Vụ một thửa đất cấp cho nhiều người - vẫn tìm một lời giải

(PLO) - Suốt mấy năm qua, vụ tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã tốn không ít công sức của các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, do nay sự việc được giải quyết nay thế này, mai được giải quyết cách khác, hoặc cùng một sự việc mỗi cơ quan có cách nhìn khác nhau. Chính cách giải quyết đó vô hình trung đang dẫn dắt sự việc tới chỗ không có kết thúc.
Diện tích đất đang tranh chấp đã được Cty Đại Phúc phân lô, bán nền
Diện tích đất đang tranh chấp đã được Cty Đại Phúc phân lô, bán nền

“Số phận” một thửa đất

Phần đất 9.793m2 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM có nguồn gốc do bà Lương Thị Mùi mướn của địa chủ từ năm 1945 để canh tác nông nghiệp, đã được chính quyền chế độ cũ ban hành Chứng thư cấp quyền sở hữu phần đất năm 1971.

Sau giải phóng, gia đình bà Mùi vẫn sử dụng phần đất này để canh tác. Theo Sổ đăng ký ruộng đất số 5b do UBND xã Bình Hưng lập năm 1983 (tài liệu 229/TTg), ông Trần Văn Bảy (chồng bà Mùi) đứng tên đăng ký một phần thửa 368 (tờ bản đồ số 4) với diện tích 900m2, loại đất mùa, diện tích còn lại nhà bà Mùi vẫn sử dụng nhưng không đăng ký.

Ngày 13/8/1994, bà Lương Thị Mùi có Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với 9.793m2 đất nêu trên, nhưng thời điểm đó chưa được xét cấp do đợi cấp đại trà.

Ngày 19/01/1996, ông Bảy, bà Mùi bán lô đất trên cho ông Trần Công Năn (SN 1952, ngụ C7/15 ấp 4A xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), thể hiện bằng giấy viết tay, có người làm chứng ký tên nhưng không ghi họ tên, bản thân ông Trần Công Năn cũng không nhớ tên người làm chứng. Ông Năn cũng trình bày vợ chồng ông Bảy bà Năm đưa cho ông Năn bản chính Chứng thư cùng 4 biên lai thu thuế nông nghiệp.

Ngày 18/11/1996 ông Năn đã chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông Đỗ Đức Trung và lập giấy tờ chuyển nhượng trực tiếp từ vợ chồng bà Mùi ông Bảy sang ông Trung. Trên thực tế các bên có đưa ra một Đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 18/11/1996 được đánh máy chữ theo mẫu, viết tay thêm các thông tin, trong đó bên chuyển nhượng bao gồm Trần Văn Bảy, vợ Lương Thị Mùi, con Trần Văn Vân (nhưng không có chữ ký của anh Vân trong văn bản này), bên nhận chuyển nhượng là ông Đỗ Đức Trung (SN 1966, ngụ 137/5 Nguyễn Văn Đậu, p.5, q. Bình Thạnh). Mặt sau của Đơn có ý kiến của đồng chí Trần Văn Tốt – Chủ tịch UBND xã Bình Hưng – Bình Chánh: “Khu vực đất trên không bị ảnh hưởng quy hoạch 2.600 ha đường BNB-NBC. Kính chuyển UBND huyện xét giải quyết”.

Liên quan đến việc chuyển nhượng cho ông Năn rồi lại viết giấy bán cho ông Trung, tại Biên bản đối chất ngày 10/8/2016 giữa ông Trần văn Bảy và ông Trần Công Năn do Đoàn Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, ông Năn khẳng định có việc chuyển nhượng, còn ông Bảy thì không nhớ có việc này, trong khi ông Vân cho rằng không có việc sang nhượng đất giữa bố mẹ ông cho ông Năn và ông Trung.

Năm 1998, đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất lập năm 1994 của bà Mùi được duyệt, và bà được cấp sổ đỏ trong một quyết định cấp 92 sổ đỏ cho các hộ dân xã Bình Hưng. Theo đó, hộ bà Lương Thị Mùi được cấp GCNQSD Đất số 530/QSDĐ với diện tích 9.793m2. Theo ông Vân trình bày, gia đình ông đã nộp bản chính Chứng thư của chế độ cũ cho Chủ tịch UBND xã để nhận GCSQSDĐ.

