Vụ trắng tay sau gần 20 năm nhận khoán rừng: Chính quyền "phạm luật"?

(PLO) - Bị UBND xã tự tiện lấy đất giao cho những hộ khác sử dụng khiến gia đình ông Sơn bị gián đoạn quá trình sử dụng đất, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của gia đình ông Sơn khi Nhà nước thu hồi đất sau này.

Mảnh đất gia đình ông Sơn bị thu hồi.
Mảnh đất gia đình ông Sơn bị thu hồi.

Bỗng dưng mất đất!

Như PLVN đã đưa tin trong Nghệ An: Dân "trắng tay" sau gần 20 năm nhận khoán đất rừng, ngày 22/01/1995, ông Sơn ký “Khế ước giao khoán đất rừng tự nhiên, có thảm thực vật cần bảo vệ thuộc rừng phòng hộ” số 49 KU/UB với UBND huyện Quỳnh Lưu đại diện là Hạt trưởng Nguyễn Xuân Chất). Theo nội dung Khế ước này, ông Sơn được Nhà nước giao khoán tổng diện tích là 145 ha với thời hạn giao đất là 50 năm để sử dụng vào mục đích xây dựng rừng phòng hộ. 
Ngày 16/5/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1805/QĐ-UBND, theo đó quyết định chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có phần diện tích đất rừng của gia đình ông Sơn. Triển khai thực hiện quyết định trên, tháng 10 và tháng 12 năm 2003, UBND xã Tân Thắng đã lấy toàn bộ diện tích đất rừng thuộc trong phạm vi chuyển đổi của gia đình ông Sơn đang quản lý, sử dụng (khoảng 20ha) để giao cho 2 xóm (xóm 26/3 và xóm 2/9) thầu khai hoang sản xuất trồng dứa với thời hạn là 05 năm mà không có bất cứ một văn bản thu hồi đất nào. 
UBND xã vi phạm pháp luật?!
 “Việc UBND xã Tân Thắng lấy một phần diện tích đất của gia đình ông Sơn giao cho cá nhân khác sản xuất nông nghiệp là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự giao đất cho hộ gia đình khác quản lý sử dụng đất đồng thời vi phạm cam kết giữa các bên tại Khế ước đã giao kết bởi tại Điều 21, Luật đất đai năm 1993 đã quy định: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”- luật sư Nguyễn Hoàng Việt – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho biết. 
Tiếp lời, luật sư Việt cho biết: Để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng thì trước hết, cơ quan có thẩm quyền (UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu) phải thu hồi đất đã giao cho gia đình ông Sơn quản lý, sử dụng. Do đó, việc UBND huyện và UBND tỉnh chưa có Quyết định thu hồi đất mà chỉ có Quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng UBND xã Tân Thắng đã tự ý lấy đất do gia đình ông Sơn đang quản lý, sử dụng để giao cho các hộ gia đình khác trồng dứa là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tại Điều 15 Nghị định 02/CP đã quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất lâm nghiệp (người được giao đất lâm nghiệp) thì gia đình ông Sơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích đất lâm nghiệp được giao theo luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quản lý, dự án đầu tư hoặc theo khế ước, theo hợp đồng khoán; Được đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp được giao theo thời giá thị trường và hiện trạng của rừng, đất trồng rừng trong trường hợp bị thu hồi theo qui định của pháp luật..
Như vậy, gia đình ông Sơn được Nhà nước giao đất rừng và được bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao. Theo quy định trên thì chỉ khi Nhà nước thu hồi đất có rừng để sử dụng vào mục đích khác theo quy định của pháp luật hoặc khi người được giao đất chết mà không có người thừa kế hoặc khi khế ước không thực hiện được do có sự kiện bất khả kháng thì khế ước giao đất giữa Nhà nước với người được giao mới bị hủy bỏ.
Trong trường hợp này, UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ ban hành chính sách về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng rừng sang đất nông nghiệp tại Quyết định 1805 chứ chưa có quyết định về việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Điều này có nghĩa là Khế ước về việc giao đất rừng của gia đình ông Sơn vẫn còn hiệu lực. Do đó, UBND xã Tân Thắng không được quyền lấy đất của gia đình ông Sơn để giao cho người khác được quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. 
Việc việc UBND xã tự ý lấy đất do gia đình ông Sơn đang quản lý, sử dụng giao cho các hộ khác theo hình thức nhận thầu để sản xuất nông nghiệp trong thời hạn 05 năm vừa trái với quy định của pháp luật và vi phạm các thỏa thuận tại Khế ước.
Sau một thời gian dài gia đình ông Sơn có đơn thư khiếu nại, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết thì đến ngày 4/8/2010, UBND huyện Quỳnh Lưu có Quyết định số 2026/QĐ trả lời cho người dân bị mất đất rừng là: “...UBND xã Tân Thắng thu hồi đất là trái với Quyết định 1805/QĐ.UBND ngày 16/5/2003 của UBND tỉnh Nghệ An” (Quyết định 1805 là Quyết định về việc cho phép chuyển đất rừng kém hiệu quả sang đất sản xuất cây ngắn ngày như dứa, ngô, khoai… ). Vì vậy, sau khi kết thúc thời hạn 05 năm cho các hộ khác sử dụng, UBND xã Tân Thắng đã sửa sai bằng cách trả lại toàn bộ số đất đã thu hồi cho người dân. 
Tuy nhiên, chính từ việc tùy tiện lấy và giao đất trái pháp luật của UBND xã Tân Thắng đã làm gián đoạn quá trình sử dụng đất của gia đình ông Sơn, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xâm phạm nghiêm trọng quyền – lợi ích hợp pháp của công dân và dẫn đến việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài khi Nhà nước thu hồi đất sau này.
Đây là các sai phạm cần được làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và cần có biện pháp xử lý nghiêm để không xảy ra các vụ việc tương tự góp phần vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đồng thời đảm bảo các chính sách của nhà nước được thực thi đúng pháp luật.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm