Vụ tranh chấp đất tại Nhơn Trạch: Tờ di chúc bị che giấu và những uẩn khúc cần làm rõ

(PLVN) - Tiếp nối thông tin sau bài viết “Nhiều khúc mắc cần làm rõ trong vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất tại Nhơn Trạch” được đăng tải trên Báo PLVN vào ngày 22/12/2019, PV chúng tôi đã tìm về gia đình ông Huỳnh Thanh Bình để tìm hiểu rõ hơn về những uẩn khúc trong việc chia thừa kế ở gia đình ông Bình.
Ông Huỳnh Thanh Bình với tập hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tranh chấp đất
Ông Huỳnh Thanh Bình với tập hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tranh chấp đất

Người cháu đích tôn tội nghiệp

Đến ấp Vĩnh Tuy (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và hỏi địa chỉ gia đình nhà ông Huỳnh Thanh Bình thì hầu như cư dân ở đây ai cũng biết. Ông Bình được nhiều người biết đến không phải vì ông giàu có hay có tài cán gì đặc biệt mà bởi vì hoàn cảnh trớ trêu của ông, một người bị chính người thân trong gia đình tước mất quyền thừa kế mà do chính ông nội của mình để lại.

Đến căn nhà tuyềnh toàng của ông Bình, hình ảnh một người nông dân lam lũ, tuổi ngũ tuần, với nước da đen sạm, khuôn mặt khắc khổ, xuất hiện trước chúng tôi. Qua những câu chào xã giao, ông Bình rớm nước mắt bắt đầu chia sẻ về chuyện bi ai mà ông đang gánh chịu.

Ông Bình giãi bày: “Tôi là con trai duy nhất trong gia đình có 4 người con của ông Huỳnh Thành Lê và là cháu đích tôn của cụ Huỳnh Ngọc Châu và cụ Nguyễn Thị Phú. Trong suốt hơn 30 năm, kể từ ngày tờ di chúc được ông nội tôi lập từ năm 1976, tôi không hề hay biết mình được ông nội cho khu đất để làm nơi ở và thờ cúng tổ tiên. Mãi tới gần đây, tôi mới được người mua đất của em gái bố tôi là bà Huỳnh Thị Ngọc cho biết là có tờ di chúc đó. Cầm tờ giấy di chúc, tôi ít học nên đọc không hiểu biết nên tôi đã mang về cho vợ, con tôi đọc cho nghe. Sau khi đọc xong bản di chúc, cả gia đình tôi đã khóc và đau lòng khi biết sự thật bao nhiêu năm tôi đã bị chính người thân của mình lừa. Và họ đang chiếm đoạt một khối lượng lớn tài sản của tôi được hưởng theo di chúc”.

Không được một tấc đất trong tay, với đôi tay đen nhẻm  gân guốc, ông Bình lôi trong tủ ra một tập dày các loại giấy tờ mà ông nói nó theo ông từ năm 2012 đến nay. Hành trình đòi lại công bằng và quyết tâm thực hiện di chúc của ông nội được ông Bình bắt đầu từ năm 2012.

Cầm trên tay tờ di chúc, ông Bình nói: “Ngày 08/1/1976 ông bà nội tôi (cụ Huỳnh Ngọc Châu và cụ Nguyễn Thị Phú) có lập di chúc (tương phân) và có xác nhận vi chứng tại UBND xã Long Tân. Cụ lập 3 bản di chúc: hiện bà Huỳnh Thị Ngọc giữ 01 bản, ông Huỳnh Thành Lê giữ 02 bản. Trong tờ di chúc có nói rõ tổng tài sản có, chia cho các con và phần để lại cho cháu nội Huỳnh Thanh Bình. Tất cả các thành viên có tên trong lúc đó đã hưởng luôn tài sản, chỉ trừ mình tôi. Do tại thời điểm năm 1976, tôi mới có 8 tuổi.  Năm 1981 cụ Châu chết, năm 1982 cụ Phú chết, lúc này tôi mới 14 tuổi, nên bố mẹ tôi nhận giám hộ quản lý. Sau khi tôi trên 18 tuổi và lập gia đình riêng, người thân trong gia đình tôi cũng không thực hiện trách nhiệm công bố di chúc về ý nguyện của ông bà nội tôi”.

“Sự việc chỉ được vỡ lở khi gia đình bố mẹ tôi và gia đình hàng xóm có tranh chấp, đến lúc này, thì mọi tài sản mà ông nội bà nội tôi cho tôi đều đã bị bố mẹ tôi bán hoặc chia cho người khác.” – ông Bình chua xót kể lại.

Kể từ đó đến nay đã ngót nghét gần 10 năm, ông Bình vẫn cặm cụi gõ cửa các cơ quan chức năng để đề nghị được giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho ông, cũng như để ông bà nội ông được toại ngoại ở nơi suối vàng. Trớ trêu thay, đã có 2 bản án và 1 thông báo của TAND cấp cao tại TP HCM lại cho rằng ông Bình không thể được hưởng tài sản theo di chúc. Bản án đã có hiệu lực, hiện nay ông Bình chỉ biết đi cầu cứu các cấp cao hơn để giải quyết nỗi oan ức, những điều chưa sáng tỏ trong vụ án.

Bản di chúc của cụ Châu, cụ Phú để lại
Bản di chúc của cụ Châu, cụ Phú để lại

Hành trình đi xác minh vị trí thửa đất trong tờ di chúc

Sau khi biết về tờ di chúc trên, ông Bình đã lặng lẽ đi tìm hiểu để làm rõ các vị trí tài sản của ông bà nội để lại cho mình. 