Ngày 16/9/2003, Cty CP xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc đã thỏa thuận đền bù tài sản trên đất và giá trị 9.793m2 đất cho ông Đỗ Đức Trung với số tiền là 2,937 tỷ đồng. Gia đình ông Trung đã nhận tiền và bàn giao bản chính Chứng thư cùng biên lai thuế, bản chính các giấy tờ sang  nhượng đất giữa vợ chồng ông Bảy bà Mùi, ông Năn và ông Trung cho cơ quan này.

Ngày 24/2/2004, UBND TP. Hồ Chí Minh có Quyết định số 699/QĐ-UB về việc thu hồi và giao 282.906m2 đất cho Cty Đại Phúc thực hiện dự án nhà ở, trong đó bao gồm cả diện tích 9.793m2 nói trên. Sau đó Cty này bàn giao cho nhà nước 460m2 để làm đường, rồi san nền, làm hạ tầng và phân lô để bán nhà trên diện tích đó.

Bà Mùi chết năm 2005, ngày 5/7/2010, ông Trần Văn Bảy lập giấy tờ tặng cho quyền sử dụng 9.793m2 đất nêu trên cho con là Trần Văn Vân và được Văn phòng Công chứng Tân Bình xác nhận.

Mỗi lần một “đáp án”

Xác minh thông tin để giải quyết đơn tố cáo, tại Văn bản số 1001/BC-C44 (Đ3) ngày 28/11/2011, Cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP.HCM nhận định, kết quả điều tra chưa đủ căn cứ để kết luận có việc chuyển nhượng đất từ hộ Lương Thị Mùi cho ông Đỗ Đức Trung, đồng thời cho rằng Cty Đại Phúc giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất với ông Đỗ Đức Trung không đúng quy định của pháp luật dân sự, pháp luật đất đai (giao dịch chuyển nhượng phải có GCNQSDĐ và phải qua công chứng).

Tài liệu của cơ quan công an cũng nhận định, chưa đủ căn cứ kết luận việc chuyển nhượng đất từ hộ Lương Thị Mùi cho ông Trần Công Năn, vì ông Trần Văn Bảy không thừa nhận có việc chuyển nhượng, không có lời khai của bà Mùi..., nội dung xác nhận của UBND xã Bình Hưng – Bình Chánh không có thông tin về vị trí, đặc điểm lô đất, ai đang sử dụng và không đăng ký vào sổ địa chính của xã, không báo cáo chuyển hồ sơ về UBND huyện Bình Chánh như đã xác nhận.

Năm 2013, ông Trần Văn Vân có đơn gửi UBND TP. HCM yêu cầu xóa quy hoạch treo để gia đình được nhận lại 9.793m2 đất làm thủ tục theo quy định ổn định cuộc sống. Sau đó, theo báo cáo của Phòng TNMT Bình Chánh, ngày 29/5/2014, Thanh tra huyện Bình Chánh có Báo cáo số 160/BC-TTH về việc kết quả thẩm tra việc cấp GCNQSDĐ của hộ bà Lương Thị Mùi và kết luận Giấy này được cấp đúng trình tự, thủ tục nhưng cấp sai đối tượng.

Ngày 16/6/2014, UBND huyện Bình Chánh có Quyết định 7760/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ số 530/QSDĐ của hộ bà Lương Thị Mùi do cấp sai đối tượng. Gia đình ông Vân không đồng ý và đã khởi kiện Quyết định trên tại TAND huyện Bình Chánh.

UBND huyện Bình Chánh đã giao cho Thanh tra huyện Bình Chánh xem xét lại vụ việc. Ngày 24/10/2014, Thanh tra huyện Bình Chánh có Báo cáo số 330/BC-TTH kết luận chưa đủ cơ sở khẳng định UBND huyện Bình Chánh cấp GCNQSDĐ cho bà Mùi trái quy định của pháp luật và chưa đủ căn cứ để UBND huyện Bình Chánh ban hành Quyết định số 7760/QĐ-UBND (thu hồi và hủy bỏ GCNQSDĐ của hộ bà Mùi).

Vì thế, UBND huyện Bình Chánh có Quyết định số 13109/QĐ-UBND thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 7760/QĐ-UBND. Không đồng ý, Cty Đại Phúc đã có đơn khiếu nại. Nội dung khiếu nại được UBND TP.HCM giao Sở TNMT xem xét, đề xuất giải quyết.

Ngày 9/3/3015, trong bản án xét xử sơ thẩm của TAND huyện Bình Chánh đối với vụ việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trần Văn Vân và ông Trần Tấn Phát (người mua đất trong một giao dịch không thực hiện thành công), Cty Đại Phát cũng đã yêu cầu Tòa hủy Quyết định 13109/QĐ-UBND nhưng không được Tòa chấp nhận.

Cty này sau đó kháng cáo và trong khi TAND TP.HCM đang thực hiện thụ lý xem xét vụ việc theo trình tự phúc thẩm thì UBND TP.HCM ký Văn bản số 2699/UBND giao UBND huyện Bình Chánh tiếp tục thực hiện việc thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho hộ bà Mùi. Sự việc này đã gây nên nhiều tranh cãi do chính quyền chỉ đạo thực hiện xử lý một vụ việc đang thuộc thẩm quyền xử lý của TAND.

Sau đó, các cấp ngành liên quan của TP.HCM vẫn thống nhất thực hiện thu hồi GCNQSDĐ số 530/QSDĐ của hộ bà Mùi, thể hiện qua Quyết định số 11083/QĐ-UBND ngày 08/12/2015 nên Cty Đại Phúc đã rút kháng cáo. Gia đình ông Vân tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn, còn diện tích đất trên đã được Cty Đại Phúc làm hạ tầng, phân thành 52 nền và chuyển nhượng hết cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng, trong đó 2 hộ đã làm nhà ở.

Vẫn tìm kiếm một “lời giải”

Trong Báo cáo số 153/BTNMT-TTr ngày 11/1/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà Bộ này báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khiếu nại của ông Trần Văn Vân, cơ quan này khẳng định “tại thời điểm này, gia đình bà Mùi là người sử dụng hợp pháp đối với diện tích 9.793m2 đất nêu trên”.

Văn bản nói trên cũng không kết luận rõ ràng là có việc chuyển nhượng đất giữa gia đình bà Mùi ông Trung với ông Năn và ông Trung hay không, và nếu có, thì các giao dịch đó có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không, đồng thời nhận định “đây là tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Tòa án”.

Dù khẳng định quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Mùi, cũng như không xác định rõ ràng được mức độ hợp pháp của các giao dịch (nếu có), thế nhưng văn bản của Bộ TNMT lại vẫn ủng hộ việc sử dụng đất của ông Trung và vì thế mới tán thành với nhận định rằng việc cấp GCNQSDĐ của bà Mùi là “không đúng đối tượng”, ủng hộ việc thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho hộ bà Mùi.

“Lẽ ra phải bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình chúng tôi và để cho Tòa án phân xử triệt để những tranh chấp đang tồn tại thì các cơ quan hữu trách lại đi thu hồi GCNQSDĐ đã cấp cho nhà tôi. Chúng tôi sẽ khiếu nại tới cùng, bởi chúng tôi không hiểu được tại sao đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình tôi, cơ quan chức năng không xác định được có giao dịch chuyển nhượng hợp pháp nào không, vẫn còn “để ngỏ” khả năng đưa tranh chấp ra tòa nếu có, mà lại vẫn tiến hành thu GCNQSDĐ đã cấp và công nhận việc Cty Đại Phúc nhận đất từ ông Trung để việc phân lô bán nền diễn ra bình thường trên thửa đất này” – ông Trần Văn Vân bức xúc bày tỏ. 

Đọc thêm