Việt Trì (Phú Thọ): đất trồng cây lâu năm “biến hóa” thành nhà xưởng.

(PLO) - Một xưởng sản xuất đá tồn tại trên đất quỹ II ( đất trồng cây lâu năm), ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gần mười năm nay mà không hề bị xử lí hay có sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương đang khiến dư luận vô cùng bức xúc ...

Xưởng nghiền đá trong khu dân cư, môi trường sống người dân bị “bức tử”

Mới đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng ô nhiễm môi trường (khói bụi, tiếng ồn) do xưởng nghiền đá của Công ty Bảo Minh tồn tại trong khu dân dư trong suốt một thời gian dài.

Cụ thể, nhiều hộ dân trong khu dân cư Quế Trạo, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì vô cùng bức xúc vì môi trường sống bị ô nhiễm do công ty Bảo Minh sản xuất bột đá. Được biết, “Công ty Bảo Minh hoạt động từ năm 2008, cho tới nay đã được gần mười năm. Bụi mù mịt trắng đường, tiếng ồn thì như “tra tấn” người dân mỗi ngày. Hoạt động lâu lắm rồi, nhưng mới đây mới thấy bảo có cơ quan vào xử lí phạt 100 triệu đồng. Người dân khổ lắm, nhưng hàng xóm láng giềng, khó ăn khó nói.” – một người dân sống trong khu vực đó cho hay.

Công xưởng xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm.
Công xưởng xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm.

Theo tìm hiểu của PV, được biết thời gian đầu công ty Bảo Minh thu mua đá từ ngoại tỉnh về tập kết , sau này mua máy móc về và tiến hành sản xuất ngay tại khu đất tập kết này. Khu công xưởng của công ty nằm cả  ở hai bên đường, một phần thuộc đất thuê lại của ông  Dương Đình Trọng , một phần bên đường là thuê lại đất quỹ II của phường Dữu Lâu.

Những hình ảnh tại xưởng sản xuất đá
Những hình ảnh tại xưởng sản xuất đá

Công ty hoạt động từ sớm tới tối muộn, không che chắn gì ngoài lớp tường bao xung quanh cao hơn 1 mét. Thời gian gần đây, do người dân phản ánh nhiều, nên công ty đã cho quyét đường đi lại, và chăng bạt vào máy nghiền đá để giảm tình trạng khói bụi. Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì với những biện pháp thủ công như vậy cũng không giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường là mấy..

Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong suốt 1 thời gian dài..
Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong suốt 1 thời gian dài..

Sai phạm tồn tại gần 10 năm nhưng không hề bị xử lý ?

Để tìm hiểu rõ hơn, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Đặng Văn Sỹ - chủ tịch UBND phường Dữu Lâu. Tại buổi làm việc ông Sỹ cho hay : “ doanh nghiệp Bảo Minh là doanh nghiệp tư nhân, trước kia tập kết ở khu sân vận động Bảo Đà, tuy nhiên do khu vực sân vận động giải phóng mặt bằng nên doanh nghiệp có chuyển về khu vực Quế Trạo và thuê 1.444 m2 đất quỹ II của phường Dữu Lâu để tập kết đá. Sau đó do phường nhiều việc nên chưa rà soát được những phần đất quỹ II cho thuê, hơn nữa tôi mới lên được 2 năm, nên chưa nắm bắt được nhiều. Thành phố cũng đã có đoàn thanh tra về, có gì hỏi thêm thì xuống hỏi anh Hợp phó chủ tịch phường, anh ấy làm ở đây lâu rồi”.

Ông Đặng Văn Sỹ - chủ tịch UBND phường Dữu Lâu tại buổi làm việc với PV báo PLVN
Ông Đặng Văn Sỹ - chủ tịch UBND phường Dữu Lâu tại buổi làm việc với PV báo PLVN

Ông Sỹ cũng cho biết thêm là hợp đồng thuê đất của phường với ông Phan Đăng Thuận đã được chấm dứt.  Tuy nhiên, biên bản thanh lí hợp đồng thuê đất đối với ông Phan Đăng Thuận đã được thanh lí từ ngày 31/12/2014 nhưng cho tới thời điểm hiện tại thì hiện trạng đất vẫn chưa được trả lại và hoạt động của công ty Bảo Minh vẫn đang diễn ra. 

Biên bản thanh lí hợp đồng 31/12/2014 nhưng xưởng nghiền đá vẫn "ngang nhiên" hoạt động trên phần đất đã thuê.
Biên bản thanh lí hợp đồng 31/12/2014 nhưng xưởng nghiền đá vẫn "ngang nhiên" hoạt động trên phần đất đã thuê.

Phần đất công ty Bảo Minh thuê lại của UBND phường Dữu Lâu là đất trồng cây lâu năm, được nhà nước giao cho dân trồng cây nhưng UBND phường Dữu Lâu lại thu hồi và cho ông Phan Đăng Thuận thuê lại với mục đích khác. Vậy UBND phường Dữu Lâu đã căn cứ vào đâu để thu hồi đất trồng cây lâu năm của dân để cho ông Phan Đăng Thuận thuê, và việc quản lí diện tích đất được quản lí như thế nào khi công xưởng tồn tại gần khu dân cư gần 10 năm qua?

Mặt khác, PV báo Pháp luật Việt Nam cũng có liên hệ với phía công ty Bảo Minh, tuy nhiên khi tới cổng xưởng sản xuất bột đá thì gặp một người xưng là bạn của ông Phan Đăng Thuận (chủ công ty Bảo Minh). Ông này cho hay : “ ông Thuận đã đi viện từ ngày hôm qua, tôi là bạn nghe vậy đến thăm, còn về sự việc này thì đợi thành phố có quyết định thôi, làm việc thì cứ lên chính quyền”.

Có hay không sự đùn đẩy trách nhiệm trong nội bộ UBND phường Dữu Lâu khi một công xưởng tồn tại trong khu dân cư nhiều năm, đang “bức tử” người dân từng phút từng giây trong suốt gần 1 thập kỉ qua nhưng lại không bị xử lý và có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ cơ quan chính quyền địa phương?

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.

Điều 41. Việc thu hồi đất và quản lý quỹ đất đã thu hồi

1. Nhà nước quyết định thu hồi đất và giao đất cho tổ chức phát triển quỹ đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi đối với trường hợp sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư.

2. Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đối với các trường hợp đã có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

3. Cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất thực hiện việc thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật này thì đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn được giao cho Uỷ ban nhân dân xã quản lý, thuộc khu vực đô thị và khu vực đã được quy hoạch để phát triển đô thị được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý.

Đọc thêm