Vụ tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

(PLVN) - Trong một vụ tranh chấp dân sự giữa hai vợ chồng bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên) đang được TAND Bình Dương thụ lý giải quyết đã hé lộ các tình tiết cho thấy Cơ quan điều tra tỉnh này đã bỏ lọt tội phạm khi không khởi tố vụ án hình sự.
Vụ tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Theo nội dung Đơn kiến nghị khẩn thiết của người đại diện bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người chủ thương hiệu Cà phê Trung Nguyên) ngày 22/4/2020 gửi Báo Pháp luật Việt Nam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong việc làm rõ các hành vi có dấu hiệu hình sự của ông Nguyễn Duy Phước là làm giả tài liệu của tổ chức, dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho bà Thảo hơn 4.000 tỷ đồng.

Cũng cần nói rõ, cho đến cuối năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là Phó tổng giám đốc thường trực của Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên (TNG). Đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (địa chỉ tại Dĩ An, Bình Dương). TNG là cổ đông góp 85% vốn điều lệ tại Công ty hòa tan Trung Nguyên. Thời điểm này bà Thảo và ông Vũ đang làm thủ tục ly hôn tại tòa.

Nguồn cơn vụ việc bắt đầu từ cuối năm 2015, TNG bãi nhiệm chức Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Tiếp theo, tháng 3/2016, TNG tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật của bà Thảo tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên, sau đó ra nghị quyết cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đại diện pháp luật tại Công ty Hòa Tan.

Đến ngày 21/4/2016, Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên làm thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Vì lý do này, bà Thảo khởi kiện TNG ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định, nghị quyết của TNG vì cho rằng các văn bản này trái với pháp luật và điều lệ công ty.

Điều đáng nói là trong quá trình tham gia tố tụng, phía bà Thảo đã phát hiện ra, ông Nguyễn Duy Phước, Trưởng phòng pháp lý của TNG đã cung cấp cho tòa án các văn bản có dấu hiệu làm giả, tẩy xóa. Cụ thể là Biên bản họp đại hội đồng cổ đông và Quyết định của đại hội đồng cổ đông TNG.

Theo nội dung hai tài liệu nêu trên, vào tháng 12/2011 đại hội đồng cổ đông của TNG đã ủy quyền cho ông Vũ đại diện toàn bộ vốn góp của TNG tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên Mục đích chính là thay đổi người quản lý điều hành tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên từ bà Thảo sang ông Vũ.

Cụ thể, các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước nộp cho tòa chỉ là bản photo, không có ngày, nội dung trang trước và trang sau mâu thuẫn lẫn nhau, có sự cắt dán, các số bị tẩy xóa. Theo người đại diện của bà Thảo, hai tài liệu trên đã bị làm giả nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vai trò của bà Thảo tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên. Từ những bất thường này, bà Thảo đề nghị tòa án trưng cầu giám định các tài liệu trên.

Thay đại diện theo pháp luật bằng tài liệu giả mạo

Đầu năm 2019, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, đã có hai Kết luận giám định số 14/C09-P5 ngày 30/01/2019 và số 92/C09-P5 ngày 24/05/2019 theo yêu cầu của tòa án. Cụ thể, qua cả 2 lần giám định đều đã xác định các tài liệu này bị cắt ghép, photo không cùng nguồn gốc, nói cách khác là bị làm giả.

Chính những tài liệu đã xác định là giả mạo này đã được người quản lý của Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên đưa vào hồ sơ nộp lên Phòng Đăng ký kinh doanh ngày 21/4/2016 để thực hiện việc đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 8.

Trao đổi về điều này, ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng, người đại diện cho bà Thảo cay đắng nhận xét: “Chính việc giả mạo đã làm phát sinh nhiều tranh chấp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và phức tạp diễn ra cho đến nay, dài hơn 4 năm trời”.

Theo thông tin từ phía người đại diện bà Thảo, sau khi đăng ký thay đổi xong giấy phép kinh doanh của Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên, trong đêm 13/5/2016, một nhóm người, trong đó có ông Nguyễn Duy Phước, đã chỉ đạo và thuê mướn một đội ngũ lực lượng bảo vệ hùng hậu, có cả một số cá nhân có dấu hiệu “xã hội đen” bên ngoài mang hung khí vào trụ sở Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bình Dương. Tại đây lực lượng bảo vệ đã khống chế, đe doạ, xua đuổi toàn bộ cán bộ quản lý, nhân viên ra khỏi nhà máy, ngăn cấm công nhân vào làm việc.

