Vụ kiện hi hữu người lao động tố bị “ông chủ” đuổi việc qua điện thoại

(PLO) -Một vụ án dân sự hi hữu vừa được đưa ra xét xử. Hai bên không ký hợp đồng lao động. Khi ra tòa, người lao động khai thời gian làm việc tại công ty bắt đầu từ năm 2011. Còn “ông chủ” lại khẳng định năm 2013 mới tuyển dụng. Cuối cùng, nguyên đơn phải mang ảnh cưới của con ra để chứng minh mốc thời gian ông làm việc cho công ty. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Ông thủ kho khởi kiện

Ngày 27/2/2017, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án lao động về việc: Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên đơn là ông Võ Thành Trung (SN 1959), bị đơn là Công ty TNHH MTV TMSX Mỹ Khang (địa chỉ quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Phía nguyên đơn trình bày: Tháng 5/2011, ông Trung được nhận vào làm việc tại công ty Mỹ Khang với vị trí thủ kho. Công ty không ký hợp đồng với người lao động. Phương thức trả lương bằng tiền mặt, hàng tháng nhân viên ký vào sổ lương của công ty.

Mức lương thử việc của ông Trung là 5,8 triệu đồng, thời gian thử việc 3 tháng. Đầu năm 2012, ông Trung được tăng lương 6 triệu/tháng. Mức lương 01/2014 đến thời điểm nghỉ việc là 6,4 triệu đồng/tháng.

Trong thời gian làm việc, ông Trung đã nhiều lần yêu cầu ông ty ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm nhưng công ty né tránh và không thực hiện. Người lao động này cũng khẳng định suốt thời gian làm việc, ông  không vi phạm kỷ luật. 

Theo nguyên đơn, do ngày 17/4/2014, ông có mâu thuân với chị của giám đốc do đó buổi chiều khi ông đang trên đường đi làm về thì giám đốc công ty gọi điện thoại yêu cầu ông Trung nghỉ việc. Thời gian nghỉ bắt đầu từ ngày 18/4/2014. Lý do công ty đưa ra là ông Trung tuổi đã cao, không phù hợp công việc. 

Ông Trung làm đơn trình bày sự việc với Phòng lao động thương binh xã hội (LĐTBXH) quận Bình Thạnh. Phòng LĐTBXH mời lên hòa giải 2 lần nhưng Công ty Mỹ Khang không đến. Sau đó người lao động đã khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tại tòa, phía nguyên đơn yêu cầu công ty bồi thường: Tiền lương những ngày không được làm việc; Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày không được làm việc (1 năm); Bồi thường hai tháng tiền lương theo quy định; chi trả trợ cấp thôi việc; bồi thường tiền lương trong những ngày vi phạm thời hạn báo trước (45 ngày theo quy định); Đề nghị chốt sổ bảo hiểm trong suốt 3 năm làm việc. Từ đó người lao động này yêu cầu công ty phải trả số tiền hơn 172 triệu đồng.

Phía Công ty Mỹ Khanh trình bày, về thời gian làm việc công ty xác nhận ông Võ Thành Trung có làm việc tại công ty từ ngày 5/9/2013 chứ không phải tháng 5/2011.

Về mức lương công ty trả ông Trung suốt thời gian làm việc ở công ty là 2,7 triệu/tháng chứ không phải 5,8 triệu rồi 6 triệu đồng/tháng như ông Trung đã khai.

Ngoài ra việc người lao động cho rằng phía công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, phía bị đơn cho rằng công ty chưa đưa ra bất cứ một quyết định nào và người đại diện có thẩm quyền của công ty cũng không có lời nói nào với nội dung về việc công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Trung.

Việc ông Trung cho rằng giám đốc của công ty đã điện thoại yêu cầu ông là không có cơ sở. Phía công ty hoàn toàn không biết ông Trung đã có đơn gửi phòng Lao động và cũng không nhận được giấy mời của phòng Lao động quận Bình Thạnh.