Ông đã nhiều lần liên hệ và làm việc với Phòng TN&MT huyện Nhơn Trạch để lấy bản đồ khu vực đất mà ông được chia. Có trong tay bản đồ cùng với nội dung phân chia ở tờ tương phân, ông Bình có thể hình dung và tính toán một cách tương đối chi tiết về vị trí đất thừa kế của mình.

Theo đó, ông Bình cho rằng, về phần 5,9 hecta đất ruộng (nằm trên đường độn) được chia như sau: bà Huỳnh Thị Ngọc (1ha), bà Huỳnh Thị Son (0,9ha), bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh (1ha), ông Huỳnh Thành Lê (1ha), ông Huỳnh Văn Thệ (1ha). Phần chia này, các ông, bà này đã nhận và canh tác tại khu vực này suốt  từ những năm 1976. Đến nay bà Ngọc, bà Son, bà Ngọc Ánh đã bán hết. Còn riêng ông Huỳnh Văn Thệ, đã để lại con gái là bà Huỳnh Thị Thanh Hương. Phần của ông Huỳnh Thành Lê, ông Lê cho con gái Huỳnh Thị Hồng 0,2ha; Huỳnh Thị Thanh Hà 0,4ha; cho con trai là ông Bình 0,4ha canh tác. Sau đó, ông Lê  lấy 0,4ha đã cho con trai là ông Bình để bán. Số tiền bán được là hơn 8 cây vàng, ông Lê cho ông Bình 4 cây vàng để làm nhà.

Còn lại 1 ha trong 5,9ha ruộng trên, cụ Châu, cụ Phú giữ lại và có di chúc sau khi chết sẽ để lại cho cháu nội là ông Huỳnh Thanh Bình được hưởng, nhưng do ông Bình còn nhỏ, nên hai cụ Châu và Phú đã cho vợ chồng ông bà Chính mượn để canh tác.

Phần 1ha này, sau khi cụ Châu, cụ Phú chết, ông Lê đã đòi lại từ bà Chính và tự  ý cắt chia cho con gái là Huỳnh Thị Hồng 0,4 héc ta và cắt cho bà Huỳnh Thị Sáu 0,6 héc ta. Sau đó bà Hồng và bà Sáu đều bán hết số đất này cho bà Võ Thị Ngọc Lan. Hiện nay gia đình bà Võ Thị Ngọc Lan đang sinh sống tại khu đất này. 

Trong quá trình giải quyết vụ án, việc ông Lê lấy lại đất từ bà Chính, được bà Chính khai và có tờ khai rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong các lời khai, ông Lê lại đều khai là không biết 1 héc ta đất này. 

Ông Bình nhắc lại việc giải quyết vụ án mà ông cho rằng còn nhiều thiếu sót của TAND các cấp: “Tôi vô cùng bức xúc, tình tiết này cũng không được Tòa quan tâm, vì nó nói lên sự dối trá của người giám hộ là ông Lê, bà Nhê”.

Cũng theo ông Bình, phần 2ha đất rừng mà ông được ông bà nội để lại làm hương hỏa nêu trong tờ tương phân, tuy không được vẽ vị trí cụ thể như những khu đất khác nhưng khu rừng này không phải như vị trí mà trong bản án của HĐXX nhận định và ông bà Lê khai.

Ông Bình cho cho biết, từ khi lớn lên cùng gia đình và qua tính toán các thửa 179, 180, 154 và 1 phần thửa 206 thuộc tờ bản đồ số 23, ông Bình cho rằng hoàn toàn 2 ha đất rừng nằm bao bọc phía trong thổ hạng 3 và một phần mặt lộ 15 chạy vào trong. Trên 2 ha đất rừng để làm nơi hương hoả này có 17 ngôi mộ gia tiên từ năm 1938: 6 ngôi đang hiện hữu tại thửa 179, 154 và 11 ngôi đang hiện hữu tại thửa 180.

Ông Bình cho rằng, toà án cần xem xét thêm một số vấn đề để vụ án được giải quyết một cách khách quan và chính xác như các yếu tố: Tổng tài sản kê khai trong tờ di chúc của ông bà nội ông rất rõ ràng, không có thêm ở vị trí nào khác. Tờ tương phân đã thể hiện rõ ông bà nội ông để lại thừa kế cho cho ông  1ha đất ruộng và 02 ha đất rừng. Vị trí các di vật hiện hữu là 17 ngôi mộ gia tiên có từ trước những năm 1938 trên 02ha rừng mà ông được hưởng thừa kế đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng. Lời khai mâu thuẫn của ông Lê, bà Nhê tại tòa các cấp không có bất kỳ tình tiết nào chứng minh ông Lê, bà Nhê tự khai hoang khu 2ha rừng có 17 ngôi mộ.

Mặc dù, ông Bình có rất nhiều các căn cứ, tài liệu, lý do có thể khẳng định được vị trí các thửa đất thuộc phần thừa kế của mình. Tuy nhiên, tại các phiên toà, những trình bày trên của ông không được HĐXX chấp nhận.

Hiện nay, ông Bình chỉ biết mong mỏi lãnh đạo các cấp, Tòa án nhân dân Tối cao xem xét lại vụ án và đưa ra xét xử lại một cách thật công tâm để tránh oan sai, cũng như làm rõ mọi nghi vấn còn chưa được làm sáng tỏ. 

Đọc thêm