Theo ông Hưng, sau khi chiếm nhà máy, nhóm người ngày đã ngang nhiên lấy hết toàn bộ hàng hoá thành phẩm, nguyên vật liệu rất, đồng thời cho di chuyển phần lớn các máy móc thiết bị quan trọng của Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên, chở đi nơi khác, kèm theo đó là huỷ các giấy tờ chứng từ sổ sách kế toán, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng cho công ty.

Đẩy đưa việc khởi tố hình sự

Sau khi có được 2 kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, trong năm 2019, bà Thảo đã hai lần gửi đơn tố giác đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Bình Dương và các cơ quan hữu quan khác tố cáo hành vi có dấu hiệu tội làm giả tài liệu của tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản đối với ông Nguyễn Duy Phước. Trong đó, đặc biệt là hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để lập hồ sơ đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh trái pháp luật, gây thiệt hại cho bà Thảo hơn 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, để thực hiện việc thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Duy Phước đã sử dụng tài liệu photo, cắt ghép để làm căn cứ xác lập tư cách của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đại diện cho 85% cổ phần biểu quyết của TNG tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên. Tiếp theo, dùng tư cách đại diện để thông qua Nghị quyết số 01/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/3/2016 của Đại hội đồng cổ đông Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên. Từ đó dùng Nghị quyết này để làm thủ tục cấp đổi giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 8 của Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Nhóm người khống chế nhân viên công ty Hòa Tan đêm 13/5/2016 (ảnh chụp từ clip)
 Nhóm người khống chế nhân viên công ty Hòa Tan đêm 13/5/2016 (ảnh chụp từ clip)

Tuy nhiên, cho đến nay đã 10 tháng, vụ việc vẫn chưa được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật. Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy sự thiếu trách nhiệm từ những người quản lý, lãnh đạo.

Theo tài liệu chúng tôi có được, sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của bà Thảo, Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã có văn bản gửi Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương với nội dung “sau khi nghiên cứu đơn và tài liệu, C01 nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Vì vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, nên C01 chuyển đơn đến lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an Bình Dương  thụ lý giải quyết và báo cáo kết quả về cơ quan CSĐT Bộ Công an”.

Chưa hết, tại một công văn gửi người đại diện bà Thảo, TAND tỉnh Bình Dương trả lời tin báo, tố giác tội phạm thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Do vậy, TAND tỉnh đã chuyển đơn tố giác tội phạm và tài liệu do phía bà Thảo gửi cho cơ quan CSĐT Công an Bình Dương giải quyết.

Tuy nhiên, về phần mình, sau khi nhận được đơn thư tố giác tội phạm của bà Thảo, Văn phòng cơ quan CSĐT Công an Bình Dương lại “bán cái” vụ việc sang tòa. Cụ thể, tại Phiếu hướng dẫn ngày 28/7/2019, Văn phòng cơ quan CSĐT cho rằng “do vụ việc dân sự đang được TAND Bình Dương giải quyết nên Văn phòng cơ quan CSĐT chuyển đơn tố giác của bà Thảo đến TAND Bình Dương giải quyết. Trong quá trình giải quyết, nếu thấy có dấu hiệu hình sự, tòa sẽ có văn bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan CSĐT”.

Sau hướng dẫn bà Thảo sang tòa, phía Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm do ông Trần Văn Chính, đại tá, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an Bình Dương ký. Cho đến giữa tháng 3/2020, mới có quyết định phục hồi.

Trong đơn của mình, bà Thảo viết “xâu chuỗi những sự kiện pháp lý, hành vi vi phạm bị tố giác cho thấy có dấu hiệu những người tiến hành tố tụng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để kéo dài và gây chậm trễ trong việc giải quyết, cố ý đùn đẩy trách nhiệm, bao che cho tội phạm và có dấu hiệu lợi ích nhóm, tham nhũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của tôi”.

Bên cạnh việc cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương trong vụ việc trên thì trách nhiệm của Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Dương trong cấp đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 8 với Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên cũng cần phải mổ xẻ thấu đáo.

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các kỳ sau.

Đọc thêm