Vì sao cựu Chủ tịch xã Canh Nậu kêu oan?

(PLVN) - Không đồng tình với bản án được TAND TP Hà Nội tuyên xử về hành vi giao đất không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, cựu Chủ tịch xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã kháng cáo kêu oan.
Ông Nguyễn Trung Thắng  - Cựu Chủ tịch UBND xã  Canh Nậu
Ông Nguyễn Trung Thắng - Cựu Chủ tịch UBND xã Canh Nậu

Diễn biến vụ việc

Ngày 8/7/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội (PC46 nay là PC03) nhận được đơn của một người dân tố giác cán bộ xã Canh Nậu giao đất giãn dân không đúng đối tượng và thu tiền sử dụng đất không hạch toán vào sổ sách kế toán theo quy định, PC46 Hà Nội đã điều tra và xác định nhóm cán bộ xã Canh Nậu thời kỳ 2004-2010, đứng đầu là ông Nguyễn Trung Thắng - Chủ tịch UBND xã đã có những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, kinh tế.

Cụ thể, liên quan đến việc giao đất giãn dân khi tiến hành thu hồi đất làm Điểm công nghiệp trên địa bàn xã và thu hồi đất hai lúa tại khu Đồng Vũng làm khu đất giãn dân không đúng quy định, gây thiệt hại cho nhà nước. PC46 Hà Nội xác định, nhóm cán bộ xã Canh Nậu đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ” theo Khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 1999 nên chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp để truy tố ra tòa.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/3/2019, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Thắng (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND xã) 7 năm 6 tháng tù; Đỗ Đăng Soạn (SN 1966, cựu Phó Chủ tịch xã) và Nguyễn Lương Thanh (SN 1973, cán bộ địa chính xã) 4 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Chắt (SN 1958, kế toán xã), Nguyễn Đức Giạng (SN 1959, thủ quỹ) lần lượt lĩnh 3 năm tù và 30 tháng tù nhưng đều được hưởng án treo.

Bản án còn xác định, từ tháng 5/2006 đến năm 2008, bị cáo Thắng đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND xã Canh Nậu để cấp đất giãn dân sai đối tượng, không đúng thẩm quyền, quy định. Cụ thể, bị cáo chỉ đạo thành lập khống 103 hộ xin đất, trình UBND huyện Thạch Thất phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo Soạn – Phó Chủ tịch UBND xã và Thanh điều ghép 93 suất đất không đúng thủ tục và chỉ đạo Chất, Giạng thu tiền đất người dân. Các bị cáo bàn giao đất cho 93 hộ dân điều ghép và 3 hộ trả đất đối lưu diện tích hơn 10.000 m2.

Bên cạnh đó, Toà án xác định năm 2013, Hội đồng định giá tài sản xác định giá lô đất khu đất giãn dân Đồng Vũng thời điểm sai phạm là 700.000 đồng/m2 – 800.000 đồng/m2. Nhưng thực tế xã chỉ thu mức 350.000 đồng (lô loại 2) và 500.000 đồng/m2 (lô loại 1). Trong 64 hộ đều ghép không trùng tên có 3 xuất xã trả đất nhưng không thu tiền.

Vì vậy, Toà án xác định hành vi giao đất không đúng đối tượng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 8 tỷ đồng. Số tiền trên các bị cáo chỉ nộp vào kho bạc 3,4 tỷ đồng. Số tiền còn lại các bị cáo tự ý ứng chi giải phóng mặt bằng khu giãn dân và khu đấu giá hơn 2,6 tỷ đồng, xây trường mầm non 284 triệu đồng, làm đường liên thôn 88 triệu đồng…

Tuy nhiên bị cáo Nguyễn Trung Thắng đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng Toà án kết tội oan cho bị cáo; bị cáo không thực hiện sai các quy định của nhà nước, của tỉnh Hà Tây (cũ) và của UBND huyện Thạch Thất. Lỗi của bị cáo chỉ nằm trong phạm vi giới hạn xử lý hành chính. Bị cáo không có dấu hiệu tham nhũng, tư lợi cá nhân trong vụ việc này!

Chỉ là vụ việc hành chính?

Theo hồ sơ, năm 2007, UBND xã Canh Nậu lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Thạch Thất thu hồi 32.343,3 m2 đất 2 lúa tại khu vực Đồng Vũng, xã Canh Nậu để giao cho 200 hộ dân làm nhà ở trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đất đã được UBND huyện phê duyệt. Theo đó danh sách thông tin về tên chủ sử dụng đất, diện tích đất bị thu hồi xã Canh Nậu đều báo cáo UBND huyện bằng văn bản và đã được huyện phê duyệt. Các hộ đều là đối tượng được cấp đất giãn dân (thực tế là trả đất dịch vụ 10% khi thu hồi đất làm dự án Điểm công nghiệp làng nghề -NV).

Cụ thể, trong 103 hộ xin cấp đất đất mà cáo trạng của VKSND TP Hà Nội cũng như Kết luận điều tra của PC46 Hà Nội đều không chỉ ra được hộ dân nào được lập khống trong 103 hộ xin cấp đất. Qua trao đổi, ông Thắng cho biết 103 hộ thực chất là tên của những hộ đều ghép trong 531 hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Điểm công nghiệp làng nghề của xã.

Tuy nhiên, ban đầu danh sách trình lên huyện để phê duyệt như Quyết định 686/QĐ-UBND ngày 7/5/2007 của UBND huyện Thạch Thất đã ban hành, nhưng sau đó, do người đứng tên trong những hộ điều ghép (thành 1 suất đất giãn dân) thay đổi người đại diện. Thời điểm đó do sự nóng vội cộng với mong muốn tiến độ của Dự án sớm hoàn thành, nên các vị này đã không làm lại tờ trình gửi UBND huyện để phê duyệt, điều chỉnh lại người đứng tên nhận đất giãn dân như Quyết định 686 phê duyệt trước đó.

“Vấn đề này tôi có sai sót, nhưng chỉ sai về mặt thủ tục hành chính. Thực tế, tên người sai so với Quyết định 686 của UBND huyện Thạch Thất mà PC46 Hà Nội cũng như VKS xác định, về bản chất vẫn là những người có đất bị thu hồi để làm điểm công nghiệp (trong số 531 hộ bị thu hồi đất), không có người ngoài nào được cài cắm, điều ghép vào”, ông Thắng giải thích.

Luật sư Nguyễn Văn Quang (Công ty Luật hợp danh V.I.P thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội) là người bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Trung Thắng nhận định: Qua nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trực tiếp tham gia phiên tòa sơ thẩm, tôi cho rằng ông Nguyễn Trung Thắng không có hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã tuyên.

Được biết, tới đây TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Liệu có hay không cựu chủ tịch xã Canh Nậu Nguyễn TrungThắng bị oan?

Báo PLVN tiếp tục phản ánh thông tin đến bạn đọc trên theo diễn biến của vụ việc.

Đọc thêm