Vụ Vinacafe Quy Nhơn: Cần xem xét lại quan điểm truy tố vì có dấu hiệu oan sai

(PLO) - Trong đơn kêu oan gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Nhật (nguyên Giám đốc Cty Vinacafe Quy Nhơn) tiếp tục khẳng định hành vi của họ không đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm trái…” và đề nghị VKSNDTC xem xét lại quan điểm truy tố trong Cáo trạng số 21/VKSTC-V3 ngày 30/5/2017 vì có dấu hiệu gây oan sai cho công dân. 
Vụ Vinacafe Quy Nhơn: Cần xem xét lại quan điểm truy tố vì có dấu hiệu oan sai

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch, đạt hiệu quả trong kinh doanh

Về vụ án này, Báo PLVN số ra ngày 24/10/2017 đã có bài viết phản ánh phiên tòa sơ thẩm ngày 26 – 27/9/2017 của TAND TP HCM đã phải tạm hoãn để điều tra bổ sung vì diễn biến phiên tòa trên thể hiện hành vi của bị cáo Nguyễn Nhật không có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái…” như Cáo trạng số 21/VKSTC-V3 ngày 30/5/2017 của VKSNDTC quy kết.   

Sau khi Báo đăng, ông Nguyễn Nhật lại tiếp tục gửi đơn kêu oan đến Báo PLVN và các cơ quan chức năng trình bày: Thời điểm năm 2008, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khủng hoảng, khó khăn, các doanh nghiệp có chức năng xuất, nhập khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2010, Vinacafe Quy Nhơn được TCty Vinacafe giao nhập khẩu 80.000 tấn phân bón các loại để bán cho chính các nông trường cà phê trực thuộc TCty và để hoàn thành kế hoạch, Vinacafe Quy Nhơn cần phải có trên 20,48 triệu USD. Trong khi đó nguồn ngoại tệ vô cùng khan hiếm, các ngân hàng thương mại không có nguồn ngoại tệ để bán hoặc cho vay. Vinacafe Quy Nhơn đứng trước viễn cảnh không thể hoàn thành được kế hoạch nếu không có ngoại tệ.

Tình hình Trung tâm Xuất nhập khẩu cũng rất khó khăn. Năm 2010, Trung tâm được TCty giao chỉ tiêu mỗi năm xuất khẩu 62.500 tấn cà phê và nông sản các loại. Ngoài ra, Trung tâm được chỉ định thu mua số lượng tối đa là 17.000 tấn cà phê, tương đương khoảng 425 tỷ đồng. Cũng cần phải nói thêm, khi Trung tâm được chuyển giao từ Vinacafe Sài Gòn, Trung tâm phải có nghĩa vụ trả các khoản nợ mà Vinacafe Sài Gòn chuyển giao là 138,8 tỷ đồng.

Như vậy, có những thời điểm trong năm 2010, Trung tâm cần phải có hơn 800 tỷ đồng để cùng lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất và phải thực hiện thêm nghĩa vụ trả nợ thay cho TCty Vinacafe (do Vinacafe Sài Gòn chuyển giao là 138,8 tỷ đồng). Thực tế, từ khi thành lập (ngày 04/12/2009), Trung tâm không có vốn, mà toàn bộ nguồn tiền để thu mua cà phê xuất khẩu đều phải đi vay các ngân hàng thương mại, thông qua các ủy quyền của TCty (kể cả khoản nợ mà Vinacafe Sài Gòn chuyển giao thì Trung tâm cũng phải cân đối các nguồn tiền để thực hiện đúng các cam kết trả nợ giữa TCty và ngân hàng). Tuy nhiên, khi có ủy quyền vay vốn của TCty thì ngân hàng cũng chỉ giải ngân số tiền bằng 70-80% giá trị hàng hóa mua vào, 20-30% giá trị còn lại, Trung tâm phải tự xoay sở để thanh toán 100% cho người bán. Để đảm bảo cho khoản vay, toàn bộ số lượng cà phê Trung tâm thu mua được đều phải thế chấp cho ngân hàng. Trung tâm muốn giải chấp được cà phê để xuất bán thì phải có tiền để tất toán được toàn bộ khoản vay. 

