức mạnh; Quy phía sau biểu thị cho trường tồn; Phượng phía trước biểu thị cho cao sang quyền quý.

Theo phân trần của Ban lãnh đạo Công ty Du lịch Tràng An, chính bởi sự kỳ vĩ và xuất phát từ cái tâm của các thành viên Công ty mong muốn phục dựng đường lên xuống đỉnh núi Huyền Vũ này để cho du khách thập phương được chiêm ngưỡng, nên họ đã phạm phải các nguyên tắc trong việc bảo tồn “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An” đã được UNESCO công nhận.

Không vì mục đích kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Tràng An phân trần thêm: “Chúng tôi không nhằm mục đích kinh doanh, bởi đây là một Khu di tích lịch sử rất linh thiêng. Khi tìm được cuốn sách cổ, tôi đã đọc rất kỹ và dần dần leo lên để tìm hiểu thì bất ngờ thấy được nhiều chứng tích ở trên đó đúng như lưu truyền xưa và có ở trong cuốn sách này…”.

Vừa nói, ông Son vừa chìa cuốn sách cho các phóng viên xem, rồi ông nói tiếp: “Chúng tôi tự bỏ vốn để phục dựng lại di tích cũ và xuất phát từ cái tâm để phục vụ du khách, góp phần tôn vinh thêm di tích lịch sử vùng lõi cố đô Hoa Lư. Tháng 8 - 2017, Công ty đã có Tờ trình gửi: UBND tỉnh Ninh Bình; Sở VHTT; Sở Du lịch và UBND huyện Hoa Lư .v.v. mong muốn được khôi phục bậc lên xuống có từ xa xưa - thực hiện theo ý nguyện, sớm để kịp đón đại lễ “Kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh xưng ngôi Hoàng Đế, khai sinh Đại Cồ Việt (968 – 2018), giới thiệu bổ sung thêm di chỉ văn hóa – làm sáng tỏ thêm một góc khuất của lịch sử Cố đô Hoa Lư. Chúng tôi cũng lập phương án phục dựng hệ thống bậc thang, kiểu dáng gần gũi với thiên nhiên (có thiết kế - hình ảnh) gửi kèm theo”.

Với Tờ trình của Công ty du lịch Tràng An, UBND huyện Hoa Lư đã có công văn số: 719/CV- UBND ngày 01-9-2017 gửi Sở VHTT; Sở Du lịch Ninh Bình. Trong nội dung công văn của huyện nêu: “…Việc khôi phục và xây dựng bậc cầu thang lối lên Đàn Kinh Thiên trên đỉnh núi Huyền Vũ là cần thiết nhằm ôn lại truyền thống yêu nước hào hùng của cha ông thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, lên ngôi Hoàng Đế; đồng thời góp phần tạo điểm nhấn về văn hóa, lịch sử, du lịch tâm linh khu Tràng An Cổ…”.

Ông Đinh Trung Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Khi phát hiện xảy ra sai phạm của Cty du lịch Tràng An, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra. Khi có kết quả kiểm tra ban đầu, UBND tỉnh đã có văn bản tập chung chỉ đạo ngay từ đầu xử lý sai phạm này. Tuy nhiên, với góc độ về quản lý Nhà nước, cấp xã, cấp huyện cũng thiếu sự kiểm tra thường xuyên dẫn đến việc Cty du lịch Tràng An đã xây dựng đường bậc thang dẫn lên đỉnh núi sâm phạm Di sản VH. Đến nay, tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra.

Sau khi có kết luận cụ thể, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý để phát huy bảo tồn Di sản văn hóa, nếu thấy nghiêm trọng thì buộc phải tháo dỡ. Tỉnh cũng biết ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Cty Cổ phần Tràng An là một con người có tâm huyết, mục đích – cái tâm là tốt, nhưng nhận thức hiểu biết pháp luật về Di sản VH thế giới lại không nắm được nên đã vội vàng thực hiện ý tưởng của mình dẫn đến sai phạm. Cũng rất đáng tiếc, nếu như ông Son có nguyện vọng mà thực hiện đúng quy trình, khi các cấp, các ngành, cơ quan chức năng xem xét thẩm định phê duyệt thì mới được làm và không dẫn đến câu chuyện như ngày hôm nay…”.

Qua sự việc này, UBND tỉnh Ninh Bình cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo tồn những di sản VH cấp Quốc gia, Quốc tế, nhất là trong công tác tuyền truyền về pháp luật – Luật bảo tồn Di tích lịch sử và Di sản VH đến từng địa phương.

Đọc thêm