Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về ai?

(PLO) - Kỳ họp thứ 4, HĐND TP Hà Nội khóa XV vừa kết thúc và câu chuyện về  vi phạm trật tự xây dựng vẫn là vấn đề nóng nhất trong phiên chất vấn tại kỳ họp này. Trước đó, tại phiên chất vấn ở kỳ họp tháng 12/2016, lãnh đạo thành phố đã có chỉ đạo tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, nhưng đến nay vẫn chưa triệt để. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng ra sao, giải pháp nào để không tái phát tình trạng này? Đây chính là câu hỏi lớn của cử tri và người dân Thủ đô.
Hà Nội vẫn còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng.Ảnh minh họa
Hà Nội vẫn còn nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng.Ảnh minh họa

Hàng nghìn công trình vi phạm

Chủ trương của thành phố là sau khi di dời các trụ sở cơ quan trung ương, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô sẽ dành quỹ đất để phát triển hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quỹ đất sau di dời không được sử dụng đúng mục đích mà cho thuê để kinh doanh. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?- đó là một thực trạng mà nhiều đại biểu đã chất vấn cơ quan quản lý trong kỳ họp HĐND vừa qua.

Trong báo cáo về giám sát trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, tại khu đô thị còn thiếu một số hạ tầng xã hội như vườn hoa, sân chơi, đặc biệt là các trường học… dẫn đến một số khu đô thị đi vào hoạt động không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, nhất là vấn đề thiếu trường học các cấp, dẫn đến các trường học đều quá tải. Có nhiều lớp học sinh lên tới 50-60 học sinh/lớp, thậm chí đông hơn.  Bên cạnh đó, một số khu đô thị có sự điều chỉnh công năng, một số công trình điều chỉnh từ tòa nhà văn phòng thương mại sang văn phòng thương mại nhà ở để bán, dẫn đến số lượng các khu căn hộ tăng lên khá lớn, cá biệt có khu đô thị mới có khoảng hơn 5.000 căn hộ; với số lượng 4 người/căn hộ thì sẽ có khoảng 20.000 dân, như vậy sẽ hình thành đủ một phường và không có những thiết chế liên quan… Theo số liệu, có 985 công trình xây dựng vi phạm có hồ sơ đã được chuyển đến các cấp chính quyền. 

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP, hiện nay Hà Nội mới triển khai được 33% số trường học dự kiến xây dựng theo cam kết, cụ thể là 211/633 trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là đến bao giờ người dân Thủ đô mới có bản đồ số gắn kết được trường học với khu dân cư và mật độ dân số để nhân dân có thể đưa ra quyết định khi mua bất động sản, mua nhà cũng như có thông tin để chỉ ra việc chủ đầu tư sai phạm trong việc không xây dựng trường học cũng như phòng cháy, chữa cháy.

Chủ trương của thành phố là sau khi di dời các trụ sở cơ quan trung ương, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô sẽ dành quỹ đất để phát triển hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quỹ đất sau di dời không được sử dụng đúng mục đích mà cho thuê để kinh doanh. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?- đó là một thực trạng mà nhiều đại biểu đã chất vấn cơ quan quản lý trong kỳ họp HĐND vừa qua.

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đã  nêu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng không chỉ diễn ra ở các khu nhà ở, hộ gia đình mà xảy ra ở cả các khu đô thị đã được phê duyệt tỷ lệ 1/500. Cùng với đó là việc biến tướng sau dồn điền đổi thửa khi các lô biệt thự, các khu trang trại sinh thái đua nhau mọc lên như nấm sau mưa.

Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hà Nội Lê Vinh thì các khu đô thị, quy hoạch đều phải có đầy đủ hạ tầng xã hội, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư đã không thực hiện đúng. Thực tế cho thấy, các chủ đầu tư xây nhà trước, xây hạ tầng sau dẫn đến chậm hơn so với quy hoạch. Một vấn đề khác là tốc độ phát triển đô thị rất lớn, các hạ tầng xã hội, trong đó có nhà trẻ, trường không thể 

đáp ứng kịp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến quá tải trường mầm non là do tỷ lệ trường công và trường xã hội hóa rất lệch, trong khi nhu cầu người dân là muốn cho con em học theo trường công. Cụ thể ở quận Cầu Giấy có 15 trường mẫu giáo công so với 51 trường mẫu giáo tư; quận Tây Hồ có 8 trường mầm non công trên tổng số 32 trường. 

Về hướng giải quyết, ông Vinh cho rằng đối với các dự án mới, phải yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh xây dựng trường học, nhà trẻ. Thứ hai, đối với các dự án cấp phép đầu tư cần phải xây dựng công trình hạ tầng trước khi xây nhà. Đợt tới, 

khi cải tạo chung cư cũ, Sở sẽ tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Trước những diễn biến phức tạp của vi phạm về trật tự xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã yêu cầu không chỉ riêng Sở Xây dựng tham mưu thành phố mà các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đều phải tham mưu trong từng lĩnh vực, trong từng chức năng. 

Còn Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP tăng cường kiểm tra để xử lý kịp thời những vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, nhân rộng mô hình của huyện Mê Linh là xem xét đình chỉ ngay chức vụ của người đứng đầu cơ sở khi để xảy ra vi phạm trên địa bàn. Bằng mọi cách không để xảy ra vi phạm mới. Cùng với đó, cần tiếp tục sắp xếp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Riêng về đội ngũ thanh tra xây dựng, UBND TP phải sớm làm rõ mô hình để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải giải quyết triệt để những tồn tại vi phạm, không để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng: Sai phạm vẫn còn chồng chất

Đó là thừa nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khi ông cho rằng việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn nhiều. Trong năm vừa qua, dù các cấp chính quyền có cố gắng, có tập trung nhưng việc thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi những sai phạm cũ chưa được xử lý triệt để thì những phát sinh mới lại chưa được giải quyết sớm. Vì vậy diễn biến còn phức tạp. “Chất lượng của cán bộ quản lý địa bàn, thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương trong việc xử lý chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành của chủ đầu tư và bộ phận người dân chưa tốt, cố tình vi phạm” - ông Hùng thừa nhận và khẳng định: “Thành phố có quy định về xử lý vi phạm, công cụ pháp luật có đầy đủ, phải xem xét từng trường hợp, rút kinh nghiệm trong thực hiện pháp luật”.

Về vấn đề trách nhiệm, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, chỉ cần một bài báo phản ảnh thực trạng sai phạm thì UBND TP đã có chỉ đạo xuống các đơn vị, địa phương. Hoặc nghe được tin nhắn của nhân dân thì lãnh đạo thành phố đều có yêu cầu trực tiếp, thậm chí chuyển tin nhắn cho lãnh đạo địa phương xử lý. 

Vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu quyết tâm: Thành phố sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý, nhất là bộ máy quản lý trực tiếp ở địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm, sẽ công bố thông tin của các doanh nghiệp, người dân vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đối với những vi phạm nghiêm trọng, thành phố sẽ yêu cầu cơ quan thanh tra, cơ quan công an vào cuộc làm rõ.

Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt (Liên đoàn Luật sư Hà Nội): Địa bàn nào vi phạm nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên

Thực ra những quy định về xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng và quản lý đô thị đã rất chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật,  nhưng tình trạng vi phạm diễn ra không thể không nói chính quyền địa phương buông lỏng quản lý hay cố tình làm ngơ hoặc bị mua chuộc; dẫn tới vi phạm chồng vi phạm là điều đương nhiên. Theo tôi, muốn trật tự xây dựng đi vào nền nếp thì việc đầu tiên là xử lý cán bộ; địa bàn nào để xảy ra vi phạm nhiều, khiếu kiện nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên, như cách chức, chuyển công tác. Cứ làm nghiêm vậy, xây dựng đô thị sẽ đi vào nền nếp.

Đọc thêm