Nhằm tháo gỡ khó khăn, bế tắc trên, TCty Vinacafe, Vinacafe Quy Nhơn, Trung tâm cùng các Cty con liên quan đã có rất nhiều cuộc họp tìm phương án tối ưu nhằm giải quyết vấn đề tạo nguồn USD ổn định để Vinacafe Quy Nhơn thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu phân bón, đồng thời luôn có nguồn vốn đều đặn để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Và phương án được đưa ra là Vinacafe Quy Nhơn chuyển trước tiền VND cho Trung tâm để Trung tâm có vốn thực hiện nhiệm vụ thu mua cà phê và xuất khẩu. Sau khi xuất khẩu, nguồn ngoại tệ thu về được Trung tâm chuyển lại về cho Vinacafe Quy Nhơn thông qua Ngân hàng BIDV Bình Định. Trong thời điểm đó, đứng trước những hoàn cảnh khó khăn đó thì đây là giải pháp tối ưu, duy nhất để tháo gỡ khó khăn cho cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. 

Thực tế, việc Trung tâm sử dụng nguồn tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn để tất toán các khoản vay đã giúp TCty Cà phê Việt Nam không có dư nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đó như một “vé thông hành” giúp TCty cũng như các đơn vị hạch toán phụ thuộc TCty không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vay vốn kinh doanh từ các tổ chức tín dụng. Năm 2010, cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trong năm mà Vinacafe Quy Nhơn đạt gần 28,5 tỷ đồng và lợi nhuận Trung tâm đạt được là 8,58 tỷ đồng. Do có thành tích như vậy nên năm 2010, ông Nguyễn Công Hoàng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Nhật được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Mặc dù trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26 – 27/9 TCty đều khẳng định là không biết việc luân chuyển vốn giữa 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc, nhưng trong mối quan hệ giữa TCty và các đơn vị trên (là quan hệ Cty mẹ - Cty con), và với tư cách là một pháp nhân độc lập trong các giao dịch dân sự, cũng như thực tế khách quan thì có thể khẳng định TCty hoàn toàn biết và đồng ý để 02 đơn vị luân chuyển vốn như trên. Điều này được thể hiện qua các báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, qua các cuộc thanh kiểm tra của TCty. Hơn nữa, với tư cách là Cty mẹ thì TCty đương nhiên biết được thực tế khó khăn của kinh tế thế giới, nền kinh tế trong nước và đặc biệt là những khó khăn vì thiếu USD và thiếu vốn của Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. Và trong quá trình sử dụng nguồn vốn vay, có rất nhiều khoản tiền đã được Trung tâm dùng để thực hiện thay nghĩa vụ và trả nợ cho TCty. Vậy nên, nếu nói TCty không biết về việc luân chuyển vốn giữa 02 đơn vị là hoàn toàn không đúng với sự thật khách quan.

Vậy nhưng, việc thực hiện những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị, đem lại những kết quả đáng kể như đã nêu trên lại bị buộc tội “Cố ý làm trái…” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS). 

Vốn vẫn luân chuyển trong TCty Vinacafe, sao gọi là thất thoát?

Trong đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Nhật phân tích: Theo quy định của pháp luật, cấu thành tội “Cố ý làm trái…” (Điều 165 – BLHS 1999) phải thỏa mãn 02 yếu tố là: có hành vi cố ý làm trái và có hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Trong vụ án này, hậu quả được Cáo trạng cho là gây thiệt hại cho TCty trên 45 tỷ đồng, hiện còn dư nợ số tiền gốc trên 39 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Vậy TCty Vinacafe có thật sự bị thiệt hại không? 

