Vợ chồng một thương binh kêu cứu ở Bắc Giang: Cần giải quyết thấu tình, đạt lý

(PLVN) - Là người có công với cách mạng, bản thân là thương binh với tỉ lệ thương tật 67%, thế nhưng nhiều năm qua, ông La Văn Hậu (SN 1944) và vợ là bà Lê Thị Hưng (SN 1950) đã phải đi kêu cứu nhiều nơi bởi nhà đất là chỗ ở duy nhất của ông bà đã bị lấy đi mà không được đền bù, giải quyết thỏa đáng.
Bà Hưng trên khu đất từng ở của gia đình bà đã bị rào chắn
Bà Hưng trên khu đất từng ở của gia đình bà đã bị rào chắn

Đã nộp tiền mua nhà sao lại thu hồi?

Theo phản ánh của vợ chồng bà Hưng (địa chỉ phố Bãi Bò, xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang): Khi gia đình bà đang ở tập thể, năm 1988, thực hiện chủ trương của Nhà nước về cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên về nhà ở lâu dài, Công ty Vật tư tiểu thủ công nghiệp Hà Bắc (sau này là Trung tâm dạy nghề 19-5) họp và thông báo chủ trương cho các hộ tập thể xây dựng nhà theo phương châm công ty và cá nhân góp vốn cùng làm. Theo đó, toàn bộ các chi phí được đưa vào giá thành gian nhà mà người mua phải chịu, như: Việc đền bù hoa màu, san lấp mặt bằng, đóng góp tiền cho xã, chi phí xây dựng...

Ngày 29/7/1991, gia đình bà Hưng đã nộp số tiền gần 4,2 triệu đồng trên diện tích 65m2 đất với nội dung “Nộp tiền mua nhà” cho công ty. Thời điểm này cũng có nhiều gia đình đăng ký, nhưng sau đó không mua vì giá thành cao hơn so với giá mặt bằng xung quanh. 

Trong khi các gia đình đang sinh sống ổn định suốt 15 năm thì vào năm 2006, Trung tâm dạy nghề 19-5 (sau đổi thành Trường Trung cấp nghề thủ công 19-5 Bắc Giang) yêu cầu gia đình bà giao lại nhà đất với lý do là cơ quan có nhu cầu mở rộng.

Sau đó, Trường Trung cấp nghề thủ công 19-5 Bắc Giang đã khởi kiện vợ chồng ông bà ra Tòa và được Tòa án xét xử sơ thẩm năm 2006, phúc thẩm năm 2007. Mười một năm sau, tháng 8/2018, Chi cục THADS TP Bắc Giang đã tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà, đất của gia đình ông bà.

Từ đó, gia đình bà Hưng đã có nhiều đơn đề nghị xem xét lại các bản án cũng như giải quyết thỏa đáng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của gia đình chính sách. Bà Hưng cho rằng, việc công ty bán nhà đất với diện tích 65m2 cho ông bà năm 1991, vợ chồng ông bà ở ổn định, liên tục, có nhiều người làm chứng, vì vậy diện tích nhà đất này phải thuộc quyền quản lý, sử dụng của vợ chồng bà.

Cùng với đó, việc Trường Trung cấp nghề thủ công 19/5 Bắc Giang lấy lý do đòi nhà đất để mở rộng cơ quan, nhưng thực tế Trường Trung cấp nghề thủ công 19-5 Bắc Giang hoạt động không hiệu quả, để xảy ra những vi phạm, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai được thể hiện tại Văn bản số 3048/TNMT-TTS ngày 26/11/2018 của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang. Hiện Trường Trung cấp nghề thủ công 19/5 Bắc Giang cũng đã giải thể.  

Đáng chú ý, tại Bản án phúc thẩm số 67/2007/DSPT ngày 10/8/2007 đã khẳng định, việc Trung tâm dạy nghề 19-5 khởi kiện bà Hưng và án sơ thẩm xác định 65m2 đất thuộc quyền sử dụng của Trung tâm là không đúng, cần phải xem xét, giải quyết lại. Bản án cũng quyết định việc giao cho Trung tâm dạy nghề 19-5 sử dụng diện tích 4,3m2 đất. Phần diện tích còn lại là 60,7m2, chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cần giải quyết thấu lý, đạt tình

Kể từ khi bị cưỡng chế thu hồi nhà đất đến nay, vợ chồng bà Hưng đã có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền phản ánh nội dung phán quyết của các bản án cũng như cách giải quyết của chính quyền là chưa khách quan, chưa thỏa đáng, chưa đúng quy định của pháp luật. 

Cụ thể, bà Hưng cho rằng, Tòa án đã không căn cứ vào bản chất sự việc và thực tế gia đình bà đã nộp tiền mua nhà, sửa chữa, quản lý và sử dụng hợp pháp nhà đất suốt 15 năm để tuyên án. Điều đáng nói, quyền lợi, đóng góp công sức, tiền bạc của gia đình bà đền bù đất cho xã, san lấp mặt bằng và xây dựng nhà ở cũng như giữ đất cho cơ quan suốt 15 năm với số tiền gấp nhiều lần tiền mua nhà cũng không được ghi nhận, giải quyết. 

Chưa kể, bản án sau 11 năm mới được thi hành càng cho thấy nhiều điểm bất thường trong vụ việc này. Số diện tích đất còn lại 60,7m2 của gia đình bà và các hộ gia đình khác khoảng gần 1.000m2 hiện ai đang quản lý gia đình bà cũng không hề biết, không được thông báo, trả lời?

Không chỉ có gia đình bà Hưng, một số trường hợp tương tự khác như gia đình ông Phạm Văn Bảy và vợ là Phạm Thị Miền, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền và chồng là ông Thân Văn Quỳ... đều từng là những công nhân viên của công ty, hiện nay do bị lấy nhà đất nên không có nơi ăn chốn ở, phải đi ở nhờ. Riêng ông Quỳ phải dựng túp lều tạm để ở ngay cạnh Trường Trung cấp nghề thủ công 19-5 Bắc Giang. 

Theo người dân, điều phi lý ở chỗ, nhà của những công nhân viên công tác nhiều năm cho cơ quan đáng lẽ phải được ưu tiên, hưởng quyền lợi chính đáng thì cơ quan kiên quyết lấy lại, trong khi đó, cũng trên khu đất này, nhiều người dân xung quanh đã lấn chiếm đất, xây dựng nhà kiên cố, tồn tại nhiều năm nhưng lại không đòi lại được.

Chia sẻ, bà Hưng cho biết, hiện nay hoàn cảnh của vợ chồng bà rất khó khăn. Chồng bà tham gia kháng chiến chống Mỹ, từng bị địch bắt tra tấn, tù đày, bị ảnh hưởng chất độc da cam, di chứng để lại là những vết thương trên đầu và chân, với tỉ lệ thương tật 67% đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, hay ốm đau. Việc bị lấy lại nhà đất là nơi ở duy nhất đã khiến cuộc sống của vợ chồng bà càng thêm cùng cực.

“Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, xem xét điều kiện hoàn cảnh gia đình chính sách, thương binh, người có công với cách mạng, chưa từng đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở để giải quyết vụ việc một cách công tâm, khách quan, thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hưng nói.

Gia đình bà cũng đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, kiểm tra đối với dự án sẽ được triển khai sau khi thu hồi đất của Trường Trung cấp nghề thủ công 19-5 Bắc Giang như thế nào? Đồng thời công khai thông tin để người dân được biết, tránh việc sử dụng, quản lý đất đai lãng phí cũng như những tiêu cực, vi phạm sau này.

Đọc thêm