Vụ vay nợ đình đám giữa hai 'đại gia' họ Cao: Sau 3 năm 'đáo tụng đình', tại sao vụ án quay lại điểm xuất phát?

(PLVN) - Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội  đã hủy Bản án phúc thẩm và sơ thẩm xét xử vụ án “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng”, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Thanh Hóa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đã đưa vụ án đòi nợ đình đám giữa hai “đại gia” họ Cao là ông Cao Văn Sơn và ông Cao Tiến Đoan trở về điểm xuất phát.
Trước khi diễn ra các phiên xét xử, mối quan hệ làm ăn giữa hai doanh nghiệp do các “đại gia” họ Cao làm chủ đã thu hút sự chú ý của dư luận
Trước khi diễn ra các phiên xét xử, mối quan hệ làm ăn giữa hai doanh nghiệp do các “đại gia” họ Cao làm chủ đã thu hút sự chú ý của dư luận

Từ quan hệ tiền tỉ giữa các “đại gia”…

Tại đơn khởi kiện ngày 31/5/2016 và quá trình tố tụng, nguyên đơn là Cty chứng khoán KENAGA Việt Nam (Cty KENAGA – do ông Cao Văn Sơn là Chủ tịch HĐQT) cho biết, ngày 20/12/2011, Cty KENAGA  và Tổng Cty Bất động sản Đông Á (TCty Đông Á – do ông Cao Tiến Đoan là Tổng giám đốc) ký Hợp đồng (HĐ) tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KVS-DA/2011 với nội dung: Cty KENAGA góp 25 tỷ đồng để hợp tác với Cty Đông Á nhằm mục đích hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dự án khu Resort Bình Cầu, Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa. Thời hạn đầu tư 10 tháng, hàng tháng TCty Đông Á thanh toán lợi nhuận cho Cty KENAGA. HĐ này được 2 bên kí gia hạn ba lần, tới hạn ngày 25/9/2014.

Ngày 27/11/2011, Cty KENAGA đã chuyển 25 tỉ đồng cho TCty Đông Á. TCty Đông Á đã thanh toán cho Cty KENAGA 3 tỉ đồng tiền đầu tư. Do TCty Đông Á vi phạm nghĩa vụ thanh toán lợi nhuận và tiền đầu tư nên Cty KENAGA yêu cầu TCty Đông Á phải thanh toán tiếp 22 tỉ đồng tiền đầu tư và tiền lợi nhuận tính đến ngày 30/4/2015 là hơn 7,95 tỉ đồng, lãi phát sinh do việc chậm thanh toán là 1,6 tỉ đồng.

Ngày 31/5/2016, Cty KENAGA thay đổi nội dung khởi kiện từ tranh chấp hợp đồng đầu tư sang quan hệ vay tài sản, yêu cầu TCty Đông Á phải thanh toán 22 tỷ đồng và tiền lãi tính đến ngày 31/5/2016 là 13,78 tỉ đồng (lãi suất thỏa thuận tại HĐ tạm ứng vốn là 2% tháng), tiền lãi quá hạn phải thanh toán là 5,4 tỉ đồng.

Còn bị đơn là TCty Đông Á cho biết, Cty KENAGA chỉ có chức năng môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, không có chức năng kinh doanh khác nên HĐ tạm ứng vốn vô hiệu ngay từ khi ký kết, đồng thời đề nghị Tòa án tuyên buộc Cty KENAGA khấu trừ  và chỉ chấp nhận thanh toán cho Cty KENAGA 14,7 tỉ đồng.

Riêng đối với HĐ ủy quyền ký giữa ông Cao Tiến Đoan – Giám đốc TCty Đông Á  và vợ là bà Nguyễn Thị Điệp dùng tài sản là quyền sử dụng đất của ông Đoan, bà Điệp bảo đảm nghĩa vụ thanh toán 25 tỷ cho TCty Đông Á, với lý do không tuân thủ các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm nên TCty Đông Á đề nghị Tòa án tuyên vô hiệu.

…đến ba phiên xử trong 3 năm

Theo Bản án kinh doanh thương mại (KDTM) sơ thẩm số 12/2016/KDTM-ST ngày 25/7/2016, TAND TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Cty KENAGA, về thực hiện nghĩa vụ thanh toán; Không chấp nhận yêu cầu thay đổi yêu cầu khởi kiện của Cty KENAGA từ việc thực hiện hợp đồng tạm ứng vốn sang hợp đồng vay tài sản; Tuyên bố Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KSV-DA/2011 và Phụ lục kèm theo giữa Cty KENAGA với TCty Đông Á vô hiệu do giả tạo, phần nội dung vay vốn giữa TCty Đông Á với Cty KENAGA cũng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. HĐXX sơ thẩm cũng buộc TCty Đông Á phải có nghĩa vụ trả lại cho Cty KENAGA 25 tỷ đồng nhưng được trừ số tiền đã thanh toán là 10,29 tỉ  đồng, còn phải thanh toán 14,7 tỉ đồng.

