Vụ kiện liên quan việc bồi thường tại Dự án Cầu Thác Mạ còn nhiều điểm vô lý chưa được làm rõ

(PLVN) - Nhà đất của cá nhân nhưng UBND TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) lại cho rằng đây là tài sản của Cty nên hủy phương án bồi thường trước đây và có văn bản giao cấp dưới làm thủ tục bồi thường cho Cty đã giải thể. Tuy nhiên, khi xét xử vụ kiện hành chính, TAND tỉnh Lạng Sơn lại cho rằng Quyết định bị kiện “chưa làm ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp” của các hộ dân.
Khu đất UBND TP Lạng Sơn từng bố trí tái định cư cho các hộ dân.
Khu đất UBND TP Lạng Sơn từng bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Chỉ “kiểm tra, rà soát”, sao phải hủy phương án bồi thường? 

Như PLVN đã thông tin, năm 2013, khi thực hiện Dự án xây dựng Cầu 17/10 (cầu Thác Mạ), UBND TP Lạng Sơn đã làm thủ tục thu hồi đất, bồi thường cho bà Nguyễn Thị Lăng (59,5m2), ông Nguyễn Trọng Tiến (24m2); bà Phùng Thị Trường (54m2) tại thửa đất số 14, tờ bản đồ số 50 (khối 9, phường Đông Kinh).

Đến năm 2017, sau khi các hộ đã chấp nhận phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng và chờ nhận đất tái định cư thì bị UBND TP ra Quyết định số 4580/QĐ-UBND hủy phương án bồi thường, tái định cư trước đây. 

Một năm sau, cơ quan này ra tiếp Quyết định số 5667/QĐ-UBND có nội dung “bác khiếu nại” vì cho rằng nhà đất đã thu hồi là của Cty TNHH Hồng Sơn nên cần hủy phương án bồi thường để rà soát lại vụ việc theo quy định pháp luật. 

Cho rằng quyền lợi của mình đã bị ảnh hưởng vì Cty Hồng Sơn chỉ là đơn vị mượn nhà đất làm trụ sở, bà Lăng, bà Trường, ông Tiến đồng loạt khởi kiện UBND TP Lạng Sơn, yêu cầu Tòa hủy hai quyết định trên và buộc bên bị kiện phải giao đất tái định cư.

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Lạng Sơn đã bác đơn khởi kiện của các hộ dân vì cho rằng lý do của việc hủy quyết định bồi thường năm 2015 là để kiểm tra, rà soát trình tự, thủ tục thu hồi đất và bồi thường cho các hộ dân cho phù hợp chứ “chưa rõ có ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ gia đình hay không”. Và “nội dung quyết định là có căn cứ, phù hợp với quy định…”.

Phản đối nhận định trên, các hộ dân cho rằng, có chứng cứ rõ ràng thể hiện cả hai quyết định trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của họ chứ không phải là “chưa rõ”. Tại Quyết định giải quyết khiếu nại, UBND TP đã thể hiện rõ quan điểm rằng nhà đất là của Cty Hồng Sơn và bác bỏ việc Cty Hồng Sơn trả lại nhà, đất cho các hộ dân.

Việc này bản chất là đã tước bỏ quyền lợi hợp pháp của các đồng sở hữu với khối tài sản đã cho mượn. Vì vậy, không thể nói việc này chỉ là “rà soát lại” hay chưa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân.

Nếu UBND TP cho rằng chỉ “kiểm tra, rà soát” thì tại sao cơ quan này không “tạm dừng” thực hiện phương án bồi thường năm 2015, mà nhất thiết phải hủy quyết định bồi thường với các hộ?

Phán quyết có phù hợp thực tế?

Theo các hộ dân, nhận định trên của Tòa cấp sơ thẩm cũng không phù hợp thực tế vì vào tháng 7/2018, UBND TP đã có Công văn số 1662/UBND-TTr giao Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) TP chủ trì, phối hợp Phòng TN&MT thực hiện trình tự thu hồi, bồi thường, hỗ trợ với diện tích đất của Cty Hồng Sơn (nay đã giải thể). 

Đến tháng 4/2019 (một tháng trước phiên tòa sơ thẩm) TTPTQĐ đã niêm yết công khai “Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư” với các thành viên của Cty Hồng Sơn. Thậm chí, vào tháng 3/2019, cơ quan này còn ra thông báo buộc bà Lăng, ông Tiến, bà Trường phải hoàn trả số tiền bồi thường đã nhận trước đây.

Quyền lợi của các hộ dân đã bị ảnh hưởng vì bị TP Lạng Sơn đòi trả lại tiền bồi thường.
Quyền lợi của các hộ dân đã bị ảnh hưởng vì bị TP Lạng Sơn đòi trả lại tiền bồi thường.

Như vậy, dù chưa có phán quyết của Tòa về việc hủy phương án bồi thường có đúng quy định hay không nhưng UBND TP và cấp dưới vẫn có các văn bản thể hiện việc không thực hiện bồi thường cho các hộ dân nữa. Đây là những chứng cứ rõ ràng thể hiện quyền lợi của người khởi kiện đã bị ảnh hưởng chứ không phải là “chưa rõ” có ảnh hưởng hay không như nhận định của Tòa.

UBND TP có chỉ đạo bồi thường cho Cty Hồng Sơn (các thành viên tại thời điểm Cty giải thể vào năm 2010) nhưng không có tài liệu nào khẳng định nhà đất đã được hoạch toán vào tài sản Cty, không có giấy tờ nào chứng minh đất đó được Cty mua hoặc đăng ký vào hồ sơ quản lý đất đai.

Hơn nữa, theo một số chuyên gia, việc các hộ dân tiến hành phân chia nhà đất (đang cho Cty Hồng Sơn mượn làm trụ sở) vào tháng 5/2005 thực chất là việc phân chia tài sản chung của đồng chủ sở hữu chứ không phải là “rút vốn góp” như quan điểm của chính quyền.

Không đồng ý với các động thái của UBND TP Lạng Sơn, các hộ dân cho biết: “Khi làm dự án, để đảm bảo tiến độ thì UBND TP liên tục vận động, đề nghị chúng tôi nhanh chóng bàn giao đất bị thu hồi và thông cảm với khó khăn của TP, hứa hẹn rằng “sẽ giao ngay đất cho người bị thu hồi để xây dựng nhà làm nơi ở mới khi TP có mặt bằng sạch”. 

“Tin lời, chúng tôi đã tự nguyện, chủ động tháo dỡ nhà ở và giao đất bị thu hồi, làm gương cho những hộ khác, góp phần hoàn thành sớm dự án. Nhưng sau đó chúng tôi đã bị “nuốt lời” khi bị TP thu hồi phương án bồi thường trước đây, buộc phải nộp lại số tiền đã nhận”.

Đọc thêm