Vụ tranh chấp thừa kế đất chùa tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: Vì sao gần 13 năm vẫn chưa được xét xử lại?

(PLVN) - Đất thuộc nhà “Tĩnh” của chùa làng Tân tại tổ 16, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội bỗng trở thành đối tượng tranh chấp trong vụ kiện chia thừa kế. Tòa cấp phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa cấp sơ thẩm xác minh lại nguồn gốc đất tranh chấp. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Vụ tranh chấp thừa kế đất chùa tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: Vì sao gần 13 năm vẫn chưa được xét xử lại?

Đất bị “chia 5, xẻ 7”

Chùa Quang Ân (hay còn gọi là chùa làng Tân) tọa lạc tại số 62 ngách 81/2 (nay là ngõ 62, tổ 16) phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Trên tấm bia cổ của chùa còn lưu lại có ghi: Chùa được xây dựng vào đời nhà Lê (cách đây khoảng 400 năm) và là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo của người dân trong làng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là nơi hoạt động của các cán bộ cách mạng, trong đó có đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Theo một số người cao tuổi  trong làng thì các tài liệu trên các văn bia của chùa thể hiện: năm 1903, chùa có một sư trụ trì với thế danh là Lại Thị Khương. Sau khi nhà sư này viên tịch, họ Đỗ trong làng là người giúp việc đứng ra trông nom chùa. Người đầu tiên của họ Đỗ là cụ Tỉnh (còn gọi là cụ Tự). 

Sau khi cụ Tỉnh chết, con của cụ Tỉnh là ông Đỗ Vũ Hinh đứng ra tiếp tục trông coi việc chùa. Năm 1972, ông Hinh mất, 3 người con của ông là ông Đỗ Vũ Chi, Đỗ Vũ Duy và bà Đỗ Thị Tý tiếp tục sinh sống trong chùa. Ông Chi (con trưởng) quản lý một nhà “Tam bảo” và phần diện tích đất xung quanh. Bà Tý được quản lý, sử dụng một nhà “Tĩnh” và phần diện tích đất xung quanh. Ông Duy quản lý phần diện tích đất cạnh nhà “Tĩnh” của bà Tý (thửa số 144, tờ bản đồ số 5, diện tích 478m2). 

Sau khi bà Tý mất (năm 2004), phần đất mà bà Tý quản lý được ông Đỗ Văn Cường (con trai cả của bà Tý) quản lý, sử dụng. Cùng năm này, 4 người con của vụ Tý (gồm ông Đỗ Chí Kiên, Đỗ Tất Thắng, Đỗ Thanh Sơn, Đỗ Thanh Hà) đã khởi kiện ông Cường, yêu cầu chia thừa kế đối với thửa đất 144 nêu trên vì cho rằng đây là đất Nhà nước cấp cho cụ Hinh. Cụ Hinh cho bà Tý, nay khi bà Tý chết thì nhà đất là di sản của 5 anh em.

Vụ án kéo dài 13 năm chưa có hồi kết

Ngày 23 và 26/6/2006, TAND quận Cầu Giấy đã đưa vụ án chia di sản thừa kế trên ra xét xử sơ thẩm. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn, chia 457m2 đất và tài sản trên đất cho 5 người con của bà Tý. Đáng nói, nhiều tài sản vốn là những công trình gắn liền với nhà chùa cũng được xác định là di sản như bia đá, trụ cổng Tam quan…

Không đồng ý với phán quyết trên, ông Đỗ Văn Cường kháng cáo vì cho rằng cụ Hinh chỉ là người trông giữ chùa làng Tân. Vì vậy, không thể coi đất chùa này là di sản thừa kế.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 254/2006/DS-PT, TAND TP Hà Nội nhận định: “Với tất cả các chứng cứ do hai bên xuất trình và đối chiếu với các tài liệu trong hồ sơ do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập được, HĐXX phúc thẩm nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận nhà đất đang tranh chấp tại số 62 ngách 81/2, phường Nghĩa Đô là di sản thừa kế của bà Đỗ Thị Tý để lại”. 

Để giải quyết triệt để vụ án và đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các đương sự, HĐXX phúc thẩm xét thấy cần phải hủy án sơ thẩm để yêu cầu các đương sự làm rõ mâu thuẫn về chứng cứ trong hồ sơ và cần có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định nhà đất tranh chấp có phải nằm trong khuôn viên đất chùa làng Tân hay không. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST của TAND quận Cầu Giấy; Giao hồ sơ về TAND quận Cầu Giấy giải quyết lại theo thủ tục chung.

Tuy nhiên, đã gần 13 năm trôi qua, không hiểu vì lý do gì mà TAND quận Cầu Giấy vẫn chưa thể mở lại phiên tòa để xét xử vụ kiện trên.

Trong khi đó, từ năm 2005, Phòng Văn hóa - Thông tin quận Cầu Giấy đã có văn bản trả lời Tòa với nội dung: “Chùa Quang Ân là một di tích lịch sử và cách mạng. Vì vậy, cần phải được bảo vệ theo đúng Luật Di sản văn hóa đã được ban hành”. Tuy nhiên, với tình trạng tranh chấp bị kéo dài như trên thì rõ ràng, việc bảo vệ chùa Quang Ân sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không được tu bổ, tôn tạo. 

Năm 2008, UBND quận Cầu Giấy và Sở VH-TT&DL Hà  Nội đã từng chủ trì hội thảo khoa học với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà sử học, các nhà khoa học… Nhiều đại biểu tham dự đều cho rằng, chùa Quang Ân với niên đại hơn 400 năm, hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và là một di tích cách mạng kháng chiến, là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đầu năm 2010, Ban Tuyên giáo Thành ủy từng có Văn bản nêu nội dung gắn biển di tích tại chùa Quang Ân. Tuy nhiên, khi địa phương triển khai gắn biển thì gặp khó khăn do chùa đang có tranh chấp về thừa kế.

Đọc thêm