Liên quan đến tài sản đảm bảo cho khoản vay là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB105409 do UBND huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cấp cho ông Đoan, bà Điệp, Bản án sơ thẩm đình chỉ một phần yêu cầu phản tố của TCty Đông Á đối với hợp đồng ủy quyền xác lập giữa cá nhân là ông Đoan, bà Điệp với ông Nguyễn Việt Hải (thời điểm đó là Tổng giám đốc Cty KENAGA), xác định HĐ ủy quyền xác lập ngày 21/12/2011 giữa ông Đoan, bà Điệp với ông Hải là vô hiệu, buộc Cty KENAGA và ông Hải phải có trách nhiệm liên đới trong việc trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đoan, bà Điệp.

Cty KENAGA kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, TCty Đông Á kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về án phí. Bản án KDTM phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 TAND tỉnh Thanh Hóa cơ bản vẫn có phán quyết tương tự như phiên sơ thẩm về trách nhiệm của các bên. 

Sau đó, Công ty KENAGA đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án KDTM phúc thẩm nêu trên.

Ngày 28/4/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 09/2017/KN-KDTM kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án KDTM phúc thẩm và sơ thẩm,  giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Thanh Hóa xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

TCty Đông Á khiếu nại Quyết định kháng nghị nêu trên. Ngày 23/11/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 04/2017/RKN-KDTM rút toàn bộ Quyết định kháng nghị số 09/2017/KN-KDTM. Ngày 5/12/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định số 36/2017/QĐ-GĐT đình chỉ xét xử giám đốc thẩm vụ án KDTM nêu trên.

Cty KENAGA Việt Nam có đơn khiếu nại Quyết định số 04/2017/RKN-KDTM (rút kháng nghị) và Quyết định số 36/2017/QĐ-GĐT nêu trên.

Ngày 27/7/2018, Viện trưởng VKSDND Cấp cao tại Hà Nội có Quyết định số 06/QĐKNGĐT-VC1-KDTM kháng nghị, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án KDTM phúc thẩm và sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Thanh Hóa xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

Vụ án quay lại trình tự ban đầu

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, căn cứ trình bày của hai bên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm có căn cứ khi xác định việc hai bên ký HĐ đầu tư là giao dịch giả tạo, HĐ vay tài sản là giao dịch có thật. Thực tế, Cty KENAGA đã chuyển 25 tỉ đồng cho TCty Đông Á. TCty Đông Á cho rằng HĐ đầu tư giữa hai Cty bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật nên đề nghị Tòa án buộc Cty KENAGA phải hoàn lại cho TCty Đông Á 7,2 tỉ đồng mà TCty này đã thanh toán tiền lãi cho Cty KENAGA để trừ vào số tiền gốc.

Tuy  nhiên, căn cứ trên các văn bản pháp luật và công văn trao đổi giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với TAND Cấp cao tại Hà Nội, thì trước ngày Thông tư số 210/2012/TT-BTC có hiệu lực, trường hợp Cty KENAGA và DN xác lập HĐ cho vay tiền không để mua chứng khoán, pháp luật chứng khoán và thị trường chưa có quy định và không thuộc các hành vi bị cấm theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Từ đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, giao dịch vay tiền giữa Cty KENAGA và TCty Đông Á, phụ lục gia hạn lần 1 phát sinh trước ngày Thông tư trên có hiệu lực nên không vi phạm điều cấm của pháp luật. Các phụ lục gia hạn lần 2 và lần 3 phát sinh sau thời điểm đó nên bị vô hiệu và phải giải quyết HĐ vô hiệu.

Quyết định rút kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội được xác định là do thời điểm đó TAND Cấp cao chưa nhận được công văn trao đổi của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Vì thế, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao quyết định hủy Bản án KDTM phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT, hủy Bản án KDTM sơ thẩm số 12/2016/KDTM-ST về vụ án “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng” giữa nguyên đơn là Cty KENAGA với bị đơn là Cty BĐS Đông Á, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Thanh Hóa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, nửa năm trôi qua, các bên vẫn đang chờ TAND Cấp cao tại Hà Nội thực hiện quyết định của Ủy ban Thẩm phán, “giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Thanh Hóa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật”. 

Đọc thêm