Bên cạnh đó, Công ty khẳng định ông Trung đã tự ý nghỉ việc mà không thông báo với công ty là vi phạm pháp luật lao động. Công ty đang xem xét giải quyết hành vi vi phạm của ông Trung.

Nguyên đơn
Nguyên đơn

Chứng cứ đặc biệt

HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng: lời khai khi đang trên đường đi làm về, giám đốc của công ty đã gọi điện yêu cầu ông Trung bắt đầu nghỉ việc từ ngày hôm sau, lý do ông Trung tuổi đã cao không phù hợp với công việc là không có cơ sở chứng minh. Người lao động không đưa ra chứng cứ về việc là giám đốc của công ty có gọi điện thoại. 

Ngoài ra theo yêu cầu của ông Trung, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh có ban hành quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ đã được phía Mobifone phúc đáp: Bản chi tiết cuộc gọi được lưu trữ an toàn trong thời gian 24 tháng kể từ khi phát sinh cuộc gọi. Những dữ liệu chi tiết thuê bao cũng không còn trên hệ thống.

Từ đó, tòa bác yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu xác định công ty Mỹ Khang đơn phương chấm dứt HĐLD và yêu cầu công ty bồi thường số tiền hơn 172 triệu đồng.

Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu ở nguyên đơn buộc công ty Mỹ Khang truy đóng tiền BHXH cho ông Trung. Do thời gian làm việc và mức lương là căn cứ để đóng BHXH phía nguyên đơn vì bị đơn khai không thống nhất.

Tòa án căn cứ vào lời khai của người làm chứng: Trong bản bản tự khai từ ngày 14/4/2016 của ông Nguyễn Văn Duy làm việc cho công ty từ tháng 1/2011 đến tháng 1/2013 và được công ty đóng bảo hiểm. Ông Duy xác nhận ông Võ Thành Trung là nhân viên của công ty Mỹ Khang từ tháng 5/2011. Đến tháng 1/2013 ông Duy nghỉ làm tại công ty và ông Trung vẫn còn tiếp tục làm việc tại đó.

Đồng thời tại phiên tòa sơ thẩm, phía nguyên đơn cũng cung cấp cho HĐXX tấm ảnh cưới của con ông vào ngày 14/9/2011. Trong đó giám đốc và các nhân viên trong công ty Mỹ Khang tham dự.  Từ đó, HĐXX bác lời khai của phía công ty, xác định thời gian làm việc của ông Trung là từ 05/2011-04/2014.

Về mức lương: Đại diện của bị đơn cho rằng mức lương trả cho nguyên đơn là 2,7 triệu đồng nhưng khi Tòa án yêu cầu cung cấp hợp đồng lao động và bảng lương thì người sử dụng lao động không đáp ứng. Từ đó HĐXX xác định mức lương do nguyên đơn cung cấp làm cơ sở để chấp nhận mức lương đóng bảo hiểm xã hội. 

Đồng quan điểm với cấp sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên bác một phần yêu cầu khởi kiện của ông Võ Thành Trung về việc yêu cầu xác định phía công ty Mỹ Khang đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Tuy nhiên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc công ty Mỹ Khang truy đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện xác lập hồ sơ và các thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm cho ông Võ Thành Trung từ tháng 5/2011 đến tháng 4/214.

Ông Võ Thành Trung chia sẻ với phóng viên báo PLVN: “Giám đốc công ty điện thoại yêu cầu tôi nghỉ việc, tuy nhiên tòa không chấp nhận lời khai của tôi, nói lý do: Trong trường hợp này người lao động phải đến công ty để trao đổi trực tiếp, không thể chỉ vì một cú điện thoại mà nghỉ việc ngang chừng như vậy.

Lúc đó tôi nghĩ người khác điện thoại thì còn lên để hỏi cho rõ, chứ chính giám đốc thông báo thì còn hỏi ai được nữa. Cuộc điện thoại đó tôi biết và ông ấy biết, việc nhà mạng trả lời không còn lưu không có nghĩa là không có”.

Đọc thêm