Theo diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-27/9/2017 thể hiện, thời điểm giữa năm 2010, Trung tâm lâm vào tình trạng cà phê bị lưu giữ trong kho trung gian không thể xuất khẩu, vì đang là tài sản thế chấp để nhận nợ một số ngân hàng. Nhu cầu bức thiết của Trung tâm là làm sao để có được dòng tiền để giải chấp cà phê tồn kho phục vụ xuất khẩu. Khi nhận được dòng tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn, như một cứu cánh để Trung tâm sử dụng nguồn tiền đó trả nợ Agribank chi nhánh 3 gần 53 tỷ đồng để giải chấp gần 4.000 tấn cà phê để xuất khẩu; trả nợ Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội 20,2 tỷ đồng để giải chấp trên 1.000 tấn cà phê để xuất khẩu… 

Hơn thế nữa, chủ yếu phần tiền Trung tâm chưa trả Vinacafe Quy Nhơn được Trung tâm sử dụng thanh toán cho các ngân hàng là các đối tác được TCty ký ủy quyền vay vốn hoặc phục vụ việc thu mua cà phê, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Hoạt động kinh doanh của Trung tâm gặp khó khăn, một phần do các đối tác của Trung tâm cũng là thành viên của TCty chưa thanh toán toàn bộ công nợ. 

Tại phiên tòa, hai bị cáo khẳng định khoản tiền Trung tâm chưa hoàn trả cho Vinacafe Quy Nhơn hoàn toàn không bị thất thoát, không có khả năng thu hồi như Cáo trạng quy kết. Các bị cáo chứng minh, thực tế sau khi khởi tố, Trung tâm vẫn tiếp tục trả cho Vinacafe Quy Nhơn thêm gần 9 tỷ đồng; hiện dư nợ chỉ còn 36,2 tỷ đồng. Số nợ sẽ tiếp tục giảm đi theo lộ trình với sự giám sát trực tiếp của TCty và Vinacafe Quy Nhơn. Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định số tiền 39,2 tỷ đồng là không có khả năng thu hồi theo bản Cáo trạng. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm vẫn hoạt động bình thường và kinh doanh có lãi, hoàn toàn có khả năng trả nợ. 

Các bị cáo cho rằng, nếu Cáo trạng xác định số tiền Trung tâm còn nợ Vinacafe Quy Nhơn là tiền các bị cáo làm thất thoát của TCty và buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm thì quá oan sai cho các bị cáo. Vì theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra tại Trung tâm đã khẳng định: Số tiền này đã được Trung tâm dùng để trang trải nợ nần - nghĩa là khoản tiền đó dùng để đầu tư, chi phí, duy trì cho hoạt động kinh doanh của Trung tâm, giúp Trung tâm thu về lợi nhuận. 

Cần xem xét lại quan điểm truy tố

Bên cạnh đó, toàn bộ sự luân chuyển dòng tiền giữa các thành viên trong TCty nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh chung của TCty, các bị cáo không hề mưu cầu lợi ích cá nhân. Xét một cách tổng thể, đây là giải pháp đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc Trung tâm sử dụng nguồn tiền luân chuyển từ Vinacafe Quy Nhơn để tất toán các khoản vay đã giúp TCty Cà phê Việt Nam không có dư nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, giúp TCty cũng như các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng Cty không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vay vốn kinh doanh từ các tổ chức tín dụng. Năm 2010, cả Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm đều hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Từ những phân tích nêu trên, số tiền 36,2 tỷ đồng hoàn toàn không bị thất thoát, các bị cáo không tư lợi. Đặt giả thiết theo quy kết của Cáo trạng các bị cáo gây thiệt hại và họ thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho TCty, sau đó các “con nợ” của TCty thanh toán các khoản công nợ thì vô hình trung “một khoản nợ được thanh toán hai lần”. Việc chưa thu hồi được toàn bộ công nợ để kiểm soát tài sản của TCty là do nguyên nhân khách quan, phản ánh quá trình kinh doanh của TCty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. 

Không làm trái quy định, không tư lợi, không gây thất thoát tài sản nhà nước, hành vi không cấu thành tội “Cố ý làm trái”, các bị cáo đề nghị VKSNDTC xem xét lại quan điểm truy tố, minh oan cho các bị cáo. 

Đọc thêm